Khi chính quyền gần dân
Hà Nội đánh dấu mốc khi bắt đầu vận hành đầy đủ mô hình chính quyền đô thị hai cấp: thành phố và phường/xã từ ngày 1/7.
Người dân Thủ đô kỳ vọng không chỉ ở một bộ máy tinh gọn, mà là một chính quyền thực sự gần gũi và phục vụ hiệu quả hơn.
Ngày đầu vận hành bộ máy chính quyền hai cấp
Từ ngày 1/7, Hà Nội chính thức triển khai mô hình chính quyền đô thị hai cấp: cấp thành phố và cấp xã, phường. Đây là bước đi quan trọng trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính, nhằm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng phục vụ người dân ngay từ cấp cơ sở.
Không cần phải chờ đợi lâu như trước, chỉ sau khoảng 30 phút, chị Trần Ngọc Diệu đã hoàn tất toàn bộ thủ tục công chứng các loại giấy tờ ngay tại điểm phục vụ hành chính công phường Thượng Cát. Từ khâu tiếp nhận đến xử lý hồ sơ đều được thực hiện trôi chảy, cho thấy rõ sự chuyển mình tích cực trong cách phục vụ người dân của chính quyền cơ sở.
Chị Diệu chia sẻ: "Ngày đầu tiên đến đây làm thủ tục tôi thấy các bộ phận hướng dẫn người dân tận tình và thủ tục của tôi được rút ngắn thời gian, nhanh gọn giúp tôi đỡ được nhiều chi phí đi lại."
Không chỉ hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục một cách thuận tiện, đội ngũ cán bộ tại phường Thượng Cát cũng thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, chủ động trong xử lý công việc, đặc biệt là việc tiếp cận và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến - một yêu cầu quan trọng trong mô hình chính quyền đô thị hiện nay.
Cùng thời điểm, tại phường Định Công, lượng người dân đến làm thủ tục hành chính cũng khá đông, nhưng quá trình xử lý vẫn diễn ra nhịp nhàng. Mỗi công dân đều được hướng dẫn cụ thể, thao tác thuận tiện trên hệ thống điện tử, thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng của chính quyền địa phương.
Không chỉ tập trung vào tốc độ giải quyết hồ sơ, đội ngũ công chức tại đây còn thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trong từng khâu phục vụ, hướng tới việc xây dựng một nền hành chính hiện đại, gần dân và hiệu quả hơn.
Ngày đầu vận hành mô hình chính quyền hai cấp cho thấy những tín hiệu tích cực từ thực tiễn. Bộ máy được tổ chức lại tinh gọn, cán bộ cơ sở chủ động hơn, chuyên nghiệp hơn, và quan trọng nhất là người dân cảm nhận rõ sự thuận tiện trong từng thủ tục hành chính.
Cải cách không dừng lại ở mô hình tổ chức, mà thể hiện qua chất lượng phục vụ hằng ngày ở nơi gần dân nhất. Đó cũng chính là thước đo rõ ràng nhất cho sự thành công của quá trình chuyển đổi.
Hết cảnh đi phà lên huyện làm thủ tục hành chính
Vào sáng 1/7, ngày khởi động đầu tiên của bộ máy chính quyền hai cấp trên cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng. Trong 126 xã phường của Thủ đô có một xã đặc biệt với xung quanh là bốn bề sông nước. Nếu trước kia người dân muốn lên huyện để làm thủ tục hành chính thì sẽ phải đi phà hoặc đi đường bộ vòng qua địa phương khác. Bắt đầu từ ngày hôm nay, khi bỏ cấp huyện, các thủ tục hành chính đã chuyển về cấp cơ sở thì người dân đã hết cảnh phải đi phà mà được cán bộ, công chức phục vụ ngay tại cơ sở. Nơi mà chúng tôi muốn nhắc tới là xã đảo Minh Châu của Thủ đô Hà Nội.
Nếu trước kia phải qua phà để lên huyện Ba Vì để làm một số thủ tục hành chính thì từ hôm nay chị Đặng Thị Bích Phượng có thể đến trực tiếp UBND xã Minh Châu để xử lý các thủ tục này.
Chị Phượng chia sẻ: "Bình thường tôi hay phải đi sang tận bên huyện làm giấy tờ mà phải đi qua đò, chờ đò rất lâu kể từ khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp được làm các giấy tờ ở xã tôi cảm thấy rất là tiện. Ví dụ như làm giấy phép kinh doanh và các giấy tờ khác."
Cách trung tâm thành phố khoảng 60km, nằm lọt thỏm giữa sông Hồng, xã Minh Châu như một “ốc đảo” nên điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ gặp nhiều khó khăn. Từ chỗ còn bỡ ngỡ khi tiếp cận với hệ thống phần mềm tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp đến nay các cán bộ công chức đã thực hiện nhuần nhuyễn và sẵn sàng phục vụ người dân. Đặc biệt là tập huấn nghiệp vụ để xử lý thủ tục hành chính của cấp sở ngành và cấp huyện trước kia.
Ông Đỗ Công Dũng - Phó phòng Văn hóa - Xã hội xã Minh Châu cho biết: "Bản thân tôi cũng đã chuẩn bị tâm thế bắt tay vào công việc mới. Đối với lĩnh vực văn hóa xã hội trên địa bàn, xã Minh Châu đã chuẩn bị xây dựng những kế hoạch, phương án để xây dựng mô hình chính quyền hai cấp, phát huy được hết tiềm năng lợi thế của xã".
Nếu người dân không phải đi phà lên huyện thì nhiều cán bộ công chức từ các địa phương được điều động hoặc xung phong về đây công tác lại phải đi phà để đến Minh Châu. Tuy nhiên, điều đó không làm nản lòng những cán bộ được điều động từ huyện Ba Vì cũ về đây.
Là xã đảo duy nhất của Thủ đô, Minh Châu vẫn còn nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất và hạ tầng phục vụ. Nhưng vượt lên những trở ngại đó là một tinh thần đoàn kết, một quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng lòng của người dân. Vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày hôm nay với Minh Châu không chỉ là một bước chuyển về tổ chức bộ máy, mà là bước đi đầu tiên trên hành trình hướng tới mục tiêu lớn hơn: xây dựng Minh Châu trở thành hòn đảo xanh, văn minh và hạnh phúc.
Kỳ vọng ở một chính quyền gần dân
Chính quyền gần dân là mục tiêu mà nhiều người dân mong đợi khi mô hình chính quyền hai cấp chính thức triển khai. Họ kỳ vọng thủ tục hành chính được đơn giản, phục vụ nhanh chóng và minh bạch hơn.
Khi mô hình chính quyền hai cấp chính thức vận hành, điều mà người dân kỳ vọng không nằm ở những thay đổi to lớn, mà bắt đầu từ những điều rất đỗi quen thuộc trong đời sống hằng ngày: một thủ tục được rút ngắn thời gian, một cán bộ tiếp dân đúng giờ, một câu trả lời rõ ràng và thái độ nhã nhặn khi có thắc mắc.
Ở mọi độ tuổi, mỗi người dân đều có mong muốn riêng, nhưng điểm chung vẫn là được phục vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn - đúng với tinh thần của một chính quyền gần dân, vì dân. Những mong muốn này không mới và hoàn toàn khả thi nếu chính quyền đặt mình vào vị trí người dân.
Cùng với tổ chức lại bộ máy, điều người dân cần là sự thay đổi trong cách phục vụ: trách nhiệm, gần gũi và hiệu quả hơn. Hành chính hiện đại không chỉ dựa vào công nghệ mà còn ở thái độ tận tâm và cầu thị. Khi chính quyền thật sự gần dân, từng thủ tục nhỏ đều mang lại sự yên tâm và mỗi người dân đều được lắng nghe. Đó là quyền lợi chính đáng của người dân từ một bộ máy hành chính minh bạch và phục vụ thực chất.