Bánh mì que cay xè nỗi nhớ

Có những món ăn không chỉ tròn đầy vị giác, mà còn đánh thức cả một trời ký ức. Có một người con luôn nhớ thương một món ăn không đơn thuần là một món quà vặt quen thuộc, mà còn là hương vị của tuổi thơ, của những buổi tan trường, của tình thân đong đầy.

Ngày còn bé, tôi được chiều chuộng lắm, bố thường xuyên đưa đón tôi đi học. Khi tiếng trống trường vang lên gióng giả báo hiệu buổi học kết thúc, tôi vội vàng vơ sách vở, đồ dùng học tập vào cặp sách, ba chân bốn cẳng chạy ra cổng trường. Bóng dáng cao gầy quen thuộc đã đứng đó từ lâu bên chiếc xe honda màu sơn xanh bạc phếch. Bao giờ bố cũng vui vẻ hào hứng: Hôm nay ăn bánh mì que nhé công chúa!

Bánh mì que là thức quà độc đáo của người dân đất Cảng quê tôi. Hễ ăn là nghiện. Bụng tôi sôi réo. Như thấu hiểu, bố bèn chở tôi đến địa điểm quen thuộc: Quán bánh mì que bà Béo gần cổng trường. Giờ tan tầm, quán bà Béo người vào ra tấp nập, thực khách chủ yếu là học sinh tụi tôi. Sau một hồi chen chân, tôi và bố đã yên vị ở một góc bàn cuối quán.  

Những chiếc bánh mì que vàng ruộm, dài độ một gang tay, to độ hơn một đốt ngón tay nóng hôi hổi toả ra thứ hương thơm nức của mùi pa-tê hoà quyện cùng hương bánh nướng lan toả khắp quán. Bố dặn tôi ăn chậm nhai kĩ cẩn thận không nghẹn, rồi đưa tôi cốc nước. Tôi chấm miếng bánh mì với vỏ vàng giòn rụm vào bát chí chương đỏ rực - cách gọi tương ớt của người Hải Phòng - rồi đưa lên miệng. 

Chao ôi, miếng bánh mì giòn tan trong khoang miệng hoà quyện cùng vị pa-tê béo ngậy đặc trưng của gan và thịt lẫn vị cay xè của chí chương khiến tôi ăn một lúc mười chiếc mà vẫn thòm thèm. Bố nhắc tôi, để bụng còn ăn cơm tối.

Một thời gian sau, bố mẹ tôi quyết định mở quán bánh mì que. Bố thường dậy rất sớm, tất tả chạy xe đến lò bánh mì mang về từng bao lớn những chiếc bánh vàng ươm, thơm phức mùi bột nướng. Còn mẹ tôi lụi cụi tự tay làm pa-tê và chí chương.

Để có pa-tê ngon, mẹ chọn gan, thịt lợn tươi đem luộc, xay nhuyễn sau đó thêm các gia vị như mắm, đường, tiêu, một chút muối rồi hấp cách thủy từ 4 – 6 tiếng. Công đoạn làm pa-tê tuy cầu kỳ, mất thời gian nhưng đổi lại phần nhân bánh mì có hương thơm, mùi vị khác biệt là điểm nhấn khiến bao thực khách mê mẩn. 

Sau khi làm xong pa-tê, mẹ làm chí chương. Tỏi, cà chua với ớt thêm chút ít muối vào hỗn hợp này rồi đem xay nhuyễn. Mẹ chưng đến khi hỗn hợp sền sệt lại là được. Chí chương có màu đỏ tươi, mùi cay nồng lan toả khắp gian bếp nhỏ.

Vì có nhân và nước sốt đặc biệt này mà bánh mì que nhà tôi đã gây thương nhớ với bất kỳ ai lần đầu thưởng thức.

Mỗi lần có khách, mẹ lại lấy bánh mì đã nhồi nhân cho vào chiếc lò nướng bánh. Lớp mỡ trong pa-tê chảy ra quyện lấy phần ruột bánh. Mùi nhân pa-tê thơm ngậy bốc lên làm nôn nao thực khách.

Tôi đã lớn đủ để nhận ra những khó khăn vất vả của bố mẹ. Tôi ước mong mình sớm trưởng thành để cùng ghé vai gánh đỡ cha mẹ. Món bánh mì que giúp gia đình tôi đi qua thời kỳ gian khó. Tôi gửi vào đó niềm thương nỗi nhớ của suốt một thời tuổi thơ.

Hôm nay, tôi đón con gái vào giờ tan học. Tôi hỏi cô bé có điều gì đặc biệt không. Cô bé im lặng hồi lâu với khuôn mặt phụng phịu. Hiểu ý con, tôi bèn quay xe đến quán ăn tuổi thơ tôi: Quán bà Béo. Cô bé thưởng thức xong món ăn bèn giơ ngón tay cái: Bánh mì que là số một mẹ ạ! Tôi như thấy lại hình ảnh mình cùng người cha, sau giờ tan học, thưởng thức những chiếc bánh mì que quán bà Béo năm nào. 

Nguyễn Minh

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời