Các động lực để tăng trưởng 8,42% trong nửa cuối năm
Các chuyên gia cho rằng, để đạt mục tiêu GDP 6 tháng cuối năm tăng ở mức 8,42% cần vận dụng cả 3 động lực truyền thống, gồm: xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng.
Vượt qua những thách thức về thuế quan và các biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường nhập khẩu, 6 tháng đầu năm, ngành gỗ xuất khẩu đạt gần 8,2 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nửa cuối 2025, hoạt động của ngành sẽ gặp phải không ít khó khăn, tuy nhiên, đến thời điểm này, ngành gỗ khá lạc quan trong mục tiêu xuất khẩu toàn ngành là 18 tỷ USD, qua đó, đóng góp vào GDP 8% cả nước.
Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết: “Bản lĩnh của một doanh nghiệp là phải can trường, phải lạc quan. Trước mắt, các doanh nghiệp duy trì đàm phán với Mỹ để duy trì chuỗi cung ứng mà ta mất nhiều sức mới có được. Dài hạn hơn, doanh nghiệp phải nhìn lại mình, phải có giải pháp để quản trị rủi ro, tăng cường đa dạng hóa sản phẩm”.
Cùng với xuất khẩu, đầu tư công cũng được xem là một động lực của tăng trưởng cuối năm. 6 tháng đầu năm, cả nước giải ngân ước đạt 264,8 nghìn tỷ đồng, đạt 32,06%, cao hơn cùng kỳ cả về khối lượng và tỷ lệ. Với tổng vốn phân bổ 818,5 nghìn tỷ đồng cho cả năm, trong 6 tháng cuối năm, cả nước sẽ phải giải ngân thêm hơn 553 nghìn tỷ đồng nữa mới đạt kế hoạch.
Bà Phí Hương Nga, Trưởng Ban Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho biết: “Chính phủ phải tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp với tốc độ nhanh chóng hơn nữa về thủ tục hành chính, công tác phê duyệt dự án phải đẩy nhanh hơn nữa".
Cục Thống kê tính toán: để GDP cả năm tăng 8%, 6 tháng cuối năm tăng 8,42% (trong đó Quý III tăng 8,33%, Quý IV tăng 8,51%). Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu này chỉ đạt được nếu ta vận dụng cả 3 động lực truyền thống, gồm: xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế kiến nghị: "Rất mong Chính phủ chỉ đạo để có đề án riêng kích cầu tiêu dùng bằng 3 việc phải làm: thứ nhất, sớm thanh toán đầy đủ tiền giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức nghỉ hưu trước tuổi hoặc chuyển công tác; thứ hai là phải phát triển du lịch; thứ ba là cần khuyến khích mạnh mẽ người Việt Nam dùng hàng Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu của chúng ta còn nhiều khó khăn, bất định".
Các chuyên gia cho rằng: trong 3 động lực tăng trưởng truyền thống gồm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, tiêu dùng trong nước phải trở thành động lực tăng trưởng quan trọng và lâu dài, chứ không thể chỉ trông chờ vào xuất khẩu. Ngoài ra, đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước cũng cần vươn lên làm chủ lực, hướng tới một nền kinh tế tự chủ, tự cường và bền vững hơn.