Phường Long Biên: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Long Biên được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Phúc Đồng, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối (quận Long Biên); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Bồ Đề, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm); một phần diện tích tự nhiên Gia Thụy (quận Long Biên).
Lý do lấy tên phường mới là Long Biên bởi Long Biên ngày nay được vinh dự mang tên một địa danh ra đời từ Thời Lý (theo sách "Đại Nam Nhất Thống Chí"). "Đất Rồng Long Biên" là nơi gặp nhau của hai dòng sông huyết mạch: Sông Cái (Hồng Hà) và Sông Đuống (Thiên Đức), chính giữa tam giác Châu thổ Sông Hồng. Theo đó, việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Long Biên theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp) là phù hợp với truyền thống văn hóa lịch sử của vùng đất Long Biên xưa và nay; giúp dễ dàng hình dung ra địa giới hành chính của phường.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Long Biên
Phường Long Biên giáp các phường: Bồ Đề, Hồng Hà, Việt Hưng, Phúc Lợi, Lĩnh Nam và các xã: Gia Lâm, Bát Tràng của thành phố Hà Nội. Phường có diện tích tự nhiên là 19,04 km²; quy mô dân số là 62.887 người.
- Phường Bồ Đề (Quận Long Biên): Diện tích: 0,11 km²
- Phường Long Biên (Quận Long Biên): Diện tích: 7,50 km²; Quy mô dân số: 22.859 người
- Phường Cự Khối (Quận Long Biên): Diện tích: 4,21 km²; Quy mô dân số: 10.789 người
- Phường Phúc Đồng (Quận Long Biên): Diện tích: 2,55 km²; Quy mô dân số: 2.594 người
- Phường Gia Thụy (Quận Long Biên): Diện tích: 0,08 km²
- Phường Thạch Bàn (Quận Long Biên): Diện tích: 4,25 km²; Quy mô dân số: 26.627 người
- Xã Bát Tràng (Huyện Gia Lâm): Diện tích: 0,34 km²
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Long Biên
Phường Long Biên sở hữu vị trí “vàng” ở cửa ngõ Đông Bắc Thủ đô, nằm sát sông Hồng, đối diện với phường Hồng Hà, thông qua các cây cầu huyết mạch như: cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Long Biên và sắp tới là cầu Trần Hưng Đạo (đã được quy hoạch).
Đóng vai trò trung tâm phát triển kinh tế đô thị - dịch vụ - thương mại phía Đông, phường Long Biên hội tụ nhiều khu đô thị kiểu mẫu (KĐT Vinhomes Riverside, KĐT Việt Hưng, KĐT Sài Đồng, KĐT Thạch Bàn, KĐT Cự Khối…), trung tâm thương mại, dịch vụ quy mô lớn (Trung tâm thương mại AEON Mall Long Biên, Savico Megamall, Mipec Long Biên,…), cùng với hệ thống siêu thị, ngân hàng, showroom ô tô, dịch vụ logistics và kho vận ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế thành phố và vùng lân cận.
Là đơn vị hành chính hợp nhất có quy mô lớn, sở hữu “trục động mạch thủy” sông Hồng, vừa giúp giảm áp lực lên hệ thống đường bộ đô thị, hướng đến phát triển xanh - bền vững. Với nội lực phát triển mạnh mẽ sẵn có cùng với ưu thế về giao thông liên vùng, không gian đô thị hiện đại, phường Long Biên đóng vai trò là trụ cột phía Đông của Thủ đô Hà Nội.
Đặc điểm kinh tế phường Long Biên
Phường Long Biên phát triển kinh tế năng động, đa dạng, kết hợp giữa đô thị hiện đại, dịch vụ - thương mại phát triển và giá trị kinh tế truyền thống. Trên địa bàn này tập trung nhiều trung tâm thương mại, chuỗi dịch vụ và cơ sở kinh doanh quy mô lớn, nổi bật với: AEON Mall Long Biên, Savico Megamall, Mipec Long Biên,… và mạng lưới tiêu dùng hiện đại - truyền thống song song.
Long Biên giáp với các khu đô thị lớn như Vinhomes Cổ Loa, Công viên Kim Quy, Cung triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia,…
Long Biên có hạ tầng đô thị đồng bộ, đã hình thành nhiều khu đô thị quy mô lớn như: Vinhomes Riverside, Vinhomes The Harmony, Khu đô thị Việt Hưng, Sài Đồng, Thạch Bàn, Cự Khối, thu hút mạnh mẽ đầu tư bất động sản, kéo theo sự phát triển các ngành nghề phụ trợ như vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, dịch vụ môi giới,... tạo nguồn thu lớn cho địa phương.
Với hệ thống cầu (Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy), đường (Nguyễn Văn Cừ, Cổ Linh, quốc lộ 5) và lợi thế sông Hồng, tạo nên tiềm năng lớn phát triển kinh tế ven sông. Các khu vực như Cự Khối, Thạch Bàn, Phúc Đồng giáp sông Hồng từng là vùng vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa thủy sản và hàng nông sản. Với quy hoạch đô thị mới và hạ tầng kết nối đường bộ - đường thủy, Long Biên có thể tái phát triển bến bãi thủy - cảng nhỏ, phục vụ trung chuyển hàng hóa, giảm tải cho đường bộ; hình thành chuỗi logistics ven sông, nằm gần với các khu công nghiệp Đông Anh, Gia Lâm và các tỉnh lân cận.
Nhờ vào hạ tầng đồng bộ, vị trí ven sông và không gian phát triển sẽ giúp Long Biên giữ vai trò trung tâm kinh tế chủ lực phía Đông, góp phần chuyển dịch mô hình kinh tế Thủ đô theo hướng đô thị sinh thái - công nghiệp văn hóa - logistics thông minh.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Long Biên
Phường Long Biên là vùng đất cổ có lịch sử lâu đời, có bản sắc văn hóa - xã hội đa dạng, độc đáo, hòa quyện giữa bản sắc văn hóa địa phương với đô thị hiện đại. Bản sắc văn hóa truyền thống phong phú, đặc trưng ven sông Hồng, thể hiện trong nhiều lễ hội truyền thống như: rước nước, rước kiệu, tế thần,… tiêu biểu có hội đền Trấn Vũ được tổ chức thường niên vào ngày mùng 3 tháng Ba (âm lịch) hàng năm với các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng. Phần nghi lễ theo tín ngưỡng gồm: rước kiệu, dâng hương, tế lễ. Vào chính hội - ngày đản sinh Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ, tại đền tổ chức thực hành trò “kéo co ngồi” - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành quyết định số 4205/QĐ-BVHTTDL ngày 19/12/2014.
Ngoài ra, Long Biên còn có chùa Bồ Đề, đình Thạch Bàn, chùa Tư Khánh, đình Cự Khối... là các di tích cấp Thành phố, gắn với tín ngưỡng thờ Thành hoàng, Phật giáo và anh hùng dân tộc.
Các di tích được xếp hạng cấp Quốc gia gồm: đình Mai Phúc (được xếp hạng năm 1992), chùa Mai Phúc (được xếp hạng năm 1992), đình Sài Đồng (được xếp hạng năm 1992), đình Xuân Đỗ Hạ (được xếp hạng năm 1994), chùa Xuân Đỗ Hạ (được xếp hạng năm 1994), đình Thổ Khối (được xếp hạng năm 1990), chùa Sùng Phúc (được xếp hạng năm 1991), đền Trấn Vũ (được xếp hạng năm 1990), đình Thôn Ngô (được xếp hạng năm 1995), nghè Thôn Ngô (được xếp hạng năm 1995), chùa Linh Ứng (được xếp hạng năm 1995) ....
Với hệ thống tín ngưỡng dân gian phong phú và nếp sống cộng đồng giàu bản sắc. Đây là một điểm nhấn văn hóa truyền thống đặc trưng trong lòng một đơn vị hành chính hiện đại, góp phần tạo nên chiều sâu văn hóa cho phường Long Biên.
Long Biên có đời sống xã hội hiện đại, dân trí cao, tầng lớp cư dân đa dạng. Với mạng lưới thiết chế văn hóa - thể thao đồng bộ như: khu sinh thái Thạch Bàn, nhà văn hóa, trung tâm thể thao phường, các sân bóng, sân chơi cộng đồng được quy hoạch tại khu dân cư mới và làng cũ đang dần hình thành không gian công cộng kết hợp văn hóa - giải trí - nghỉ ngơi.
Về giáo dục: Long Biên có hệ thống giáo dục phát triển mạnh, chất lượng cao như: Trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin (LFAY), Trường Quốc tế Việt Pháp, Trường Quốc tế Wellspring, Trường liên cấp Vinschool tại khu đô thị Vinhomes Riverside và hệ thống trường công đạt chuẩn tại Thạch Bàn, Gia Thụy, Phúc Đồng,... Một số trường học các cấp tiêu biểu trên địa bàn như: Trường Mầm non Tân Mai, Trường Mầm non Phúc Đồng, Trường Mầm non Hoa Mai, Trường Mầm non Thạch Bàn; Trường Tiểu học Đoàn Kết, Trường Tiểu học Thạch Bàn B, Trường Tiểu học Phúc Đồng, Trường Tiểu học Thạch Bàn A; Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường THCS Cự Khối, Trường THCS Phúc Đồng, Trường THCS Thạch Bàn; Trường THPT Tây Sơn, Trường THPT Thạch Bàn,....
Về y tế, phường nằm gần Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện Tâm Anh. Phường có nhiều cơ sở y tế hiện đại, các phòng khám quốc tế, trạm y tế hiện đại, hoạt động hiệu quả, tổ chức tốt công tác chăm sóc sức khỏe cơ sở.
● Trụ sở Đảng ủy phường Long Biên: Số 195 đường Thạch Bàn, tổ 6, phường Long Biên (địa chỉ cũ: số 195 đường Thạch Bàn, tổ 6, phường Thạch Bàn, quận Long Biên).
● Trụ sở UBND phường Long Biên: Số 199 đường Bát Khối, phường Long Biên (địa chỉ cũ: số 199 đường Bát Khối, quận Long Biên).
● Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Long Biên: đồng chí Nguyễn Mạnh Hà
● Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Long Biên: đồng chí Hoàng Hải
● Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Long Biên: đồng chí Vũ Thị Thanh.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập tại đây