Những vòng xe ngày cũ

Năm năm liên tục, chiều nào cũng có người ngồi sau xe cha đi ra thị xã châm cứu. Những đoạn đường bụi mù mùa nắng và trơn trượt mùa mưa, những cây kim dài đâm vào thịt da đau đớn là nỗi sợ hãi của tuổi thơ nhưng lại là động lực để người con ấy nỗ lực suốt quãng thời gian sau này.

Trong hành trình ấy là sự vất vả, hy sinh và tình yêu ăm ắp của cha dành cho mình. Khi cái miệng tôi méo hẳn sang một bên thì cha mẹ mới phát hiện. Đưa tôi chạy chữa hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia trong tâm thế lo lắng và hối hận. Hối hận vì quá bận bịu chuyện cơm áo mà không kịp thời phát hiện để từ một cậu bé đẹp trai giờ như thế.

Nhiều đêm tôi cựa mình thức giấc, thấy mẹ khóc, cha vắt tay lên trán thở dài. Sau chuỗi ngày đi các bệnh viện mà không có tiến triển, cha quyết định đưa tôi về nhà để châm cứu. Đều đặn ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ 2 giờ chiều tôi ngồi sau xe đạp của cha ra thị xã châm cứu trong 5 năm liền dù bác sĩ có nói “không cải thiện được nhiều đâu”. Cha bảo “đỡ được tí nào hay tí đó” để bớt phần tự ti với bạn bè.

Từ nhà tới chỗ châm cứu 15 cây số, đường bụi mù mùa nắng. Mùa mưa, đất lầy lên, trơn trượt. Có những đoạn cha phải vác xe đạp trên vai, tay bên kia nắm thật chặt bàn tay tôi cho khỏi ngã. Trời đâu có nắng mà lưng áo cha lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi. Tôi thường vòng tay ôm chặt bụng, hít hà mùi mồ hôi nồng nồng quen thuộc và nghe cha kể những câu chuyện trong cuộc sống, truyện cổ tích, ước mơ về tương lai. Giọng cha lúc nào cũng ấm áp, nhẹ nhàng. Nhờ vậy mà đoạn đường xa xôi hóa gần. Đoạn đường đi tôi khá vui vẻ nhưng cứ đến gần bệnh viện là tôi lại co rúm người vì sợ hãi. Những chiếc kim dài đâm vào mặt là nỗi ám ảnh lớn nhất tuổi thơ, nó đi vào cả giấc mơ. Lúc ấy, cha ngồi bên cạnh, vuốt vuốt mái tóc khét nắng của tôi, mắt cũng ầng ậc nước. Khi trưởng thành, làm cha tôi mới hiểu rằng nỗi đau của tôi là nỗi đau của thịt da, còn cha thì đau ở con tim. Và chắc chắn nếu có thể chịu đớn đau, bệnh tật cho tôi cha sẽ chẳng đắn đo. Sau khi chiếc kim cuối cùng được rút ra, cha sẽ cõng tôi trên vai, ra cổng bệnh viện mua một hộp xôi vịt để ăn.

Xôi dẻo, thơm ăn kèm với thịt vịt béo ngậy, ngọt, da giòn bao giờ cũng làm tôi khoái chí. Ngày ấy khó khăn, với mấy đứa bé như tôi có miếng ăn ngon là bao muộn phiền, đau đớn như bay đi đâu mất. Bởi vậy mà mới mếu máo đó tôi lại vui ngay được. Cha còn không quên mang theo cái khăn để lau cái miệng bóng nhẫy mỡ cho cậu con trai háu ăn, tôi toét miệng cười.

Mẹ bận dạy học, đưa đón chị Hai. Cha thì tất cả các buổi chiều đều đồng hành cùng tôi để tìm lại khuôn miệng tròn xoe lúc trước nên công việc kiếm tiền đều được rời vào buổi tối. Khi cả nhà cơm nước xong xuôi, chị em tôi ngồi vào bàn học, mẹ lo dọn dẹp cửa nhà, cha mặc áo ra vuông. Hôm thì giăng cá, câu cua, bữa bắt ba khía, đẻn. Cha một mình mò mẫm đến tờ mờ sáng mới về nhà chợp mắt vài tiếng đồng hồ rồi lại thức sửa soạn đồ cho mẹ mang đi bán sớm kịp giờ về đi dạy học. Rất nhiều lần tôi nhìn những ngón tay cha bị cua, ba khía kẹp, đẻn cắn rớm máu. Đôi mắt lúc nào cũng thâm quầng vì thiếu ngủ liên tục.

Tôi thương cha không ít lần xin không đi châm cứu nữa vì thấy cha quá vất vả. Cha nghiêm khắc nhìn tôi và quả quyết: “Nếu hôm nay còn cố gắng được thì nhất định không được bỏ cuộc để tương lai nhìn lại không phải hối hận”. Cứ vậy cha bền bỉ đồng hành cùng tôi suốt 5 năm. Tôi nhớ rất rõ ngày cuối cùng đưa tôi đi ra thị xã châm cứu cha buồn thiệt buồn. Bởi hy vọng của cha cũng mãi mãi không thể trở thành hiện thực.

Cha thương tôi cả đời sống với cái miệng méo, sau này ra xã hội sẽ thiệt thòi, bạn bè chọc ghẹo rồi tự ti. Nhưng tôi chưa bao giờ tự ti về khiếm khuyết của cơ thể mình. Suốt những năm đi học, bạn bè giễu cợt tôi trả lời bằng thành tích học giỏi nhất lớp. Đi làm, tôi luôn khẳng định vị trí của mình bằng việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tôi muốn cha biết rằng tôi đủ mạnh mẽ để vượt qua, đừng quá bận lòng về điều ấy. Vì tôi nhận được từ cuộc sống, từ gia đình và nhất là từ cha rất nhiều. Nhưng tôi biết đã mấy chục năm qua đi, cha vẫn chưa thể buông bỏ được sự ân hận dằn vặt trong lòng rằng nếu cha phát hiện ra sớm có khi tôi chẳng như thế dù rằng tôi đã chứng minh cho cha thấy rằng tôi đã và đang sống một cuộc đời rất hạnh phúc. Để có được hôm nay là nhờ có cha vun đắp, làm gương sáng để tôi noi theo. 

Những ngày ngồi sau xe cha đi châm cứu trở thành kỷ niệm đẹp của tôi. Một hành trình ngắn trong suốt cuộc đời nhưng trong ấy là cả một bầu trời yêu thương, hy sinh cha dành cho tôi. Ở đó tôi có một người cha mạnh mẽ, vững chãi và dịu dàng dù vất vả thế nào cũng không bao giờ bỏ cuộc. Đó cũng là hành trang quý báu để tôi bước vào cuộc sống hôn nhân sau này để làm người chồng, người cha tốt. 

Thu Phương

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời