Hồ sơ

Gaza sẽ đạt lệnh ngừng bắn 60 ngày?

Châu Anh

Ông Trump nhấn mạnh rằng 60 ngày sẽ là khoảng thời gian để các bên liên quan nỗ lực chấm dứt xung đột tại vùng lãnh thổ Palestine.

Trong bước tiến quan trọng nhằm chấm dứt xung đột kéo dài gần hai năm tại Dải Gaza, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/7 thông báo Israel đã đồng ý các điều kiện cần thiết cho thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày.

Cơ hội ngừng bắn mong manh

Theo tiết lộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đại diện của ông đã có cuộc họp "dài và hiệu quả" với các quan chức Israel về Gaza. Ông Trump không nêu tên đại diện của mình nhưng đặc phái viên Steve Witkoff, Ngoại trưởng Marco Rubio và Phó Tổng thống JD Vance đã có cuộc gặp với Ron Dermer, cố vấn cấp cao của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Tổng thống Trump cho biết, đề xuất của Mỹ bao gồm thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày, trao trả 1/2 số con tin để đổi lấy các tù nhân Palestine và hài cốt những người Palestine thiệt mạng. Ông Trump nhấn mạnh rằng, 2 tháng sẽ là khoảng thời gian để các bên liên quan nỗ lực chấm dứt xung đột tại vùng lãnh thổ Palestine này. 

Cũng theo ông chủ Nhà Trắng, Qatar và Ai Cập, hai quốc gia đã tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải sẽ là những bên chịu trách nhiệm chuyển giao đề xuất cuối cùng này tới Hamas. Tổng thống Trump cũng bày tỏ kỳ vọng rằng phong trào Hamas sẽ chấp nhận thỏa thuận này, đồng thời đưa ra cảnh báo sẽ không có đề xuất nào tốt hơn và tình hình chỉ có thể trở nên tồi tệ hơn.

Tổng thống Trump dường như phấn chấn trước những gì ông coi là thành công gần đây của nỗ lực làm trung gian cho lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến tranh Israel-Iran. Ông cho rằng mình có thể sử dụng các chiến thuật tương tự để gây sức ép buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thực hiện một thỏa thuận ngừng bắn cho Gaza. Ông Trump cho biết sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Israel tại Nhà Trắng vào đầu tuần tới, đồng thời bày tỏ hy vọng sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn trao đổi con tin.

“Chúng tôi đã có một thành công đáng kinh ngạc ở Iran và chúng tôi sẽ nói về Gaza. Chúng tôi muốn đưa nốt các con tin trở về. Chúng tôi đã đưa rất nhiều con tin trở về, nhưng chúng tôi sẽ làm nốt phần còn lại”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Thông báo của ông Trump được đưa ra trong bối cảnh dường như Israel cũng mong muốn một lệnh ngừng bắn sau cuộc xung đột 12 ngày với Iran. Tương tự như những gì đã xảy ra ở Iran, một lệnh ngừng bắn ở Gaza, nếu đạt được, có thể cho phép ông Netanyahu công khai tuyên bố chiến thắng mà không mất đi sự ủng hộ chính trị từ phe cánh hữu của chính phủ.

“Tôi dự kiến sẽ đến Mỹ vào tuần tới để họp với Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống Vance và các quan chức trong chính phủ và quốc hội Mỹ. Các cuộc gặp này diễn ra sau chiến thắng lớn mà chúng tôi đạt được trong Chiến dịch Sư tử trỗi dậy. Việc tận dụng thành công này không kém phần quan trọng so với việc đạt được thành công”.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu 

Bên cạnh đó, việc Tổng thống Mỹ thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza báo hiệu rằng, ông mong muốn quay trở lại bình thường hóa quan hệ kinh tế đã được thực hiện trước đó theo Hiệp định Abraham giữa Israel và nhiều quốc gia Ả rập. Một lệnh ngừng bắn có thể mở khóa các mối quan hệ khu vực bị đóng băng, có khả năng thúc đẩy nền kinh tế Mỹ. 

Phong trào Hamas chưa đưa ra bình luận về các diễn biến mới này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 1/7 thông báo Ngoại trưởng nước này, ông Badr Abdelatty và Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar Jassim Al Thani đã điện đàm về nỗ lực hòa giải chung nhằm thúc đẩy việc đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza. Theo thông báo, hai bên đã rà soát nỗ lực của Ai Cập và Qatar cùng Mỹ nhằm khôi phục lệnh ngừng bắn, chấm dứt tình trạng đổ máu đối với người Palestine, bảo đảm thả các con tin và người bị giam giữ, cũng như đảm bảo hàng viện trợ nhân đạo khẩn cấp được chuyển đến Gaza một cách thông suốt. 

Trong khi đó, nhiều nguồn tin khu vực nhận định khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn và kết thúc chiến sự đang trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, rủi ro và thách thức thực tế vẫn rất lớn. Bất kỳ động thái thiếu tính toán của một bên nào cũng có thể khiến nỗ lực đổ vỡ và đưa tiến trình đàm phán trở lại vạch xuất phát ban đầu. 

Hồi tháng 1, Israel và Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn gồm 3 giai đoạn sau nhiều tháng đàm phán, do Qatar và Ai Cập làm trung gian với sự hỗ trợ từ phía Mỹ. Tuy nhiên, tới ngày 18/3, Israel đã phá vỡ lệnh ngừng bắn này. Bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế và sức ép từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, các cuộc đàm phán hòa bình đến nay vẫn rơi vào bế tắc.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo không hồi kết

Cuộc đột kích bất ngờ của lực lượng Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 đã khiến 1.200 người Israel thiệt mạng và 251 người bị bắt làm con tin. Nhưng trong 20 tháng qua, chiến dịch trả đũa của Israel đã cướp đi sinh mạng của hơn 56.000 người Palestine, hơn 134.000 người bị thương và hệ thống y tế tại Dải Gaza gần như sụp đổ hoàn toàn. Một lệnh ngừng bắn 60 ngày, nếu thực sự thành hiện thực có thể mang ý nghĩa sống còn cho hàng triệu con người đang từng phút từng giây vật lộn giữa bom đạn và đói khát.

Những đám khói lớn bốc lên từ Gaza trong suốt cả ngày 1/7. Máy bay và xe tăng của quân đội Israel đã tấn công dữ dội vào phía bắc và phía Nam dải đất này, phá hủy nhiều ngôi nhà.

Các cơ quan y tế địa phương cho các cuộc không kích của quân đội Israel trên khắp vùng đất này đã giết chết ít nhất 112 người và làm bị thương hơn 400 người trong 24 giờ qua, với nhiều ngôi nhà được báo cáo đã bị phá hủy ở các quận Shejaia và Zeitoun của Thành phố Gaza, phía đông Khan Younis và ở Rafah. Khi các quan chức Israel và Mỹ đang nói về lệnh ngừng bắn tiềm năng, các cuộc không kích của Israel ngày 1/7 đánh dấu cuộc tấn công dữ dội nhất trong nhiều tuần qua. 

Tại thành phố Gaza, người dân lại một lần nữa chất lên người bất kỳ đồ đạc, thực phẩm gì có thể dùng được để đi sơ tán theo lệnh của quân đội Israel. Hơn 20 tháng qua, không ai còn nhớ được số lần họ phải đi lưu lạc giữa bom rơi, bão đạn.

“Không có bột mì, không có nhu yếu phẩm, không có thức ăn hay nước uống. Chúng tôi đang di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Chúng tôi có lỗi gì? Chúng tôi đã làm gì để phải chịu đựng điều này? Tất cả chúng tôi đều đang đau đớn; tất cả chúng tôi đều bị bệnh. Làm ơn, ai đó hãy tìm ra giải pháp cho chúng tôi”.

Bà Sariah Badrah - Người dân Palestine

Không chỉ là bom đạn và sơ tán, phần lớn trong số hơn 2 triệu người Palestine ở Gaza đang đứng trước nạn đói, khi Israel phong tỏa viện trợ nhân đạo trong gần 5 tháng, bất chấp việc cộng đồng quốc tế lên án rằng Tel Aviv coi đây là một vũ khí chiến tranh. Bạo lực đang diễn ra đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ảm đạm của Gaza, nơi tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng đã khiến người Palestine phải vật lộn để tiếp cận các nhu yếu phẩm cơ bản.

Để có lượng thực cứu đói, nhiều người Gaza đã phải trả giá bằng sinh mạng. Quân đội Israel đã ít nhất 3 lần xả súng nhằm vào người Palestine ở các điểm phân phối hàng cứu trợ. 

“Chúng tôi chỉ muốn nuôi con cái, chúng cần thức ăn. Chúng tôi đã quen với việc thiếu thốn, như trong tháng Ramadan. Đó là lý do tại sao chúng tôi vội vã đến địa điểm phân phối viện trợ. Họ dụ dỗ mọi người bằng những lời hứa giúp đỡ, nhưng cuối cùng, họ lại nổ súng. Tại sao? Chúng tôi đã làm gì để phải chịu đựng điều này?”.

Người dân Palestine

Bệnh viện Al Shifa, trung tâm y tế lớn nhất ở phía Bắc Gaza, đã cạn kiệt nhiên liệu, khiến hàng trăm bệnh nhân rơi vào tình trạng đối mặt tử thần từng giờ. Theo truyền thông địa phương, trong ngày 1/7, nhiều dịch vụ thiết yếu quan trọng đã phải tạm dừng tại bệnh viện này.

Trong bài phát biểu tại Hội đồng bảo an LHQ ngày 28/5, Đại sứ Palestine tại LHQ đã bật khóc một cách đầy bất lực khi nói đến sự khổ đau cùng cực mà người Palestine đang phải chịu đựng.

“Thật không thể chịu đựng nổi... Làm sao ai đó có thể chịu đựng được? Chứng kiến tình hình này xảy ra với người Palestine mà chúng ta không có lòng can đảm để hành động, là điều vượt quá khả năng chịu đựng của bất kỳ con người bình thường nào”.

Ông Riyad Mansour - Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc

Lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas, dẫu đạt được trong ngắn hạn, không chỉ là khung thời gian để các bên đàm phán về một giải pháp lâu dài hơn để chấm dứt chiến tranh, mà còn là một khoảng nghỉ nhân đạo để người Palestine tìm thấy hy vọng sống giữa hoang tàn đổ nát.

Con đường hòa bình đầy gian nan

Một lệnh ngừng bắn ở Gaza vào lúc này xuất phát từ nhu cầu cấp bách của thực tế. Thế nhưng, việc chắt chiu cơ hội để bước vào bàn đàm phán là một chuyện, còn đạt được đồng thuận lại là chuyện khác. Một lệnh ngừng bắn lâu dài thường đòi hỏi cả hai bên phải thỏa hiệp và Gaza cũng không ngoại lệ. Song, những khác biệt sâu sắc về lập trường giữa Israel và Hamas đặt trong bối cảnh một cuộc xung đột đã diễn ra hơn 70 năm qua, thì thỏa hiệp và nhượng bộ đồng nghĩa với rủi ro và thách thức. Bất kỳ động thái thiếu tính toán của bên nào cũng có thể khiến nỗ lực đổ vỡ và đưa tiến trình đàm phán trở lại vạch xuất phát ban đầu.

Có nhiều động lực để Israel đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza vào lúc này. Chúng bao gồm áp lực từ đồng minh Mỹ, chính trị nội bộ của Israel và cuộc chiến gần đây giữa Israel và Iran. Ngoài ra còn có sự phản đối của quốc tế đối với các hành động của Israel ở Gaza rằng đây là một cuộc diệt chủng. Trong khi đó, theo giới phân tích, Hamas cũng đang chịu sức ép lớn để trả con tin và ngừng bắn. Quan trọng hơn, lệnh ngừng bắn xuất phát từ nhu cầu thực tế, trước những mất mát mà cả Palestine và Israel phải chịu đựng.

“Việc đạt được lệnh ngừng bắn giữa Iran và Israel mang lại hy vọng. Và hy vọng cần thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, đã đến lúc tìm kiếm sự can đảm chính trị cho lệnh ngừng bắn ở Gaza. Bất kỳ hoạt động nào đưa những thường dân tuyệt vọng vào các khu vực quân sự hóa đều không an toàn. Nó đang giết hại dân thường”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

Trong thông báo mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa tiết lộ chi tiết về đề xuất ngừng bắn 60 ngày. Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất của các vòng đàm phán trước đó dường như đã được giải quyết - đó là yêu cầu của Hamas rằng bất kỳ việc ngừng bắn nào cũng phải hướng đến chấm dứt hoàn toàn xung đột. Theo Tổng thống Mỹ, 60 ngày ngừng bắn, Mỹ sẽ làm việc với các bên để thực hiện điều này. 

Dẫu vậy, các trở ngại lớn khác giữa các bên chưa được tiết lộ như sự hiện diện của quân đội Israel ở Gaza hay việc Hamas phải giải trừ vũ khí. Trong nhiều tháng qua, Hamas kiên quyết yêu cầu một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, quân đội Israel phải rút hoàn toàn khỏi Dải Gaza và quyền lực của Hamas được duy trì. Ngược lại, Israel tuyên bố chỉ kết thúc chiến tranh nếu Hamas đầu hàng, giải giáp và rời khỏi chính trường. 

Hồi tháng 3, các nhà lãnh đạo Ả Rập đã thông qua kế hoạch tái thiết Gaza của Ai Cập mà không phải di dời người Palestine ra khỏi vùng đất này. Kế hoạch trị giá 53 tỷ USD, thực hiện trong 5 năm, trái ngược với tầm nhìn và kế hoạch trước đó của Tổng thống Trump. Hamas đã hoan nghênh kế hoạch trên và đề nghị được chia sẻ quyền lực trong cơ quan quản lý Gaza thời hậu chiến. Song Mỹ và Israel đã bác bỏ điều này. 

Việc Israel tăng cường ném bom quân sự, cũng như các lệnh sơ tán gần đây đối với một số khu vực ở phía bắc Gaza cho thấy rằng, ngay cả khi có một thỏa thuận thì Israel vẫn kiên quyết muốn giữ quyền kiểm soát lãnh thổ lâu dài đối với phía bắc Dải Gaza. Điều này, cùng với việc Israel và Mỹ đang thúc đẩy Quỹ Nhân đạo Gaza với tư cách là tổ chức duy nhất được phép cung cấp và quản lý viện trợ tại Gaza, sẽ rất khó để Hamas và người Palestine chấp nhận.

Cũng có báo cáo cho rằng, một thỏa thuận đề xuất sẽ cho phép người dân Gaza muốn di cư được một số quốc gia tiếp nhận. Một điều khoản như vậy là một sự tiếp nối kế hoạch trước đó của chính quyền Tổng thống Trump về việc cưỡng bức di dời người Palestine khỏi Gaza, cũng như sự tuyên bố của Israel rằng việc di dời như vậy sẽ là một sáng kiến nhân đạo chứ không phải là tội ác chiến tranh. Kế hoạch trên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hamas và cộng đồng quốc tế.

Với những thách thức như vậy, giới phân tích nhận định rằng, lý tưởng nhất là bất kỳ lệnh ngừng bắn nào được đàm phán sẽ có các điều khoản chi tiết về khung thời gian để đảm bảo các bên thực hiện nghĩa vụ đặt ra. Các điều khoản chi tiết cũng sẽ cho phép các bên quốc tế và các bên thứ ba khác lên án bất kỳ hành vi vi phạm nào đối với thỏa thuận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cảm giác bất công và lo lắng sâu sắc trong khu vực, bất kỳ lệnh ngừng bắn nào không giải quyết được sự áp bức trong lịch sử và bị ép buộc đối với các bên chắc chắn sẽ gây ra hậu quả tai hại trong những tháng và năm tới.

Khi cánh cửa ngoại giao được mở ra, việc chớp lấy cơ hội và có thể biến nó thành kết quả hay không vẫn chưa thể khẳng định. Israel, Hamas sẽ đưa ra những nhượng bộ gì để đạt được lệnh ngừng bắn, và liệu thỏa thuận có tồn tại lâu dài? Cơ chế giám sát lệnh ngừng bắn ra sao? Và Mỹ có áp đặt các biện pháp chính trị hoặc kinh tế để thúc đẩy hay cản trở hòa bình và quá trình tái thiết hay không? Đó đều là những câu hỏi ngỏ. Chỉ có thể khẳng định rằng, một Gaza được tái thiết nhưng vẫn chìm trong xung đột chính trị sẽ không mang lại sự ổn định lâu dài. Nếu không có một thỏa thuận chính trị rõ ràng, khu vực Trung Đông sẽ vẫn chưa thể im tiếng súng.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời