Tiêu dùng nội địa khởi sắc sau 6 tháng đầu năm
Kinh tế trong nước đối mặt nhiều khó khăn nhưng sức tiêu dùng nội địa vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định, nhất là sau 6 tháng đầu năm 2025.
Theo Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2024. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm hàng thiết yếu như thực phẩm, đồ gia dụng, văn phòng phẩm, sản phẩm phục vụ du lịch và nhu cầu mùa hè.
Các doanh nghiệp bán lẻ ghi nhận mức tăng doanh thu ấn tượng, phản ánh rõ nét tiềm năng của thị trường. Tại Siêu thị AEON Xuân Thủy, dù mới đi vào hoạt động được hơn nửa năm nhưng đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với sức mua tăng từ 10-15% so với đầu năm.
Bà Lê Thị Hương Thắm, Giám đốc Trung tâm Bách hóa Tổng hợp và Siêu thị AEON Xuân Thủy, chia sẻ: "Sức mua của khách hàng tăng 10-15%. Do nhu cầu của khách hàng trong dịp nghỉ hè, hội họp gia đình, vui chơi mua sắm, giải trí, du lịch tăng cao nên sức mua có sự tăng nhẹ ở các mặt hàng chế biến đồ ăn sẵn, đồ tươi sống các sản phẩm về du lịch thể thao quần áo mùa hè".
Chuỗi siêu thị Mega Market cũng ghi nhận lượng khách tăng rõ rệt nhờ vào chiến lược bình ổn giá tập trung vào mặt hàng nội địa. Ông Nguyễn Tuấn Dương, Giám đốc Siêu thị MM Mega Market Thăng Long, cho hay: "Mùa hè năm 2025, siêu thị MM Mega Market Thăng Long có nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn cho các sản phẩm mùa hè, chẳng hạn như trái cây vùng nhiệt đới. Các sản phẩm phi thực phẩm như lều trại, đồ uống, thực phẩm... cũng có chương trình khuyến mãi mua nhiều lợi nhiều, giảm giá 50%".
Cùng với đà tăng sức mua, các doanh nghiệp bán lẻ liên tục mở rộng quy mô trong 6 tháng qua. AEON Việt Nam duy trì đà tăng trưởng hai con số, hướng tới mục tiêu mở gấp ba điểm bán đến năm 2030. Central Retail tăng tốc với hai trung tâm GO! Mall mới khai trương tại Hưng Yên hôm 17/7 và Yên Bái trong thời gian tới. Các chuỗi nội địa như WinMart, Bách Hóa Xanh, Co.opmart đều đang tăng tốc mở thêm hàng trăm cửa hàng mới trong năm nay. Các cửa hàng tiện lợi như GS25, SeveEleven của miền Nam cũng liên tục "Bắc tiến".
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết: "Tổng cầu thị trường nội địa và sức mua của người Việt Nam bây giờ cũng đang có sự cải thiện. UBND Thành phố đã có chương trình kích cầu tiêu dùng và chương trình bình ổn giá. Tôi cho rằng cái này là rất tốt, rất đúng với nguyện vọng của người tiêu dùng và nhân dân Thủ đô. Tôi nghĩ cách làm này nên được tiến hành đồng thời, hàng tháng. Thậm chí nên có những trung tâm bình ổn giá mà được công khai một cách rộng rãi, mời mọi người tiêu dùng đến thử nghiệm. Chúng ta cũng có thể tìm kênh hàng từ các tỉnh khác đưa về Thủ đô với chuỗi cung ứng tối ưu hóa, nguồn hàng ổn định, chất lượng cao, giá cả phù hợp".
Trong bối cảnh nhiều thị trường xuất khẩu còn tiềm ẩn rủi ro, đẩy mạnh tiêu thụ là phao cứu sinh đối với doanh nghiệp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 8% trở lên. Cùng với đó, kích cầu tiêu dùng sẽ là hỗ trợ ngành bán lẻ duy trì đà phục hồi và cạnh tranh sòng phẳng với làn sóng đầu tư quốc tế.