Thúc đẩy chuyển đổi kép để phát triển kinh tế bền vững

Chuyển đổi số song hành với chuyển đổi xanh đang trở thành chiến lược kép giúp nhiều doanh nghiệp định hình năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, cũng như thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Không dùng than, không dùng dầu, toàn bộ năng lượng nhiệt trong nhà máy bia Heineken Việt Nam được tạo ra từ vỏ trấu, mùn cưa và phế phẩm nông nghiệp. Công nghệ sinh khối là giải pháp giúp doanh nghiệp này vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm phát thải.

Ông Đoàn Đức Nghĩa - Giám đốc nhà máy Heineken Việt Nam tại Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực liên tục, triển khai sáng kiến và thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua để nhằm mục đích bảo tồn nguồn nước, đẩy nhanh lộ trình sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất và tối đa hóa kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào mục tiêu Net Zero chung của Chính phủ. Hiện tại, Heineken Việt Nam đang sử dụng đến 99% năng lượng tái tạo trong sản xuất và hoàn toàn không có rác thải chôn lấp. Qua đó chúng tôi đã giảm được 93% lượng CO2 phát thải ra môi trường so với 2018”.

Tuy nhiên, để chuyển đổi xanh hiệu quả, doanh nghiệp cần một công cụ đủ mạnh để đo lường, quản lý và ra quyết định – đó chính là chuyển đổi số. Nếu coi chuyển đổi xanh là mục tiêu thì chuyển đổi số chính là công cụ và nền tảng để hiện thực hóa mục tiêu đó. 

Ông Trương Anh Quân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số cho hay: “Muốn chuyển đổi xanh cần phải có dữ liệu, muốn có dữ liệu thì chúng ta cần phải thực hiện việc chuyển đổi số một cách đúng đắn. Chính vì vậy, trong thời gian tới, để thực hiện được chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp cần phải chuẩn hóa và đồng bộ về mặt dữ liệu trước và đó chính là nền tảng để chuyển đổi số thành công".

Chuyển đổi kép còn được các nhà đầu tư tài chính quốc tế xem là cơ hội chiến lược của Việt Nam trong giai đoạn tới. Ông Frederick Teo - CEO Gen Zero, Tập đoàn Temasek Holdings, Singapore cho rằng: “Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế trẻ và năng động với các ngành quan trọng như nông nghiệp và năng lượng – những lĩnh vực có tiềm năng lớn để khử carbon và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Singapore có thể hỗ trợ cho Việt Nam trong vấn đề chi phí chuyển đổi, cũng như các giải pháp đổi mới như thị trường carbon và tín chỉ carbon, qua đó hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi ngành nông nghiệp và năng lượng sang hướng bền vững hơn”.

Trong bối cảnh toàn cầu đang thúc đẩy quá trình giảm phát thải và tăng trưởng xanh, việc gắn kết chuyển đổi số với chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời