Không gian tranh cổ động giữa lòng Thủ đô
Tranh cổ động là loại hình mỹ thuật từng gắn bó sâu sắc với nhiều giai đoạn lịch sử, nay vẫn được những người nghệ sĩ gìn giữ bằng cả trái tim và sự bền bỉ của thời gian.
Trong căn phòng nhỏ nằm sâu trong một con phố yên tĩnh tại Hà Nội, họa sĩ Trần Duy Trúc hàng ngày miệt mài bên giá vẽ. Không bảng hiệu, không triển lãm rầm rộ, nhưng từ nơi đây, hàng trăm tác phẩm tranh cổ động đã ra đời, thấm đẫm chiều dài lịch sử đất nước và hơi thở của thời đại.
Họa sĩ Trần Duy Trúc chia sẻ: "Năm 1965, tôi tốt nghiệp Trường Trung cấp Mỹ thuật Việt Nam, sau đó tôi được phân công về tỉnh ủy Hải Dương. Đúng lúc đó, Mỹ đánh phá miền Bắc. Chính vì vậy tỉnh ủy phân công tôi sang bộ phận tuyên truyền. Dòng tranh cổ động khi đó cũng ra đời. Tôi say sưa với tranh cổ động từ khi ấy đến nay".
Hơn 60 năm gắn bó với hội họa, họa sĩ Trần Duy Trúc không chỉ là người vẽ tranh mà còn kể chuyện bằng hình ảnh: từ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, công cuộc đổi mới tới tuyên truyền phòng chống dịch, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Tuổi cao, tay run nhưng ông vẫn vẽ bằng những phương pháp thủ công cũ, không chỉ để giữ vững nhịp sáng tạo mà còn giữ lại mạch nguồn nghệ thuật vốn từng sống động giữa lòng Hà Nội nhiều thập kỷ trước.
Họa sĩ Trần Duy Trúc nhấn mạnh: "Họa sĩ luôn phải chất chứa nhiều kho tư liệu trong đầu, khi vẽ phải từ đôi bàn tay mình. Đã vẽ thì phải định hình, bố cục sao cho chắc chắn. Tôi bao giờ cũng phải phác thảo, ưng ý thì mới đem đi photo rồi căn chỉnh thật chính xác".
Ở một góc Hà Nội khác, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức lại chọn cách lặng lẽ nhưng đầy trách nhiệm để bảo tồn thể loại tranh cổ động. Ông sưu tầm và mở ra một không gian trưng bày riêng nhằm lưu giữ “ký ức thị giác” của một thời kỳ lịch sử. Với ông, mỗi bức tranh không chỉ là tác phẩm mỹ thuật, mà còn là chứng tích bằng hình ảnh và tiếng nói của một thời kỳ đất nước cần đến sự đồng lòng, sự hy sinh và niềm tin mãnh liệt vào tương lai.
"Tất cả những tranh cổ động thể hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn khác nhau, nhằm tuyên truyền, giáo dục và tạo sự đoàn kết trong toàn dân", họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho hay.
Các tác phẩm ở không gian trưng bày được phân loại, sắp xếp và thuyết minh cẩn thận theo từng giai đoạn, từng chủ đề. Có những bức tranh quý do chính họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức sưu tầm từ khắp các địa phương, thậm chí từ tay người dân – như thể gom nhặt từng mảnh thời gian và xếp lại thành một bảo tàng thu nhỏ giữa lòng Hà Nội.
Hành trình gìn giữ tranh cổ động của mỗi người dù khác nhau, nhưng cùng chung một tình yêu với nghệ thuật tranh cổ động - một loại hình từng thấm đẫm trong đời sống văn hóa và tâm thức người Việt. Chính từ sự lặng thầm, kiên trì ấy, những sắc màu tưởng chừng đã lùi vào dĩ vãng nay lại được thắp sáng để kể tiếp câu chuyện về một Hà Nội sâu lắng, tinh tế và đầy sức sống văn hóa.