Xã Phúc Thọ: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Xã Phúc Thọ được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Phúc Thọ và các xã: Long Thượng, Tích Lộc, Trạch Mỹ Lộc, Phúc Hòa, Phụng Thượng.
Lý do lấy tên phường mới là Phúc Thọ là do Phúc Thọ là địa danh được hình thành sớm cùng lịch sử dân tộc, nơi hòa quyện giữa 3 con sông: sông Hồng, sông Đáy và sông Tích, tạo nên vùng đất có truyền thống lâu đời và bề dày lịch sử - cái tên huyện Phúc Thọ đến nay đã có niên đại 202 năm. Theo đó, tên gọi là Phúc Thọ có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa; đồng thời, khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp).

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Phúc Thọ
Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Phúc Thọ
Xã Phúc Thọ giáp các phường: Tùng Thiện, Sơn Tây và các xã: Hát Môn, Phúc Lộc, Thạch Thất, Đoài Phương, Tây Phương của thành phố Hà Nội. Xã có diện tích tự nhiên là 39,66 km2; quy mô dân số là 75.425 người.
- Thị trấn Phúc Thọ (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 3,73 km²; Quy mô dân số: 9.650 người
- Xã Long Thượng (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 10,05 km²; Quy mô dân số: 16.109 người
- Xã Tích Lộc (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 10,01 km²; Quy mô dân số: 18.607 người
- Xã Trạch Mỹ Lộc (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 5,47 km²; Quy mô dân số: 8,184 người
- Xã Phúc Hoà (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 4,13 km²; Quy mô dân số: 7.583 người
- Xã Phụng Thượng (Huyện Phúc Thọ): Diện tích: 6,27 km²; Quy mô dân số: 15.292 người
Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Phúc Thọ
Xã Phúc Thọ có hạ tầng giao thông được nâng cấp như: tỉnh lộ 417, kết nối thuận tiện với đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, nằm trên trục giao thông nối trung tâm Thủ đô với các khu vực phía Tây và các tỉnh Tây Bắc, đây là điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển dịch vụ - thương mại và thu hút đầu tư.
Với dân cư đông đúc, hệ thống dịch vụ phát triển, cùng lợi thế tiếp giáp vùng ngoại thành đang đô thị hóa nhanh, xã Phúc Thọ giữ vai trò làm cầu nối giữa khu vực nội đô Hà Nội với các khu vực lân cận như Sơn Tây, Thạch Thất, Đan Phượng, góp phần thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế - xã hội. Xã Phúc Thọ không chỉ là trung tâm động lực của khu vực mà còn là điểm nhấn trong chiến lược mở rộng không gian đô thị phía Tây Hà Nội.
Đặc điểm kinh tế xã Phúc Thọ
Xã Phúc Thọ phát triển kinh tế đa dạng: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, dịch vụ.
Xã Phúc Thọ phát triển các vùng trồng rau an toàn, ứng dụng kỹ thuật tưới tiêu và quản lý dịch hại hiện đại nhằm nâng cao năng suất và chất lượng. Vùng đồng bằng phù sa tại Phúc Thọ còn duy trì sản xuất lúa chất lượng, kết hợp mô hình sản xuất hữu cơ và kỹ thuật canh tác tiên tiến. Một số khu vực như Phúc Hòa, Phụng Thượng phát triển các vùng trồng cây ăn quả như bưởi, na, táo,… là đặc sản phục vụ thị trường địa phương và xuất khẩu. Các cơ sở chế biến thực phẩm, bảo quản nông sản đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp của xã.
Các làng nghề truyền thống lâu đời vẫn được duy trì, phát triển trên địa bàn xã như nghề dệt thảm tại Thôn Đông (Phụng Thượng); làng nghề mộc Triệu Xuyên; làng nghề hoa, cây cảnh Tích Lộc;… giúp bảo tồn giá trị di sản truyền thống và tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Xã Phúc Thọ tận dụng lợi thế vị trí cửa ngõ phía Tây Hà Nội để phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nhẹ, sản xuất vật liệu xây dựng tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp nhỏ phân bố đều trong xã.
Bên cạnh đó, dịch vụ thương mại, logistics cũng phát triển nhanh, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, dịch vụ bán buôn, bán lẻ và dịch vụ tài chính, ngân hàng được mở rộng nhằm phục vụ cho cộng đồng dân cư và doanh nghiệp. Sự phát triển này làm tăng sức cạnh tranh và đa dạng hóa kinh tế địa phương, góp phần nâng cao thu nhập và tạo việc làm cho người dân.
Xã Phúc Thọ nổi bật với mô hình kinh tế đa ngành, kết hợp hài hòa giữa công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp hiện đại. Đây chính là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững, nâng cao vị thế kinh tế của xã trong toàn bộ khu vực và thành phố Hà Nội.
Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Phúc Thọ
Xã Phúc Thọ giữ gìn nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, mang đậm nét văn hóa dân gian và tín ngưỡng thờ cúng các vị thần, anh hùng dân tộc cùng các vị thánh địa phương. Các lễ hội thường diễn ra tại các đình, đền, chùa, qua đó gắn kết cộng đồng và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Xã có nhiều ngôi chùa cổ kính, đền đài có giá trị lịch sử và nghệ thuật, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng của người dân. Các địa điểm này không chỉ là nơi thờ tự mà còn là điểm đến văn hóa, du lịch thu hút khách tham quan trong và ngoài vùng. Trong đó, có nhiều công trình tín ngưỡng được công nhận là di sản văn hóa vật thể, di tích cấp Quốc gia như: đình Thu Vi, chùa Triệu Xuyên, đình Phù Long, đền Vũ Lâm, đền Long Đại, đình Bảo Vệ ở Long Thượng, miếu Thuần Mỹ, đình Tuy Lộc ở Trạch Mỹ Lộc, chùa Tường Phiêu (Cựu Linh), đình Cung Sơn, chùa Cung Sơn ở Tích Lộc .
Người dân xã có đời sống văn hóa phong phú với các hoạt động nghệ thuật truyền thống như hát chèo, múa rối nước, các trò chơi dân gian được tổ chức trong dịp lễ hội và ngày hội làng.
Xã nổi bật với sự phát triển đồng bộ giữa văn hóa truyền thống và kinh tế hiện đại, trong đó các làng nghề truyền thống như mây tre đan, dệt thổ cẩm, làm nón lá… được bảo tồn và phát triển gắn với du lịch văn hóa.
Hệ thống y tế tại xã Phúc Thọ được xây dựng và phát triển đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân địa phương. Trên địa bàn có một số bệnh viện và trung tâm y tế đa khoa, trong đó nổi bật nhất là Bệnh viện Đa khoa Phúc Thọ. Đây là bệnh viện được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, hiện đại hóa quản lý bằng công nghệ số và có đội ngũ y bác sĩ chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các trạm y tế trên địa bàn làm tốt công tác y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng, kiểm soát dịch bệnh cho người dân địa phương.
Chất lượng giáo dục tại xã ngày càng nâng cao, thể hiện ở việc chú trọng phát triển toàn diện từ kiến thức chuyên môn đến kỹ năng sống, thể thao, nghệ thuật và giáo dục đạo đức cho học sinh. Xã có một số trường tiêu biểu như: Trường Tiểu học Phúc Thọ, Trường Tiểu học Phúc Hòa; Trường THCS Phúc Thọ; các trường mầm non và tiểu học đang trong quá trình nâng cao chất lượng để đạt chuẩn.
- Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Phúc Thọ: Số 39 đường Lạc Trị, xã Phúc Thọ
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Thọ: đồng chí Nguyễn Doãn Hoàn
- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ: đồng chí Kiều Trọng Sỹ
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phúc Thọ: đồng chí Lê Thị Kim Phương.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây