Phường Tây Hồ: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Phường Tây Hồ được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Bưởi (quận Tây Hồ); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Thụy Khuê, Xuân La, Quảng An, Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên, Yên Phụ (quận Tây Hồ); Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy).

Lý do lấy tên phường mới là Tây Hồ bởi Tây Hồ gắn với địa danh hồ Tây, với vẻ đẹp đã đi vào truyền thuyết, thi ca, lịch sử, quyến rũ không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách mỗi khi đến Hà Nội hàng ngàn năm nay. Từ thời Lý-Trần, các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí như cung Thúy Hoa đời nhà lý, tức điện Hàm Nguyên đời nhà Trần nay là khu chùa Trấn Quốc; cung Từ Hoa đời nhà Lý nay là khu chùa Kim Liên; điện Thuỵ Chương đời nhà Lê nay là khu Trường Chu Văn An.

Ngày nay, hồ Tây được rất nhiều du khách biết đến, không những là một danh thắng nổi tiếng mà xung quanh hồ còn quy tụ nhiều di tích lịch sử, nhiều khu du lịch vui chơi, giải trí, cùng với nhiều biệt thự sang trọng, soi bóng xuống gương hồ xanh thơ mộng. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Tây Hồ bảo đảm yếu tố lịch sử truyền thống văn hóa; đồng thời phù hợp với nguyên tắc khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp).

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Tây Hồ.

 

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Tây Hồ

Phường Tây Hồ giáp các phường: Hồng Hà, Xuân Đỉnh, Nghĩa Đô, Ngọc Hà, Ba Đình, Phú Thượng của thành phố Hà Nội. Phường có dện tích tự nhiên là 10,72 km²; Quy mô dân số là 100.122 người, trong đó:

  • Phường Nghĩa Đô (Quận Cầu Giấy): Diện tích: 0,29 km²; Quy mô dân số: 7.883 người
  • Phường Phú Thượng (Quận Tây Hồ): Diện tích: 0,45 km²; Quy mô dân số: 2.421 người
  • Phường Nhật Tân (Quận Tây Hồ): Diện tích: 1,19 km²; Quy mô dân số: 8.259 người
  • Phường Tứ Liên (Quận Tây Hồ): Diện tích: 0,14 km²; Quy mô dân số: 653 người
  • Phường Quảng An (Quận Tây Hồ): Diện tích: 3,45 km²; Quy mô dân số: 9.251 người
  • Phường Xuân La (Quận Tây Hồ): Diện tích: 1,04 km²; Quy mô dân số: 17.480 người
  • Phường Yên Phụ (Quận Tây Hồ): Diện tích: 0,64 km²; Quy mô dân số: 6.210 người
  • Phường Bưởi (Quận Tây Hồ): Diện tích: 1,48 km²; Quy mô dân số: 27.797 người
  • Phường Thụy Khuê (Quận Tây Hồ): Diện tích: 2,04 km²; Quy mô dân số: 20.168 người

 

Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Tây Hồ

Phường Tây Hồ là một trong những phường trọng điểm của Thủ đô Hà Nội, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của Hà Nội, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa và du lịch. Phường là trung tâm kinh tế, nơi hội tụ các giá trị văn hóa, ngoại giao và có tiềm năng trở thành "trung tâm văn hóa, du lịch" của Hà Nội.

Là nơi hội tụ giá trị văn hóa, ngoại giao với sự hiện diện của nhiều đại sứ quán và tổ chức quốc tế. Cùng với đó, các công trình văn hóa truyền thống như đình, chùa và các lễ hội quanh Hồ Tây đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì bản sắc địa phương.

Phường nằm trên nhiều tuyến đường giao thông quan trọng, kết nối với khu vực trung tâm và ngoại thành Thành phố như: Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân - Võ Nguyên Giáp; đây là tuyến đường kết nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài; cũng là một phần của vành đai 2 giúp kết nối nhiều khu đô thị và kết nối quốc tế. Trên địa bàn còn có tuyến Hoàng Quốc Việt (kéo dài) - Nguyễn Văn Huyên (mở rộng) giúp kết nối trực tiếp từ khu vực Cầu Giấy sang khu đô thị Tây Hồ Tây. Đây là một trong những tuyến đường được mở rộng và nâng cấp gần đây nhằm tăng cường kết nối hạ tầng khu vực phía Tây Bắc. Tuyến đường Lạc Long Quân - Âu Cơ chạy ven Hồ Tây, kết nối từ quận Tây Hồ về khu vực trung tâm Ba Đình và Đống Đa. Tuyến này cũng đang được đầu tư mở rộng (dự án mở rộng đường Âu Cơ đoạn từ Nghi Tàm đến Xuân La). Tuyến An Dương Vương - Nghi Tàm - Yên Phụ là tuyến đường ven sông Hồng kết nối khu vực phường Phú Thượng, Nhật Tân về phía trung tâm; Cầu Nhật Tân và các tuyến kết nối ra vành đai 3 - Phạm Văn Đồng - Cầu Thăng Long giúp kết nối Tây Hồ với khu vực phía Bắc và Đông Bắc Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận. 

Phường là nơi tập trung các khu đô thị và dự án trọng điểm như Starlake (Tây Hồ Tây); Khu đô thị Ciputra; Dự án Metro Line số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).

Hồ Tây là khu vực du lịch văn hóa, sinh thái, nơi thường xuyên diễn ra lễ hội lớn, không chỉ có ý nghĩa về du lịch cảnh quan, giải trí cho người dân Thủ đô và khách du lịch trong nước, quốc tế mà còn có ý nghĩa quan trọng về cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học, được ví như "lá phổi xanh" của Hà Nội.

Hồ Tây là một biểu tượng của lịch sử, văn hóa, di sản và thiên nhiên của Thủ đô, là một phần quan trọng trong việc xây dựng Thủ đô trở thành thành phố toàn cầu và ngang tầm thủ đô các nước trong khu vực.

Đặc điểm kinh tế phường Tây Hồ

Phường Tây Hồ với định hướng trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch và không gian sống cao cấp của Thủ đô Hà Nội, là một trong những khu vực có mật độ cao về cơ sở kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là các ngành liên quan đến du lịch, ẩm thực, và lưu trú cao cấp, dịch vụ giải trí, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Phường đã trở thành khu vực có sức hút mạnh về kinh doanh và đầu tư trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đô thị và chăm sóc sức khỏe.

Khu vực này thu hút đông đảo người nước ngoài sinh sống và làm việc, đặc biệt là các chuyên gia và nhân viên đại sứ quán, tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng. Mật độ cơ sở kinh doanh dịch vụ cao như nhà hàng, cà phê, quán bar tập trung dọc các tuyến phố như Tô Ngọc Vân, Xuân Diệu, Quảng An… Hàng trăm cơ sở lưu trú từ cao cấp đến trung cấp, phục vụ cộng đồng cư dân quốc tế và khách du lịch đến Hồ Tây. Cửa hàng tiện ích, dịch vụ cá nhân như các hệ thống spa, yoga, salon, cửa hàng thực phẩm hữu cơ, siêu thị mini… xuất hiện dày đặc.

Không gian sống đẳng cấp: Với vị trí ven Hồ Tây và môi trường sống trong lành, phường Tây Hồ mới có nhiều dự án bất động sản cao cấp, thu hút nhà đầu tư và cư dân có thu nhập cao. Hạ tầng hiện đại, khu vực được đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông và tiện ích công cộng, nâng cao chất lượng sống cho cư dân.

Du lịch văn hóa và sinh thái: Phường Tây Hồ sở hữu nhiều di tích văn hóa lịch sử, thu hút du khách trong và ngoài nước. Về du lịch sinh thái với lợi thế ven Hồ Tây, khu vực phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, góp phần đa dạng hóa ngành du lịch của Thủ đô.

Lợi thế nhờ vị trí và quy hoạch: Khu vực Hồ Tây - một trong những khu vực có môi trường sống lý tưởng và nhiều không gian mở. Là nơi có mặt bằng rộng, tiện quy hoạch cho cả nhà hàng sân vườn, homestay, không gian văn hóa - giải trí.

Hạ tầng thương mại đang phát triển mạnh mẽ, phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của khu vực này trong mạng lưới kinh tế - dịch vụ của Thủ đô Hà Nội. Mạng lưới thương mại dịch vụ đa dạng và hiện đại, có sự hiện diện của nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại, phục vụ nhu cầu mua sắm của cư dân và du khách. 

Đặc điểm văn hóa, xã hội phường Tây Hồ

Là một phường giàu truyền thống văn hóa - lịch sử, sở hữu nhiều di tích có giá trị lớn về kiến trúc, tín ngưỡng và lịch sử có giá trị. Đặc biệt, trên địa bàn có một số công trình di sản văn hóa vật thể, di tích được xếp hạng cấp Quốc gia như: Chùa Kim Liên được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1962, chùa có giá trị kiến trúc Phật giáo độc đáo. Trong chùa, được phục dựng thời Lê - Nguyễn, mang dáng dấp điện cổ của hoàng gia thời Lý và được công nhận là Di tích Lịch sử - Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia đặc biệt: Đền Thụy Khuê; Đền Vệ Quốc; Chùa Mật Dụng; Đền Đồng Cổ; Chùa Thiên Niên (Trích Sài); Đình An Thái; Chùa Thanh Lâu; Chùa Vạn Ngọc .

Các di tích lịch sử khác được xếp hạng di sản văn hóa vật thể theo Nghị Quyết số 24/NQ-HĐND ngày 29/4/2025 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội như: Chùa Quảng An 313-VH/VP - 28/4/1962; Chùa Quảng Bá 1728/QĐ-02/10/1991; Đình Quảng Bá 1728/QD-02/10/1991; Phủ Tây Hồ 310QD/BT-13/02/1996; Đình quán La 138/QĐ-31/01/1992; Chúa Quán La 138/QD-31/01/1992; Chùa Vạn Niên 310QD/BT-13/02/1996 ,...

Các lễ hội truyền thống, tiêu biểu trên địa bàn phường như: Lễ hội của các làng ở phường Bưởi được tổ chức vào dịp làm lễ kỵ các vị thần thành hoàng làng. Riêng đền Đồng Cổ tổ chức lễ hội vào ngày 4/4, tức ngày hội thề truyền thống, từ thời Lý, Trần; Lễ hội Đền Voi Phục tổ chức vào ngày 12 tháng Hai âm lịch hàng năm. Trong lễ hội nhân dân thường tổ chức rước kiệu, dâng hương,...

Về y tế, có các cơ sở y tế lớn trên địa bàn phường như: Bệnh viện Tim Hà Nội (cơ sở 2), Phòng khám Đa khoa MEDLATEC Tây Hồ, các phòng khám chuyên khoa, bệnh viện nhỏ, phòng khám tư nhân, trung tâm xét nghiệm, và các cơ sở y tế khác như Bệnh viện phụ sản Thiện An, Việt Mỹ Clinic, Sakura Medical & Dental Clinic,... đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn và cả nước.

Về giáo dục: Trên địa bàn phường Tây Hồ có nhiều trường từ cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, cơ sở vật chất của các trường học đang được đầu tư và nâng cấp trang thiết bị hiện đại, khang trang. Nhìn chung, hệ thống giáo dục trên địa bàn phường đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn. Tiêu biểu một số trường như: mầm non Chu Văn An, mầm non Phúc Hòa, mầm non Quốc tế Sakura Montessori...; tiểu học Chu Văn An, tiểu học và THCS FPT; THSC Chu Văn An, THCS Đông Thái; Trường THPT Chu Văn An, là một trong những trường THPT lâu đời và danh tiếng tại Hà Nội, có truyền thống giáo dục xuất sắc.

● Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Tây Hồ: Số 657 Lạc Long Quân

● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Tây Hồ: đồng chí Nguyễn Đình Khuyến

● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Tây Hồ: đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh

● Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Tây Hồ: đồng chí Phạm Thế Vinh.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời