Bổ sung quy định hỗ trợ hộ kinh doanh

Chỉ mới 11% hộ kinh doanh thực sự hiểu rõ nội dung Nghị định 70 và nghĩa vụ của mình sau hơn 1 tháng triển khai Nghị định 70, đặt ra yêu cầu đơn giản hóa thủ tục để hộ kinh doanh thích nghi với chính sách mới.

Theo Nghị định 70, từ ngày 1/6/2025, các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm trở lên phải thực hiện kết nối hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế. Theo đó, dự kiến 37.000 hộ kinh doanh nằm trong đối tượng thực hiện chính sách này.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa thực hiện khảo sát 1.400 hộ kinh doanh trên toàn quốc. Kết quả cho thấy, nhiều hộ kinh doanh đã chuyển sang xuất hóa đơn từ máy tính tiền kết nối từ cơ quan thuế. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn lo lắng với hình thức mới này.

Bà Nguyễn Thị Khánh Ly - Chủ hộ kinh doanh phụ tùng ô tô Phạm Gia cho biết: “Mức phạt nó quá cao dẫn đến bản thân kế toán cũng lo lắng, vì nếu hóa đơn sai là mấy triệu nộp phạt, thế nên là cũng chưa được thoải mái trong việc thực hiện”. 

Theo Nghị định 70, một số hộ có doanh thu thấp chưa phải thực hiện hóa đơn điện tử từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế, tuy nhiên, họ phải lập sổ sách chứng từ để báo cáo hàng quý, hàng tháng. Điều này khiến nhiều hộ lúng túng vì không có đầu vào.

Bà Lê Thanh Nguyệt - Chủ hộ kinh doanh cho biết: “Tôi đang hiểu là đối với lĩnh vực có hàng tồn kho thì chuyện kê khai là đương nhiên nhưng với chúng tôi, tôi đang lúng túng rằng không có một đầu vào nào để lập sổ sách kế toán chứng từ”. 

Ông Lê Văn Nguyên - Hộ kinh doanh tranh thêu tay Xuân Nguyên cho biết: "Muốn lên doanh nghiệp thì thứ nhất là chi phí, thứ hai là nhân công, thứ ba là phải hạch toán chi phí sổ sách. Rất nhiều thứ liên quan như vậy thì chúng tôi có đủ năng lực hay không? Về tài chính, về sổ sách, về vận hành, về thuê kế toán, rồi nhiều chi phí phát sinh như có thể là thua lỗ trước khi thành công”.

Khảo sát cho thấy trên 50% số người được hỏi cho rằng, chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành hàng tháng là rất lớn. Cùng với đó, một nửa số hộ được hỏi cho là gánh nặng thời gian gian và công sức quản lý hóa đơn, chứng từ là gánh nặng hành chính phổ biến. Vì vậy, 63% hộ kinh doanh cho biết sẽ giảm quy mô, 23% lựa chọn tạm ngừng hoạt động, 11% chuyển sang loại hình kinh doanh khác. Điều này đặt ra yêu cầu quản lý với cơ quan nhà nước trong việc nâng cao nhận thức, phân nhóm các hộ kinh doanh để ban hành chính sách phù hợp.

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Trưởng ban Nghiệp vụ, Cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết: “Sau kết quả khảo sát, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tiếp thu báo cáo để từ đó cơ quan thuế có những chỉnh sửa phù hợp để hỗ trợ cho các hộ kinh doanh".

Nghiên cứu của VCCI cũng chỉ ra rằng, cần bổ sung các quy định phù hợp trong giai đoạn chuyển tiếp để hỗ trợ hộ kinh doanh an tâm chuyển đổi; bổ sung quy định không hồi tố truy thu nghĩa vụ thuế, xử phạt hoặc tịch thu giai đoạn trước. Cùng với đó là xây dựng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ phù hợp với thực tiễn kinh doanh của hộ kinh doanh. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời