Xã Quốc Oai: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Xã Quốc Oai được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Thạch Thán, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai); phần lớn diện tích và dân số của các xã: Phượng Sơn, thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai); một phần diện tích và dân số của xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai).
Lý do lấy tên xã mới là Quốc Oai là do địa danh Quốc Oai có từ thời vua Lý Thái Tổ. Sau khi lên ngôi, vua Lý Thái Tổ chia cả nước làm 12 lộ, trong đó có lộ Quốc Oai. Năm 1469, đổi thừa tuyên Quốc Oai thành thừa tuyên Sơn Tây và bên dưới có phủ Quốc Oai. Dưới phủ gồm các huyện Đan Phượng, Từ Liêm, Thạch Thất, Yên Sơn, Phúc Lộc (sau là Phúc Thọ). Như vậy, tên gọi Quốc Oai có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa phù hợp với nguyên tắc đặt tên đơn vị hành chính mới và việc khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp).

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Quốc Oai
Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Quốc Oai
Xã Quốc Oai giáp các xã: Hát Môn, Tây Phương, Hưng Đạo, Kiều Phú, An Khánh, Sơn Đồng, Dương Hòa của thành phố Hà Nội. Xã có diện tích tự nhiên là 24,00 km2; quy mô dân số là 63.344 người.
- Xã Thạch Thán (Huyện Quốc Oai): Diện tích: 2,09 km²; Quy mô dân số: 7.366 người
- Thị trấn Quốc Oai (Huyện Quốc Oai): Diện tích: 4,34 km²; Quy mô dân số: 16.912 người
- Xã Ngọc Mỹ (Huyện Quốc Oai): Diện tích: 0,53 km²; Quy mô dân số: 0 người
- Xã Sài Sơn (Huyện Quốc Oai): Diện tích: 10,15 km²; Quy mô dân số: 22.741 người
- Xã Phượng Sơn (Huyện Quốc Oai): Diện tích: 6,89 km²; Quy mô dân số: 16.325 người
Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Quốc Oai
Xã Quốc Oai nằm gần khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc và nằm trên đường tỉnh 419, 420, 421, đại lộ Thăng Long - tuyến giao thông kết nối trung tâm Thủ đô với vùng Tây Bắc qua Hòa Lạc. Vị trí này mang lại lợi thế về liên kết vùng, thuận tiện kết nối với nội đô Hà Nội cũng như các khu công nghệ cao, đại học, bệnh viện lớn tại Hòa Lạc.
Nơi đây còn là điểm đến du lịch văn hóa quan trọng, sở hữu các di tích tiêu biểu như chùa Thầy. Đồng thời, với vai trò là hạt nhân trong quá trình đô thị hóa phía Tây Thủ đô, Quốc Oai đang từng bước hình thành diện mạo của một đô thị hiện đại, văn minh và giàu bản sắc.
Đặc điểm kinh tế xã Quốc Oai
Xã Quốc Oai là trung tâm kinh tế đa ngành, hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển cân đối giữa dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp - du lịch, trong đó dịch vụ và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đóng vai trò mũi nhọn. Với lợi thế có vị trí giao thông thuận lợi, di tích lịch sử nổi bật và dân cư đông đúc, xã Quốc Oai đang hướng đến một mô hình đô thị - nông thôn hiện đại và bền vững.
Về nông nghiệp, nhiều mô hình nông nghiệp vẫn duy trì tại xã Quốc Oai, trong đó có trồng rau an toàn, cây ăn quả, hoa - cây cảnh, bước đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Xu hướng phát triển nông nghiệp đô thị bền vững ngày càng rõ rệt. Giữ gìn vùng nông nghiệp sinh thái giúp cân bằng môi trường và tạo nguồn cung thực phẩm sạch cho khu vực nội thành Hà Nội.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, xã Quốc Oai phát triển công nghiệp và logistics, tập trung tại cụm công nghiệp Ngọc Liệp - Quốc Oai, thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất và chế biến. Trên địa bàn còn có các làng nghề như mộc Phượng Cách, cơ khí Phượng Sơn, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ. Nhờ vị trí gần Đại lộ Thăng Long, xã cũng dần trở thành điểm trung chuyển logistics quan trọng, kết nối hiệu quả với Khu công nghệ cao Hòa Lạc và các cụm công nghiệp lân cận.
Thương mại - dịch vụ: xã Quốc Oai là đầu mối buôn bán nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng, với hệ thống siêu thị mini, cửa hàng, nhà thuốc, dịch vụ ăn uống, vận tải phát triển. Nhờ vị trí trên trục đường 421B, đại lộ Thăng Long và các tuyến liên vùng, địa phương thuận lợi kết nối giao thương với cụm công nghiệp và khu đô thị. Các khu vực như Thạch Thán, Phượng Sơn phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ phụ trợ, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập. Dịch vụ hỗ trợ ngày càng hiện đại với ngân hàng, bưu cục, cơ sở y tế tư nhân, trung tâm viễn thông, cùng các lĩnh vực giáo dục, logistic, vận tải được nâng cấp. Dịch vụ lưu trú, nhà hàng phát triển, phục vụ khách du lịch.
Về du lịch, xã Quốc Oai có lợi thế về du lịch văn hóa - sinh thái, gắn với vùng đất xứ Đoài cổ kính. Nổi bật là quần thể chùa Thầy, hang Cắc Cớ, hồ Long Trì, đền Đức Thánh Tam Giang..., thu hút đông đảo du khách. Lễ hội chùa Thầy là sự kiện văn hóa tâm linh lớn của Hà Nội. Bên cạnh đó, các làng nghề như mộc Phượng Cách, rèn cơ khí, mây tre đan không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn. Cảnh quan nông thôn với đồi núi, hồ nước, vườn cây và đồng ruộng cũng thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái - trải nghiệm.
Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Quốc Oai
Xã Quốc Oai sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể phong phú, tiêu biểu như Di tích lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật chùa Thầy, khu vực núi đá Sài Sơn - gắn với thiền sư Từ Đạo Hạnh, nổi bật bởi kiến trúc cổ và cảnh quan núi Sài Sơn; động Hoàng Xá - nơi từng diễn ra cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương do Cao Bá Quát lãnh đạo là các Di tích được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt; nhà thờ Phan Huy Chú, đình Ngô Sài là các di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia. Ngoài ra, địa phương còn có nhiều di tích giá trị khác như đình Cấn, đình Ngọc Than, chùa Lâm, chùa Cấn Thượng…, góp phần làm giàu bản sắc văn hóa xứ Đoài.
Xã Quốc Oai chú trọng phát triển văn hóa - xã hội bền vững, song hành với phát triển kinh tế. Địa phương tích cực bảo tồn và phát huy di sản bằng việc tu bổ di tích, tổ chức lễ hội truyền thống, đồng thời khai thác tiềm năng du lịch gắn với di tích lịch sử, làng nghề và cảnh quan sinh thái.
Về giáo dục, xã Quốc Oai có hệ thống giáo dục phát triển đồng bộ từ mầm non đến THPT, với các trường tiêu biểu như: Trường Tiểu học Phượng Cách, Sài Sơn A, THCS Quốc Oai, THPT Phan Huy Chú,… Chất lượng giáo dục được nâng cao, chú trọng phát triển toàn diện cho học sinh thông qua hoạt động ngoại khóa, kỹ năng sống và ứng xử học đường. Địa phương đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ và tăng cường phối hợp gia đình - nhà trường, hướng tới môi trường học tập an toàn, hiện đại.
Về y tế, xã Quốc Oai có hệ thống y tế cơ sở đồng bộ, với trạm y tế có cơ sở vật chất đạt chuẩn, đội ngũ y bác sĩ chuyên môn tốt, đảm bảo khám chữa bệnh ban đầu, tiêm chủng, sơ cứu và tư vấn sức khỏe. Trung tâm Y tế Quốc Oai đóng vai trò hỗ trợ chuyên môn và triển khai các chương trình y tế dự phòng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn.
- Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Quốc Oai: Số 10, đường 17/8, xã Quốc Oai
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quốc Oai: đồng chí Nguyễn Trường Sơn
- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Quốc Oai: đồng chí Nguyễn Trung Thành
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quốc Oai: đồng chí Nguyễn Thị Thanh Loan.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây