Sớm có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi xe xăng

Trước lộ trình của Thủ tướng về chính sách cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026, các chuyên gia cho rằng thành phố cần sớm có chính sách hỗ trợ người dân sớm chuyển đổi phương tiện.

Ngày 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 20 về các nhiệm vụ cấp bách nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Chỉ thị yêu cầu Hà Nội triển khai các giải pháp để từ ngày 1/7/2026, không còn xe máy dùng nhiên liệu hóa thạch (xe xăng) lưu thông trong khu vực Vành đai 1.

Theo quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường Vành đai 1 của Hà Nội có tổng chiều dài hơn 40km, được giới hạn bởi các tuyến phố từ cầu Nhật Tân dọc theo đường đê Âu Cơ – Nghi Tàm – Trần Quang Khải – Trần Nhật Duật – đê Nguyễn Khoái – Trần Khát Chân – Đại Cồ Việt – Xã Đàn – Hoàng Cầu – Voi Phục – Cầu Giấy – Bưởi – Lạc Long Quân. Phạm vi của tuyến đường chạy qua địa bàn các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa trước đây. Đây là trục chính đô thị kết nối theo trục Đông Tây, đi qua khu vực trung tâm thành phố. Hiện tuyến đường này còn đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục dài khoảng 2,2km chưa được đầu tư xây dựng và khép kín.

Lộ trình tiếp theo được đặt ra như sau: Từ 1/1/2028, sẽ hạn chế ô tô cá nhân dùng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai 1 và Vành đai 2. Đến năm 2030, áp dụng quy định trên với toàn bộ phương tiện cá nhân dùng nhiên liệu hóa thạch trong phạm vi Vành đai 3.

Trước đó, cuối năm 2024, Hà Nội đã có Nghị quyết về việc thí điểm vùng phát thải thấp (LEZ) tại một số khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (cũ) từ năm 2025.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đánh giá đây là một quyết tâm cần thiết của Chính phủ nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng thời gian từ nay đến 1/7/2026 không còn nhiều. Do đó, Hà Nội phải khẩn trương hành động, đẩy mạnh tuyên truyền và đặc biệt là tính toán phương án hỗ trợ người dân.

"Tôi nghĩ sẽ có tới hàng triệu xe máy phải chuyển đổi. Với số lượng lớn như vậy, chính quyền thành phố phải tính đến việc hỗ trợ trực tiếp người dân như thế nào, bên cạnh các chương trình đổi xe của doanh nghiệp. Vì có thể nói xe máy hiện vẫn là phương tiện lưu thông chính của đại bộ phận của người dân và để đổi xe cũng là một khoản chi phí không nhỏ", TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.  

Chuyên gia cũng lưu ý Hà Nội cần khẩn trương quy hoạch, lắp đặt các trạm sạc công cộng để đáp ứng nhu cầu và bảo đảm an toàn. Song song đó, việc phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông công cộng như metro, xe buýt điện là giải pháp căn cơ để giảm ô nhiễm và khuyến khích người dân từ bỏ phương tiện cá nhân.

Về chủ trương này, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đã phê duyệt Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ nay đến năm 2030, mỗi năm thành phố sẽ chuyển đổi khoảng 20% trong số hơn 2100 xe buýt thường, sử dụng xăng, dầu diezel sang xe buýt điện, sử dụng năng lượng xanh.

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp vận tải chủ động chuyển đổi phương tiện sang sử dụng năng lượng sạch, xanh. Thành phố cũng áp dụng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi vốn vay, giảm thuế nhập khẩu, bố trí địa điểm làm trạm sạc. Trước mắt, việc chuyển đổi xanh sẽ áp dụng với hệ thống xe buýt, tiến tới sẽ khuyến khích áp dụng đối với các phương tiện công công khác như taxi, xe khách. Đồng thời, UBND thành phố cũng đang giao các sở ngành nghiên cứu chính sách, cơ chế phù hợp khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện cá nhân sử dụng xăng sang sử dụng năng lượng sạch, xe điện để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời