Xã Thạch Thất: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Thạch Thất được hình thành trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Liên Quan, xã Cẩm Yên, xã Đại Đồng, xã Lại Thượng, xã Phú Kim và xã Kim Quan thuộc huyện Thạch Thất.

Lý do lấy tên xã là Thạch Thất là do địa danh Thạch Thất có lịch sử dân cư và tổ chức hành chính từ rất sớm. Trải qua hàng ngàn năm, cùng với sự biến đổi về địa giới hành chính, tên huyện cũng thay đổi nhiều lần. Theo đó, tên gọi là Thạch Thất có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa; đồng thời, khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp).

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Thạch Thất

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Thạch Thất

Xã Thạch Thất giáp các xã: Phúc Thọ, Đoài Phương, Hạ Bằng, Tây Phương của thành phố Hà Nội. Xã có diện tích tự nhiên là 31,93 km2; quy mô dân số là 57.645 người.

  • Xã Cẩm Yên (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 4,03 km²; Quy mô dân số: 5.810 người
  • Xã Đại Đồng (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 5,29 km²; Quy mô dân số: 11.642 người
  • Xã Kim Quan (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 4,60 km²; Quy mô dân số: 9.746 người
  • Xã Lại Thượng (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 8,78 km²; Quy mô dân số: 11.339 người
  • Thị trấn Liên Quan (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 2,98 km²; Quy mô dân số: 7.230 người
  • Xã Phú Kim (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 6,25 km²; Quy mô dân số: 11.878 người

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Thạch Thất

Xã Thạch Thất nằm ở phía Tây của Hà Nội, có hệ thống giao thông thuận lợi với các trục chính như đại lộ Thăng Long, tỉnh lộ 419 và tuyến đường kết nối Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Vị trí này giúp tăng cường khả năng kết nối nội vùng, đồng thời liên kết vùng Tây Bắc Hà Nội với các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và đồng bằng sông Hồng. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy giao thương hàng hóa và phát triển các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.

Trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu đô thị mới đang được đầu tư phát triển, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực và vùng ven Thủ đô.

Đặc điểm kinh tế xã Thạch Thất

Với lợi thế nằm gần trục đại lộ Thăng Long và kết nối thuận tiện tới khu công nghệ cao Hòa Lạc, Thạch Thất đang chuyển mình mạnh mẽ từ một vùng nông nghiệp sang mô hình kinh tế đa ngành.

Về làng nghề truyền thống: trên địa bàn hiện có nhiều làng nghề hoạt động cùng các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông sản. Đặc biệt, xã Thạch Thất nổi tiếng với làng nghề mộc truyền thống Đại Đồng, chuyên chế tác đồ thờ, tượng gỗ, nội thất cao cấp; làng nghề cơ khí truyền thống Kim Quan chuyên sản xuất dụng cụ nông nghiệp, thiết bị cơ khí dân dụng; nghề làm gạch ngói cổ, như ngói mũi hài - một sản phẩm phục vụ cho tu bổ di tích.

Xã Thạch Thất đang phát triển nghề chế biến nông sản và các loại hình dịch vụ nông thôn mới. Bên cạnh đó, một số ngành nghề thủ công và dịch vụ truyền thống như sản xuất đồ gia dụng, đan lát, mây tre và buôn bán nhỏ lẻ,... đang phát triển mạnh mẽ, từng bước hình thành các mô hình kinh tế hỗ trợ nghề phụ. 

Thạch Thất không chỉ có nhiều làng nghề truyền thống mà còn đang tiếp tục kế thừa, phát triển các ngành nghề này theo hướng hiện đại và bền vững, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế địa phương vào sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội.

Về nông nghiệp công nghệ cao, xã đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó nổi bật là việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Xã đặc biệt chú trọng phát triển các loại cây trồng chủ lực có thế mạnh như cây bưởi Diễn. Nhiều mô hình sản xuất đã áp dụng công nghệ sinh học, cơ giới hóa và quy trình canh tác an toàn như: Ứng dụng hệ thống tưới tiêu tự động trong trồng rau màu, giảm công lao động và tiết kiệm nước; Sử dụng chế phẩm vi sinh, phân bón hữu cơ thay thế dần thuốc bảo vệ thực vật hóa học nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, xã cũng đã tăng cường liên kết với các doanh nghiệp và viện nghiên cứu để chuyển giao kỹ thuật, xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, qua đó nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản địa phương. Thạch Thất đang dần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng sạch - an toàn - bền vững, góp phần vào chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thủ đô.

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cũng đang trên đà phát triển. Xã tập trung phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu tập trung ở Kim Quan, Lại Thượng và Phú Kim. Các ngành công nghiệp chủ lực gồm chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí nhẹ, điện tử và công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các vùng lân cận.

Về phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch: Dịch vụ logistics, vận tải và kho bãi phát triển nhờ lợi thế giao thông thuận tiện, hỗ trợ lưu thông hàng hóa trong khu vực và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm.

Các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa truyền thống, ẩm thực, nghỉ dưỡng cũng được khai thác và phát triển nhằm tận dụng tài nguyên thiên nhiên và những giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương.

Thạch Thất phát triển hài hòa giữa sản xuất - dịch vụ - thương mại hiện đại, phù hợp với định hướng xây dựng đô thị vệ tinh phía Tây Hà Nội.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Thạch Thất

Xã Thạch Thất có nhiều lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa dân gian, gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng các vị thần, anh hùng lịch sử và các vị thánh trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, nổi tiếng có lễ hội đình Lại Thượng gắn liền với hoạt động tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, với các nghi thức cúng tế, rước kiệu và các trò chơi dân gian truyền thống; lễ hội chùa Kim Quan là lễ hội Phật giáo truyền thống, kết hợp các hoạt động văn hóa tâm linh, cầu an, cầu phúc; lễ hội đình Đại Đồng tôn vinh các vị thần bảo vệ làng, giữ gìn hòa bình, an ninh, với các hoạt động văn nghệ dân gian đặc sắc. Ngoài ra, còn có các đền, miếu nhỏ thờ các vị thần linh, anh hùng dân tộc và các danh nhân, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương và góp phần giữ gìn truyền thống, lịch sử vùng đất nơi đây.

Xã Thạch Thất có cộng đồng dân cư đông đúc và đa dạng, pha trộn hài hòa giữa cư dân nông thôn truyền thống và lực lượng lao động trong các khu công nghiệp, các dịch vụ mới phát triển xung quanh các cụm công nghiệp và khu dân cư.

Người dân xã Thạch Thất giữ gìn và phát triển nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống phi vật thể qua các hoạt động như hát chèo, múa rối, các trò chơi dân gian trong dịp lễ hội và ngày hội làng.

Về giáo dục, xã có nhiều trường học đủ các cấp học khác nhau, với nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia bao gồm các trường tiểu học, trung học cơ sở: Trường Tiểu học Phú Kim, Trường Tiểu học Kim Quan, Trường Tiểu học Cẩm Yên, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Liên Quan,… cùng các cơ sở giáo dục khác phục vụ nhu cầu học tập của người dân địa phương.

Về y tế, trạm y tế xã Thạch Thất được đầu tư phát triển đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cư dân trong khu vực. Ngoài ra, xã còn có các phòng khám đa khoa, các cơ sở y tế tư nhân phân bố hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản. Đặc biệt, Trung tâm Y tế Thạch Thất đóng vai trò quan trọng trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Trung tâm được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, tận tâm, luôn nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. 

  • Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Thạch Thất: Đường 419, xã Thạch Thất
  •  Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thạch Thất: đồng chí Lê Minh Đức
  •  Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Thạch Thất: đồng chí rần Hoàng Linh
  •  Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thạch Thất: đồng chí Vương Thị Thảo.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời