Phường Vĩnh Hưng: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Vĩnh Hưng là địa bàn kết nối giữa khu vực trung tâm và các khu đô thị mới phía Nam, góp phần thúc đẩy liên kết vùng và phát triển không gian đô thị hiện đại.
Lý do lấy tên phường mới là Vĩnh Hưng là do Vĩnh Hưng là tên gọi của một phường thuộc quận Hoàng Mai hiện nay. Vùng đất Vĩnh Hưng ban đầu có tên là Vĩnh Tuy, nằm ở phía Tây huyện Thanh Đàm (nay là Thanh Trì). Đến năm 1740, Vua Lê Hiển Tông lên ngôi lấy niên hiệu Cảnh Hưng nên Vĩnh Hưng Trang được đổi thành xã Vĩnh Tuy, khi đó, xã Vĩnh Tuy gồm các thôn Thượng, Đoài, Tân Khai, Đông Thiên và Trung Lập. Năm 1956, thôn Trung Lập nhập về xã Lĩnh Nam. Năm 1982, vùng đất Vĩnh Tuy Đoài được nhập vào nội thành Hà Nội để thành lập phường Vĩnh Tuy. Như vậy, viện chọn tên đơn vị hành chính mới là Vĩnh Hưng là theo ý nguyện chung trở về với tên gọi đã có cách đây 5 thế kỷ.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Vĩnh Hưng
Phường Vĩnh Hưng giáp các phường: Lĩnh Nam, Vĩnh Tuy, Tương Mai, Hoàng Mai, Hồng Hà của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 4,47 km²; quy mô dân số là 67.561 người.
Phường Vĩnh Hưng được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Vĩnh Hưng, Thanh Trì (quận Hoàng Mai); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai); Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), trong đó:
- Phường Vĩnh Tuy (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,33; Quy mô dân số: 6.487
- Phường Thanh Trì (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 1,57; Quy mô dân số: 16.670
- Phường Vĩnh Hưng (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 1,32; Quy mô dân số: 28.435
- Phường Lĩnh Nam (Quận Hoàng Mai): Diện tích: 1,25; Quy mô dân số: 15.969
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Vĩnh Hưng
Phường Vĩnh Hưng là địa bàn kết nối giữa khu vực trung tâm và các khu đô thị mới phía Nam, góp phần thúc đẩy liên kết vùng và phát triển không gian đô thị hiện đại. Phường Vĩnh Hưng được hình thành từ những khu dân cư lâu đời và các khu đô thị mới, tạo nên một cấu trúc đa dạng và năng động. Phường nằm tiếp giáp với một số khu đô thị lớn như Times City, Gamuda Gardens,… Cùng với tiềm năng phát triển các khu nhà ở, dịch vụ và hạ tầng xã hội, Vĩnh Hưng đang trở thành khu vực trọng điểm trong phát triển đô thị đồng bộ và hiện đại của thành phố Hà Nội.
Đặc điểm kinh tế phường Vĩnh Hưng
Cơ cấu kinh tế của phường Vĩnh Hưng chuyển dịch theo hướng đô thị hóa, từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ - thương mại và bất động sản. Sự chuyển dịch này thể hiện rõ nét qua sự phát triển của nhiều khu đô thị mới.
Phường có hệ thống trung tâm thương mại, dịch vụ ăn uống, giải trí phát triển mạnh tại các khu đô thị mới cũng như những khu vực có mật độ dân cư đông đúc tại các tuyến đường Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam, Tam Trinh,… Chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, dịch vụ, buôn bán nhỏ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa của phường cũng như khu vực lân cận.
Phần lớn đất nông nghiệp, đất tiểu thủ công nghiệp đã được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở, đất xây dựng hạ tầng công cộng, khu đô thị, chung cư cao tầng. Chỉ còn diện tích rất nhỏ nằm rải rác hoặc xen kẽ trong khu dân cư cũ, việc sản xuất mang tính chất tự cấp, tự túc.
Nhiều dự án khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà hỗn hợp đang được triển khai trên địa bàn phường, thu hút dòng vốn đầu tư từ tư nhân, doanh nghiệp bất động sản và tạo ra nguồn thu ngân sách lớn từ đất đai, thuế kinh doanh, dịch vụ và dân cư mới.
Trên địa bàn phường còn một số cơ sở sản xuất cơ khí, sửa chữa, may mặc,… nằm rải rác trong các khu dân cư, tuy nhiên, các mô hình này không được khuyến khích mở rộng. Nhiều hộ sản xuất đã chuyển sang mở cửa hàng kinh doanh, dịch vụ hoặc cho thuê mặt bằng.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Vĩnh Hưng
Là khu vực nằm trong vùng chuyển tiếp giữa nội đô và vành đai phía Nam Hà Nội, Vĩnh Hưng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các xu hướng mở rộng đô thị và quy hoạch đô thị. Sự xuất hiện của các khu chung cư cao tầng, trung tâm thương mại, hạ tầng giao thông lớn như tuyến đường Vành đai 2.5, đường Tam Trinh, Lĩnh Nam đã thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng.
Phường Vĩnh Hưng có cơ cấu dân cư tương đối đa dạng về thành phần bao gồm các khu dân cư địa phương khu vực Vĩnh Hưng, Lĩnh Nam, Thanh Trì giao thoa với lối sống làng xã và các khu đô thị mới hiện đại như Times City, Imperia, Vĩnh Hoàng,… với lối sống đô thị, hạ tầng đồng bộ. Sự đan xen này cho thấy một xã hội đa tầng, phản ánh quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.
Dân số của phường có xu hướng trẻ hóa do thu hút lượng lớn dân cư nhập cư, đặc biệt là lao động trẻ từ các tỉnh thành khác đến sinh sống, học tập và làm việc. Đây là lực lượng lao động tiềm năng, góp phần phát triển kinh tế - dịch vụ - thương mại địa phương.
Phường Vĩnh Hưng hiện nay là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử có giá trị cả về tôn giáo, văn hóa và lịch sử, được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia như: đền, đình, chùa Đông Thiên (1990); ngoài ra có các di tích khác như Phủ Chúa, miếu Hàn Lâm, đền Mẫu thờ mẫu Liễu Hạnh, đền Mẫu Thoải, đình Thanh Lâu, chùa Đồng,…
Phường Vĩnh Hưng có lễ hội làng truyền thống tổ chức hàng năm từ ngày 30 tháng Giêng đến mùng 2 tháng Hai âm lịch gắn liền với tục thờ Thánh Nha Cát Đại Vương - vị Thành Hoàng làng của khu vực này. Lễ hội có các nghi thức rước kiệu, tế lễ truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa làng Việt. Bên cạnh đó, còn có các trò chơi dân gian đặc trưng như cờ tướng, chọi gà, đu quay, đập niêu và hát quan họ, biểu diễn trích đoạn chèo,…
Về y tế: Phường nằm gần một số cơ sở khám chữa bệnh lớn như: Bệnh viện Nông nghiệp, Bệnh viện K Tân Triều… cùng trung tâm y tế và nhiều phòng khám tư nhân, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Về giáo dục: các cơ sở giáo dục trên địa bàn phường được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, đạt nhiều thành tích trong dạy và học như: Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Hưng, Tiểu học và THCS Thanh Trì,… Phường còn có một số trường đại học như: Đại học Mở Hà Nội, Đại học Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp,…
- Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Vĩnh Hưng: số 177 phố Thanh Đàm
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Vĩnh Hưng: đồng chí Nguyễn Đức Dũng
- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hưng: đồng chí Phạm Hải Bình
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Vĩnh Hưng: đồng chí Phạm Ngọc Hưng.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.