Mỹ siết thuế với EU, Mexico: Cây gậy hay củ cà rốt?

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 30% đối với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và Mexico bắt đầu từ ngày 1/8 tới.

Động thái này diễn ra sau nhiều tuần đàm phán không thành giữa Washington và các đối tác thương mại lớn, làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới.

Trong các bức thư gửi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum, ông Trump khẳng định các mức thuế mới là cần thiết do EU và Mexico không đáp ứng các yêu cầu về mở cửa thị trường và giảm thâm hụt thương mại với Mỹ. Ngoài EU và Mexico, ông Trump trước đó cũng đã gửi thư cảnh báo tới 23 đối tác thương mại khác, bao gồm Canada, Nhật Bản và Brazil, với mức thuế dự kiến dao động từ 20% đến 50%.

Ngay sau tuyên bố của ông Trump, cả EU và Mexico đều phản ứng mạnh mẽ. Chính phủ Mexico gọi quyết định của Mỹ là "bất công và gây rối loạn thương mại", đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng đối thoại để hạ nhiệt tình hình.

Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết: “Chúng tôi tin rằng sẽ đạt được một thỏa thuận với Mỹ và chắc chắn là với những điều kiện tốt hơn. Trong mọi tình huống, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh”.

Liên minh châu Âu cũng tuyên bố sẽ không đứng yên nếu Mỹ thực thi mức thuế mới.

Theo giới phân tích, ông Trump đang tận dụng đà tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Mỹ và thị trường chứng khoán ở mức kỷ lục để gây sức ép thương mại. Trước đó, ông từng tuyên bố sẽ tận dụng khoảng thời gian "hoãn thuế" 90 ngày, tính từ tháng 4, để thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương. Tuy nhiên, đến nay Mỹ mới chỉ đạt được các khung thỏa thuận sơ bộ với Anh, Trung Quốc và Việt Nam.

Do đó, ba quan chức EU nhận định với hãng tin Reuters rằng, lời đe dọa thuế quan có thể chỉ là một phần trong chiến lược đàm phán của ông Trump. Dù vậy, họ cũng thừa nhận mức thuế 30% là một ngưỡng rất khó để các nước “chấp nhận” mà không có biện pháp trả đũa.

Chuyên gia Jacob Funk Kirkegaard, Viện Nghiên cứu Bruegel, Bỉ, cho hay: “Tổng thống Trump nghĩ rằng ông ấy có thể đạt được thỏa thuận bằng cách đe dọa leo thang căng thẳng. Nhưng điều đó có thể phản tác dụng. Nếu các bên không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8, thì một cuộc chiến thương mại thực sự sẽ bắt đầu”.

Dù phản ứng cứng rắn, giới quan sát cho rằng, nội bộ EU hiện đang chia rẽ trước áp lực từ Washington. Chỉ vài tuần trước, EU vẫn thể hiện lập trường cứng rắn. Brussels bác bỏ kịch bản một thỏa thuận “thiếu chiều sâu” như Anh, vốn chỉ tập trung vào giảm thuế xe hơi, thịt bò và linh kiện máy bay.

Tuy nhiên, sau hội nghị thượng đỉnh NATO giữa tháng 6, thái độ của một số nước thành viên bắt đầu thay đổi, đặc biệt là Đức - quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu công nghiệp. Một nhà ngoại giao EU thậm chí thừa nhận, châu Âu sẽ mất từ 5 đến 10 năm để tự xây dựng năng lực quốc phòng, từ máy bay, tên lửa đến tình báo quân sự.

Vì thế, trong khi Pháp và một số nước vẫn kiên định lập trường cứng rắn, thì ngày càng nhiều thành viên khác cho rằng cần ưu tiên duy trì quan hệ chiến lược với Mỹ, ngay cả khi phải đánh đổi một phần lợi ích thương mại. Theo các nguồn tin ngoại giao, Brussels đang xem xét khả năng thỏa hiệp theo hướng tương tự Anh, giảm thuế xe ô tô xuống 2,5%, tránh thuế 50% với thép và chấp nhận mức thuế phổ thông 10% cho phần lớn hàng hóa.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, EU là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ với gần 976 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2024. Mexico đứng thứ hai với 840 tỷ USD. Việc áp thuế cao với những đối tác có quy mô thương mại khổng lồ như vậy không chỉ đẩy quan hệ song phương vào trạng thái rủi ro, mà còn làm gia tăng bất ổn cho hệ thống thương mại toàn cầu.

Giới quan sát đánh giá, Tổng thống Trump rõ ràng đang dùng "cây gậy thương mại" như một công cụ không chỉ để giành lợi ích kinh tế, mà còn để định hình lại trật tự quan hệ quốc tế, trong đó Mỹ là trung tâm và các đối tác buộc phải chọn giữa an ninh hay thương mại.

Với EU, lựa chọn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, giữ nguyên tắc và đối đầu với Washington, hay nhượng bộ một phần để đổi lấy bảo đảm chiến lược trong một thế giới đầy bất ổn? Đáp án không chỉ là vấn đề thương mại, mà là bài toán chính trị mang tính sống còn với châu Âu.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời