Mỹ tạm ngừng chuyển giao nhiều loại vũ khí cho Ukraine
Lầu Năm Góc tạm ngừng chuyển giao một số vũ khí cho Ukraine do lo ngại kho dự trữ đạn dược cạn kiệt, theo lệnh rà soát của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth.
Các hãng tin Politico và NBC News (Mỹ) ngày 1/7 dẫn một số nguồn thạo tin cho biết, Lầu Năm Góc đã tạm ngừng chuyển giao một số loại vũ khí cho Ukraine. Quyết định được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth ra lệnh rà soát kho dự trữ vũ khí quốc gia, trong bối cảnh xuất nhiều lo ngại về tốc độ cạn kiệt đạn dược của Mỹ.
Số vũ khí bị đình chỉ bao gồm hàng chục tên lửa Patriot, Stinger, AIM, hàng trăm tên lửa Hellfire, GMLRS và hàng nghìn quả đạn pháo 155mm. Một số lô hàng đã được chuyển tới châu Âu cũng bị giữ lại, chưa bàn giao cho Ukraine. Những vũ khí trên từng được chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden tài trợ qua hai cơ chế: rút trực tiếp từ kho dự trữ quân sự và thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện không phê duyệt thêm viện trợ mới, và các nguồn lực còn lại được cho là chỉ đủ cho Ukraine dùng trong vài tháng tới.
Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Anna Kelly cho biết quyết định trên nhằm “đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu”, song bà không xác nhận chi tiết các lô vũ khí bị dừng. Quyết định tạm ngừng chuyển giao vũ khí mà không thông báo trước cho Quốc hội có thể gây tranh cãi về mặt pháp lý. Tình huống này được so sánh với vụ việc năm 2019 trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, từng bị Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ kết luận là vi phạm luật. Phía Ukraine hiện chưa đưa ra phản ứng chính thức.
Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhiều lần khẳng định sẵn sàng mua các hệ thống phòng không của Mỹ nếu không được viện trợ. Theo giới phân tích, động thái mới của Washington phản ánh sự chuyển hướng ưu tiên chiến lược dưới thời Tổng thống Trump, theo hướng tập trung vào lợi ích quốc gia và giảm dần hỗ trợ quân sự ra bên ngoài. Trong khi đó, ông Kirill Dmitriev, cố vấn thân cận của Tổng thống Nga Putin, nhận định động thái này cho thấy “giới hạn thực tế trong năng lực hỗ trợ của phương Tây”.