Xã Tây Phương: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Tây Phương được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Thạch Xá, Phùng Xá, Hương Ngải, Lam Sơn (huyện Thạch Thất); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Quang Trung (huyện Thạch Thất); một phần diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Quốc Oai và các xã: Ngọc Liệp, Ngọc Mỹ, Phượng Sơn (huyện Quốc Oai).

Lý do lấy tên xã mới là Tây Phương là bởi Tây Phương là tên gọi một ngôi chùa tại xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, nổi tiếng không chỉ ở kiến trúc cổ kính mà còn bởi cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn bởi vị trí tọa lạc ở nơi hội tụ linh khí đất trời. Do vậy, xã mới lấy tên Tây Phương vừa có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa, vừa có giá trị bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa dân tộc.

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Tây Phương

 

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Tây Phương

Xã Tây Phương giáp các xã: Hạ Bằng, Thạch Thất, Hát Môn, Kiều Phú, Quốc Oai, Phúc Thọ của thành phố Hà Nội. Xã có diện tích tự nhiên là 31,10 km2; quy mô dân số là 99.874 người.

  • Xã Quang Trung (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 6,30 km²; Quy mô dân số: 29.540 người
  • Xã Thạch Xá (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 6,14 km²; Quy mô dân số: 19.994 người
  • Xã Lam Sơn (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 8,25 km²; Quy mô dân số: 25.373 người
  • Xã Hương Ngải (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 4,80 km²; Quy mô dân số: 10.342 người
  • Xã Phùng Xá (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 4,67 km²; Quy mô dân số: 14.625 người
  • Thị trấn Quốc Oai (Huyện Quốc Oai): Diện tích: 0,76 km²; Quy mô dân số: 0 người
  • Xã Ngọc Mỹ (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 0,04 km²; Quy mô dân số: 0 người
  • Xã Ngọc Liệp (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 0,04 km²; Quy mô dân số: 0 người
  • Xã Phượng Sơn (Huyện Thạch Thất): Diện tích: 0,10 km²; Quy mô dân số: 0 người

 

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Tây Phương

Nằm ở phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Tây Phương đóng vai trò là điểm trung chuyển giữa khu vực nội đô Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc như Phú Thọ - Sơn La - Điện Biên thông qua trục quốc lộ 21 và đại lộ Thăng Long.

Xã Tây Phương được xác định là một trong những trung tâm dịch vụ, công nghiệp và văn hóa của khu vực phía Tây Hà Nội, nhờ hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi: nằm gần tuyến đường sắt đô thị (dự kiến), cận kề Khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu công nghiệp Thạch Thất; tiếp giáp các cụm công nghiệp như Phùng Xá, Lam Sơn và sở hữu các giá trị văn hóa tiêu biểu như chùa Tây Phương - di tích Quốc gia đặc biệt. Xã cũng là nơi có nhiều làng nghề truyền thống như cơ khí, mộc và tiềm năng phát triển nông nghiệp sinh thái.

Sở hữu lợi thế về địa hình kết nối, mật độ dân cư khá cao và nền tảng kinh tế đa dạng, Tây Phương có vai trò quan trọng trong liên kết giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng lõi công nghệ cao với các khu vực sản xuất truyền thống, thúc đẩy phát triển khu vực phía Tây Hà Nội.

 

Đặc điểm kinh tế xã Tây Phương

Xã Tây Phương nổi bật với nhiều làng nghề truyền thống đa dạng và phát triển bền vững. Nghề mây tre đan phát triển mạnh, nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như giỏ, rá, đèn lồng và vật dụng trang trí nội thất, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, nghề gỗ mỹ nghệ phát triển với các sản phẩm tinh xảo như bàn ghế và đồ trang trí, mang lại giá trị kinh tế cao. Nghề dệt thổ cẩm và may mặc cũng đang được bảo tồn và phát triển.

Xã chú trọng phát triển nghề chế biến nông sản như: bánh chè lam, quả hồng Yên Thôn, làm miến, hoa quả sấy,… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Các làng nghề này không chỉ giữ gìn nét văn hóa truyền thống đặc sắc mà còn tạo việc làm ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Về nông nghiệp công nghệ cao: Xã Tây Phương áp dụng hệ thống tưới tiêu tự động và công nghệ kiểm soát môi trường trong sản xuất rau sạch, hoa cảnh và cây ăn quả, kết hợp sử dụng giống cây trồng chọn lọc cùng kỹ thuật canh tác hiện đại như gieo trồng theo phương pháp hữu cơ, áp dụng phân bón sinh học và kiểm soát sâu bệnh bằng sinh học, qua đó vừa bảo vệ môi trường vừa nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, các mô hình nhà kính, nhà màng được xây dựng nhằm kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, giúp cây trồng phát triển ổn định quanh năm và giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu. Việc ứng dụng công nghệ trong chế biến nông sản cũng được chú trọng nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Nhờ đó, sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Phương không chỉ gia tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường.

Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: Trên địa bàn tiếp giáp với nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu công nghiệp Thạch Thất; các cụm công nghiệp Phùng Xá, Lam Sơn,... góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương, giúp người dân kinh doanh thêm các loại hình dịch vụ buôn bán nhỏ phục vụ nhu cầu người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. 

Trên địa bàn xã có nhiều cơ sở sản xuất quy mô vừa và nhỏ hoạt động trong các ngành chế biến thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc và đồ gỗ mỹ nghệ. Các làng nghề truyền thống gắn liền với tiểu thủ công nghiệp như mây tre đan và gỗ mỹ nghệ ở Thạch Xá, Lam Sơn được duy trì, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Về thương mại - dịch vụ - du lịch: Dịch vụ vận tải và logistics tại xã Tây Phương được phát triển nhằm kết nối giữa các khu vực sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp và các trung tâm thương mại. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục được cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ cộng đồng. 

Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên hài hòa cùng các di tích lịch sử và văn hóa truyền thốn, xã tập trung phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái với nhiều điểm đến hấp dẫn như làng nghề truyền thống, đình chùa cổ; tổ chức các lễ hội truyền thống và sự kiện văn hóa định kỳ nhằm thu hút khách tham quan, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.

 

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Tây Phương

Xã Tây Phương là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, hội tụ những giá trị lịch sử - tín ngưỡng lâu đời của vùng văn hóa xứ Đoài. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia và cấp Quốc gia đặc biệt, phản ánh chiều sâu văn hóa dân tộc, hội tụ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc như: chùa Tây Phương  - Di tích Quốc gia đặc biệt; chùa Thạch Thôn, đình Yên Thôn (đình làng Yên), đình Phùng Thôn (đình Bùng), chùa Kim Liên (chùa Phùng Thôn), Mộ và nhà thờ Phùng Khắc Khoan  đã được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Tây Phương cũng nổi tiếng với làng nghề tò he Thạch Xá, các lễ hội truyền thống như lễ hội chùa Tây Phương, lễ hội làng cổ Hương Ngải, Phùng Xá... và hệ thống đình làng cổ thờ Thành hoàng như đình Thạch Xá, Lam Sơn, Hương Ngải, Phùng Xá, Ngọc Mỹ, Ngọc Liệp, Phượng Sơn - phản ánh chiều sâu tín ngưỡng và bản sắc văn hóa dân tộc.

Các nghề thủ công như mộc dân dụng, làm hương, đan lát... vẫn được duy trì tại các làng Phùng Xá, Hương Ngải, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương.

Đời sống cộng đồng tại xã Tây Phương mang đậm chất làng xã truyền thống, với lối sống quần tụ xen lẫn các thiết chế văn hóa rõ nét như đình, chùa, miếu. Các phong tục, tập quán như giỗ tổ nghề, hội làng, cùng các trò chơi dân gian như đánh đu, chọi gà, kéo co,... được người dân gìn giữ và truyền lại qua nhiều thế hệ, tạo nên bản sắc văn hóa cộng đồng bền vững.

Về giáo dục, trên địa bàn có Trường Đại học Công nghiệp Việt - Hung cơ sở 2. Xã có hệ thống giáo dục đầy đủ từ mầm non đến trung học phổ thông, tiêu biểu như: Tiểu học - THCS Thạch Xá, Hương Ngải, Lam Sơn, Phùng Xá; Trường THPT Phùng Khắc Khoan,… với chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Các trường chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, lồng ghép truyền thống quê hương vào giảng dạy, duy trì phong trào khuyến học, thi đua dạy tốt - học tốt, có học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp.

Về y tế, xã Tây Phương hiện có trạm y tế được đầu tư trang thiết bị hoàn chỉnh và đồng bộ, đội ngũ y bác sĩ đảm bảo thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh ban đầu, sơ cứu, tiêm chủng, tư vấn sức khỏe và chăm sóc y tế cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 

  • Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Tây Phương: Thôn Yên, xã Tây Phương
  •  Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tây Phương: đồng chí Nguyễn Minh Hồng
  •  Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tây Phương: đồng chí Cấn Văn Hương
  •  Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tây Phương: đồng chí Nguyễn Hữu Hùng.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời