Phường Đống Đa: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Phường Đống Đa nằm tại khu vực trung tâm phía Tây Nam của đô thị nội đô lịch sử Hà Nội, là một trong những phường nằm trọn trong bốn quận nội thành cũ và đầu tiên của Hà Nội.
Lý do lấy tên phường mới là Đống Đa do đây là địa danh có truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng, có tính đại diện của đất nước và Thủ đô; là nơi nghĩa quân Tây Sơn đã đại phá và đánh thắng hơn 20 vạn quân Thanh trong trận Ngọc Hồi - Đống Đa vào ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (30/1/1789). Di tích để lại ngày nay là một gò đất (gọi là Gò Đống Đa) nằm bên phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Theo đó, việc chọn tên đơn vị hành chính mới là Đống Đa có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa; giúp dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; bảo đảm phù hợp với nguyên tắc khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp), giúp dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Đống Đa
Phường Đống Đa giáp các phường: Kim Liên, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Láng, Ô Chợ Dừa, Yên Hòa, Thanh Xuân, Khương Đình, Giảng Võ của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 2,07 km²; quy mô dân số là 81.358 người.
Phường Đống Đa được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Thịnh Quang (quận Đống Đa); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Trung Liệt, Quang Trung (quận Đống Đa); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Láng Hạ, Ô Chợ Dừa, Nam Đồng (quận Đống Đa), trong đó:
- Phường Ô Chợ Dừa (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,26; Quy mô dân số: 5.729
- Phường Láng Hạ (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,28; Quy mô dân số: 12.126
- Phường Nam Đồng (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,28; Quy mô dân số: 11.584
- Phường Quang Trung (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,20; Quy mô dân số: 6.432
- Phường Trung Liệt (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,46; Quy mô dân số: 16.827
- Phường Thịnh Quang (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,59; Quy mô dân số: 28.660
Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Đống Đa
Phường Đống Đa nằm tại khu vực trung tâm phía Tây Nam của đô thị nội đô lịch sử Hà Nội, là một trong những phường nằm trọn trong bốn quận nội thành cũ, đầu tiên của Hà Nội, giữ vai trò kết nối giữa các khu vực đô thị như Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân và khu vực trung tâm truyền thống của Thủ đô. Với vị trí địa lý đặc biệt này, phường Đống Đa đóng vai trò trung chuyển và điều phối không gian phát triển giữa các vùng lõi cũ và các trục đô thị mở rộng phía Tây Nam.
Trên địa bàn phường tập trung nhiều tuyến giao thông như Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Láng - Láng Hạ - Yên Lãng - Thái Hà, tạo thành mạng lưới kết nối đa chiều, thuận lợi cho giao thông đô thị, lưu chuyển hàng hóa và phát triển các hoạt động dịch vụ - thương mại.
Phường Đống Đa là vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, gắn liền với chiến thắng lịch sử hào hùng của trận Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789 do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy đánh bại quân xâm lược nhà Thanh. Di tích Gò Đống Đa và Công viên Văn hóa Đống Đa là biểu tượng tiêu biểu của chủ nghĩa yêu nước, anh dũng chống giặc ngoại xâm của Thăng Long - Hà Nội trong công cuộc giữ nước.
Phường còn là nơi tập trung nhiều trụ sở cơ quan Trung ương, thành phố, các doanh nghiệp lớn, các cơ sở giáo dục - y tế uy tín. Điều này tạo nên diện mạo của một trung tâm hành chính - giáo dục - văn hóa hiện đại, có vai trò lan tỏa ảnh hưởng tích cực trong toàn bộ không gian đô thị Thủ đô.
Phường Đống Đa lưu giữ các giá trị làng xã truyền thống thông qua các di sản vật thể và phi vật thể tại các địa bàn như Thịnh Quang, Nam Đồng, Trung Liệt. Sự đan xen giữa các làng cổ lâu đời với những khu đô thị hiện đại như Tây Sơn, Láng Hạ, Yên Lãng… đã tạo nên một không gian đô thị đa tầng, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển - là mô hình tiêu biểu cho định hướng phát triển bền vững đô thị Thăng Long - Hà Nội.
Đặc điểm kinh tế phường Đống Đa
Phường Đống Đa là một không gian đô thị có cơ cấu kinh tế năng động và đa dạng, nổi bật với sự phát triển mạnh mẽ của khu vực dịch vụ - thương mại, đồng thời vẫn duy trì xen lẫn các hoạt động kinh tế truyền thống quy mô hộ gia đình và đô thị hóa bất động sản. Một số đặc điểm kinh tế tiêu biểu có thể kể đến như sau:
Dịch vụ - thương mại giữ vai trò chủ đạo: Phường là một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ sôi động, đặc biệt trên các tuyến phố chùa Bộc - Tây Sơn - Thái Hà - Láng Hạ - nơi tập trung dày đặc các trung tâm mua sắm, cửa hàng thời trang, thiết bị điện tử, ẩm thực, cà phê, phòng khám tư, thẩm mỹ viện, trung tâm thể dục thể thao. Không gian này thu hút lượng lớn giới trẻ, sinh viên, người lao động và khách tiêu dùng từ nhiều khu vực khác trong thành phố, tạo ra giá trị thương mại cao và nhu cầu dịch vụ ổn định.
Hoạt động kinh doanh hộ cá thể, cửa hàng tiện lợi, mô hình kinh doanh tại gia (home-business), dịch vụ online cũng phát triển mạnh, phù hợp với xu hướng kinh tế đô thị hiện đại, đóng góp đáng kể vào việc tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ dân địa phương cũng như lao động nhập cư.
Kinh tế hộ gia đình và tiểu thủ công truyền thống vẫn còn hiện diện: Dù chịu tác động của đô thị hóa nhanh, tại các khu dân cư cũ như Nam Đồng, Trung Liệt, Thịnh Quang, vẫn tồn tại một tỷ lệ nhất định các hộ gia đình duy trì nghề truyền thống và mô hình kinh doanh nhỏ như: may mặc, sửa chữa, sản xuất chế biến thực phẩm, đồ da giày, làm tóc, cắt may, dịch vụ ăn uống. Những hoạt động này không chỉ góp phần giải quyết việc làm tại chỗ mà còn giữ gìn một phần bản sắc kinh tế - văn hóa bản địa.
Phát triển bất động sản và dịch vụ đô thị đi kèm: Với vị trí nằm trên các trục giao thông lớn, phường Đống Đa có tiềm năng lớn về phát triển bất động sản đô thị, đặc biệt trên các tuyến Yên Lãng - Láng Hạ - Tây Sơn - Thái Hà. Nhiều dự án chung cư cao tầng, khu văn phòng, nhà ở kết hợp thương mại đã và đang được triển khai, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc không gian đô thị và nâng cao chất lượng sống của cư dân.
Quá trình này kéo theo sự phát triển đồng bộ của dịch vụ công cộng, hạ tầng xã hội, tiện ích đô thị, góp phần tạo nên diện mạo hiện đại và nâng cao giá trị kinh tế - xã hội cho khu vực.
Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Đống Đa
Về văn hóa: Phường Đống Đa là địa bàn có không gian văn hóa - lịch sử phong phú, giàu bản sắc, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, nơi hội tụ nhiều di tích vật thể và phi vật thể tiêu biểu của Thủ đô như:
Di tích lịch sử Gò Đống Đa, đền thờ Quang Trung là cụm di tích cấp Quốc gia đặc biệt, tưởng niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789 - dấu mốc vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đây là biểu tượng văn hóa - lịch sử mang tầm Quốc gia, gắn liền với bản sắc địa phương.
Các đình làng truyền thống như đình Thịnh Quang, Nam Đồng, Hoàng Cầu,... là những di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp thành phố và Quốc gia. Những công trình này không chỉ phản ánh lịch sử hình thành các làng cổ phía Tây kinh thành Thăng Long, mà còn là trung tâm tổ chức lễ hội, sinh hoạt cộng đồng tiêu biểu.
Chùa Phúc Khánh (Thịnh Quang) là trung tâm tín ngưỡng nổi bật của Thủ đô, đặc biệt nổi tiếng với lễ cầu an đầu năm, thu hút hàng nghìn phật tử và người dân trong và ngoài khu vực.
Về lễ hội: Các chùa cổ như chùa Nam Đồng, Xã Đàn, Cổ Miễu cùng tổ chức các lễ hội truyền thống vào các ngày 12, 13 và 17 tháng Hai âm lịch, góp phần duy trì mạch văn hóa dân gian trong lòng đô thị hiện đại.
Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở: được duy trì thông qua các thư viện, câu lạc bộ người cao tuổi, điểm sinh hoạt cộng đồng tại tổ dân phố, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, gắn kết cộng đồng dân cư.
Về y tế: Hệ thống y tế phường Đống Đa tập trung một số bệnh viện lớn tuyến đầu của cả nước với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao như: Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Cùng với đó là hệ thống các trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Ngoài ra còn có các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, hệ thống các nhà thuốc tư nhân phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn phường.
Về giáo dục: Phường Đống Đa là một trung tâm lớn về giáo dục - đào tạo quy mô lớn và có truyền thống lâu đời của Thủ đô, nơi tập trung nhiều trường đại học và cơ sở giáo dục chất lượng cao, như: Đại học Công đoàn, Đại học Thủy Lợi, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong.
Bên cạnh đó, hệ thống các cấp học phổ thông cũng phát triển đa dạng trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng cư dân một số trường tiêu biểu gồm có: Trường THPT Đống Đa, số 1 ngõ 4C Đặng Văn Ngữ; Trường THPT TH School, số 4 - 6 chùa Bộc; Trường THCS Bế Văn Đàn, số 181 Nguyễn Lương Bằng; Trường THCS Quang Trung - Đống Đa, số 100 phố Trần Quang Diệu; Trường Tiểu học Đống Đa, số 3 đường Hoàng Tích Trí; Trường Tiểu học Kim Liên, số 17 Hoàng Tích Trí; Trường Tiểu học Kim Liên, số 17 Hoàng Tích Trí; Trường Tiểu học Quang Trung - Đống Đa, số 6 Đặng Tiến Đông.
- Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Đống Đa: Số 59 phố Hoàng Cầu
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Đống Đa: đồng chí Nguyễn Ngọc Việt
- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Đống Đa: đồng chí Trịnh Hữu Tuấn
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Đống Đa: đồng chí Trần Thị Minh Xuân.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.