Phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tập trung một số khu dân cư hình thành từ thời Pháp thuộc và sau năm 1954, là nơi có mật độ dân cư lớn nhất thành phố với nhiều khu tập thể cũ, mang giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc.
Lý do lấy tên phường mới là Văn Miếu - Quốc Tử Giám do đây là một phường của quận Đống Đa hiện nay; là địa danh nổi tiếng của cả nước và Thủ đô, được xây dựng từ năm 1070, tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông. Địa điểm Văn Miếu ngoài chức năng thờ các bậc Tiên thánh, Tiên sư của đạo Nho, còn mang chức năng của một trường học Hoàng gia. Theo đó, tên gọi Văn Miếu - Quốc Tử Giám có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và Thủ đô.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám giáp các phường: Cửa Nam, Hai Bà Trưng, Ô Chợ Dừa, Kim Liên, Đống Đa, Ba Đình, Bạch Mai của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 1,92 km²; quy mô dân số là 105.604 người.
Phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Khâm Thiên, Văn Chương, Thổ Quan (quận Đống Đa); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Hàng Bột, Nam Đồng, Phương Liên - Trung Tự (quận Đống Đa); Điện Biên (quận Ba Đình); Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm); Nguyễn Du, Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng), trong đó:
- Phường Điện Biên (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,02; Quy mô dân số: 1.446
- Phường Cửa Nam (Quận Hoàn Kiếm): Diện tích: 0,04; Quy mô dân số: 282
- Phường Lê Đại Hành (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,02; Quy mô dân số: 121
- Phường Nguyễn Du (Quận Hai Bà Trưng): Diện tích: 0,02; Quy mô dân số: 663
- Phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,36; Quy mô dân số: 17.423
- Phường Văn Chương (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,33; Quy mô dân số: 14.125
- Phường Hàng Bột (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,12; Quy mô dân số: 7.876
- Phường Khâm Thiên (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,42; Quy mô dân số: 27.576
- Phường Thổ Quan (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,28; Quy mô dân số: 20.370
- Phường Nam Đồng (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,03; Quy mô dân số: 1.523
- Phường Phương Liên - Trung Tự (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,28; Quy mô dân số: 14.199
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu - Quốc Tử Giám thuộc khu vực nội đô lịch sử, là địa bàn giao thoa và tiếp giáp với các phường như: Đống Đa, Cửa Nam, Kim Liên, Ô Chợ Dừa,...
Phường nằm trên nhiều tuyến đường giao thông kết nối khu vực trung tâm với các tuyến đường Giải Phóng, Xã Đàn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học,...
Trên địa bàn có Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, là trường đại học đầu tiên của Việt Nam; là biểu tượng văn hóa, giáo dục và tinh thần hiếu học của Thủ đô và cả nước. Trong đó, 82 tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục ký ức thế giới toàn cầu.
Phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng tập trung một số khu dân cư hình thành từ thời Pháp thuộc và sau năm 1954, là nơi có mật độ dân cư lớn nhất thành phố, nhiều khu tập thể cũ, mang giá trị văn hóa - lịch sử - ký ức đô thị với đặc trưng là các khu dân cư lâu đời.
Đặc điểm kinh tế phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám tập trung nhiều tuyến phố kinh doanh dịch vụ, thương mại, nơi có nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn,... đáp ứng nhu cầu mua sắm, lưu trú của người dân và du khách. Các tuyến phố tiêu biểu trên địa bàn phường như Khâm Thiên, Hàng Bột, Điện Biên, Lê Duẩn.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những điểm du lịch cấp thành phố hấp dẫn, luôn là điểm đến hàng đầu của du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan Thủ đô. Ngoài ra, Bích Câu Đạo Quán cũng là địa chỉ được nhiều du khách viếng thăm để tìm hiểu một thiên tình sử lãng mạn giữa tiên nữ và người trần đồng thời để thưởng thức nghệ thuật ca trù đặc sắc của đất Hà Thành.
Hạ tầng thương mại phát triển với các chợ truyền thống như chợ Khâm Thiên, chợ Thổ Quan, chợ Văn Chương,... ngoài ra, còn có các siêu thị, cửa hàng tiện lợi phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Về văn hóa, phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám có mật độ dân cư cao hàng đầu thành phố, với nhiều khu dân cư lâu đời tiền thân là làng cổ cũ trong lòng đô thị, với đặc trưng là các con ngõ sâu, đông đúc, dân cư sống qua nhiều thế hệ như Khâm Thiên, Thổ Quan,... ngoài ra có các các khu tập thể cũ tiêu biểu như Trung Tự, Văn Chương,... được xây dựng từ thời kỳ bao cấp (thập niên 60 - 70 thế kỷ XX), là một trong những khu tập thể quy mô lớn kiểu Liên Xô cũ, gồm nhiều dãy nhà 4 - 5 tầng, không có thang máy, có sân chơi và có đầy đủ các dịch vụ công cộng như nhà trẻ, trường học, cửa hàng dịch vụ thương nghiệp.
Phường có nhiều di tích lịch sử văn hóa - lịch sử có giá trị như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Đại học đầu tiên của Việt Nam, được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Các di tích lịch sử khác được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia như Bích Câu Đạo Quán, được coi là mảnh đất của chốn bồng lai tiên cảnh, gắn liền với những câu chuyện huyền bí mang đậm tính chất của đạo giáo thần tiên (1990), chùa, đền, Điện Huy Văn (1996), Y miếu Thăng Long (1980), chùa Bà Nành (1986), chùa Phổ Giác (1991), chùa Ngọc Hồ (1993), chùa Quang Minh (1993),...
Các lễ hội truyền thống, tiêu biểu trên địa bàn phường như: Lễ hội thư pháp đầu xuân (phố Văn Miếu, vỉa hè Nguyễn Thái Học) kéo dài từ Rằm tháng Chạp đến mùng 5 Tết âm lịch do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Trung tâm Văn hóa tổ chức. Các hoạt động gồm: viết chữ thư pháp, trưng bày câu đối, trải nghiệm văn hóa Tết cổ truyền; Lễ hội đình Thổ Quan tổ chức vào tháng 2 Âm lịch (ngày 11,12/2 hàng năm) với nhiều hoạt động như tế lễ, biểu diễn văn nghệ truyền thống, múa đao, múa kiếm mô phỏng lại trận đánh của nghĩa quân Hai Bà Trưng năm xưa,...
Về y tế, các cơ sở y tế lớn trên địa bàn phường như: Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, số 180 Nguyễn Lương Bằng; Bệnh viện Da liễu Hà Nội, số 79B Nguyễn Khuyến,... đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn và cả nước. Bên cạnh đó là hệ thống các trạm y tế phường đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Ngoài ra, còn có các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, hệ thống các nhà thuốc tư nhân phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn phường.
Về giáo dục, cơ sở vật chất của các trường học các cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông được đầu tư trang thiết bị hiện đại, khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn. Những trường học phổ thông tiêu biểu trên địa bàn có thể kể đến như sau: Trường THPT Đống Đa, số 10 ngõ Quan Thổ 1, phố Tôn Đức Thắng; Trường THPT Văn Lang, số 160 Tôn Đức Thắng; Trường THCS Huy Văn, số 191 ngõ Văn Chương; Trường THCS Trung Phụng, số 38 ngõ 218 phố Chợ Khâm Thiên; Trường Tiểu học Cát Linh, số 31 Cát Linh; Trường Tiểu học La Thành, Thổ Quan, số 28 ngách 79 ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên; Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, số 104 Nguyễn Khuyến,...
- Trụ sở Đảng ủy phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Số 279 phố Tôn Đức Thắng
- Trụ sở UBND phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Số 188 Kim Hoa
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám: đồng chí Đỗ Trọng Nam
- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám: đồng chí Hà Anh Tuấn
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám: đồng chí Mai Văn Lâm.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.