Đa dạng thanh toán, thúc đẩy giao dịch không tiền mặt
Nhiều giải pháp đang được các doanh nghiệp, tổ chức tài chính và cơ quan quản lý đồng loạt thúc đẩy để nâng cao thanh toán số ở nhiều lĩnh vực gắn với đời sống hàng ngày.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã chiếm hơn 75% tổng số giao dịch trong nền kinh tế. Giao dịch qua điện thoại di động tăng trưởng tới 60% so với cùng kỳ năm trước cho thấy xu hướng tiêu dùng đang thay đổi mạnh mẽ.
Trung bình mỗi ngày, hệ thống bán lẻ này tiếp đón gần 1 triệu lượt khách hàng – tương ứng với khoảng 1 triệu giao dịch cần thanh toán. Tuy nhiên, hiện chỉ khoảng 15% trong số đó được thực hiện qua các hình thức không dùng tiền mặt. Đơn vị kỳ vọng tỷ lệ này sẽ tăng lên trên 20% ngay trong năm nay thông qua các chính sách khuyến khích khách hàng chuyển đổi thói quen tiêu dùng.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết: “Saigon Co.op đã phối hợp với nhiều ngân hàng, các ví điện tử có các chương trình khuyến mại; ví dụ như mua 100.000 đồng hoặc 500.000 đồng thì sẽ được feedback lại vào tài khoản từ 50.000-100.000 đồng. Thông qua các công nghệ chỗ quầy tính tiền như quầy tự thanh toán self-checkout để người dân có thể chủ động hơn”.
Song song với nỗ lực từ doanh nghiệp, hành lang pháp lý cũng ngày càng hoàn thiện. Từ ngày 1/7, ví điện tử chính thức được công nhận là một phương tiện thanh toán, thay vì chỉ là trung gian như trước. Đây là bước tiến lớn, tạo điều kiện để các ứng dụng tài chính số phát triển thêm nhiều dịch vụ tiện ích.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Ứng dụng ví điện tử Momo cho biết: “Trước đây có nhiều người sử dụng nhưng họ cũng ngần ngại. Nhiều câu hỏi như: Cái này là ví điện tử thì có chuyển tiền đi nơi khác được không? Có như tài khoản ngân hàng không? Đến ngày hôm nay, ví điện tử giống hệt tài khoản ngân hàng. Việc chuyển tiền, thanh toán rất là đơn giản, hiệu quả, dễ dàng. Đặc biệt trên ví điện tử có rất nhiều thông tin hỗ trợ; người tiêu dùng bây giờ không chỉ thanh toán số mà còn là quản lý tài sản số, quản lý tài chính”.
Trong các phương thức thanh toán hiện nay, quét mã QR là hình thức đang tăng trưởng nhanh nhất – với tốc độ hơn 100% mỗi năm trong 3 năm liên tiếp. Đón đầu xu hướng này, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai kết nối thanh toán bán lẻ xuyên biên giới bằng QR code với nhiều quốc gia.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Việt Nam đã chủ động triển khai thanh toán bán lẻ xuyên biên giới qua QR Code với Thái Lan, Lào, Campuchia và chúng tôi đang triển khai tích cực với Trung Quốc và Hàn Quốc. Rất hy vọng trong năm 2025 sẽ có thể khai trương dịch vụ này. Điều đó sẽ tạo tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho du khách Việt Nam khi đi du lịch tại các thị trường đó và ngược lại, khi du khách từ các thị trường này đến Việt Nam thì có thể sử dụng chính các tài khoản bản tệ mà không cần phải mua bán, chuyển đổi tiền mặt”.
Không chỉ thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước còn tăng cường bảo mật bằng việc phối hợp chặt với Bộ Công an nhằm phát hiện sớm thủ đoạn tội phạm. Qua đó nâng cấp hệ thống kỹ thuật, giảm rủi ro và chủ động ứng phó với gian lận, an ninh mạng. Chỉ khi giao dịch an toàn, thanh toán không tiền mặt mới được thúc đẩy một cách bền vững.