Doanh nghiệp mong đợi mức thuế đối ứng cụ thể với Mỹ
Nhiều doanh nghiệp cho biết cần phải so sánh mức thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng với các nước, qua đó mới có thể tính toán phương án phản ứng phù hợp.
Sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Mỹ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã bày tỏ “sự phấn khởi”, cho rằng mức thuế 20% với hàng hóa Việt Nam là nỗ lực lớn của Chính phủ. Chờ đợi mức thuế cụ thể cho từng ngành hàng, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, cần phải so sánh mức thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng với các nước, mới có thể tính toán phương án phản ứng phù hợp.
Hiệp hội Công nghiệp điện tử bày tỏ niềm vui trước kết quả ban đầu đàm phán, đặc biệt là cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Hoa Kỳ vào tối qua. Mức thuế đối ứng 20% đã là kết quả rất lớn của Đảng, Chính phủ, Đoàn đàm phán. Về tác động cụ thể, doanh nghiệp cho rằng, cần thêm thông tin cụ thể về mức thuế cho từng ngành hàng cũng như mức thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng cho từng nước.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, cho biết: "Chính sách thuế quan này có khả năng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu điện tử của Việt Nam, với nguy cơ có thể dẫn đến sự sụt giảm nhẹ. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn quá sớm để đưa ra dự báo chính xác. Chúng ta cần tiếp tục theo dõi các thông tin cụ thể về chính sách thuế từ phía Hoa Kỳ, đặc biệt đối với những quốc gia có khả năng cạnh tranh cao trong lĩnh vực xuất khẩu điện tử, như Ấn Độ, Indonesia hay Mexico – các thị trường có quy mô gia công và sản xuất tương đương với Việt Nam".
Theo đánh giá của Maybank Research, mức thuế 20% là đáng kể, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các ngành có tỷ lệ nội địa hóa cao. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của ngành nông nghiệp là 65%, điện tử là 50%, dệt may là 45%. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuẩn bị bằng cách đàm phán lại với đối tác Hoa Kỳ, chia sẻ chi phí, điều chỉnh giá bán, thậm chí chuyển hướng thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào Mỹ.
TS Nguyễn Quốc Việt, Chuyên gia chính sách công, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: "Bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, khó tính hơn, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến việc cân bằng giữa xuất khẩu và thị trường trong nước. Nhiều báo cáo kinh tế quốc tế đã chỉ ra rằng, khi kinh tế toàn cầu suy giảm hoặc biến động, các quốc gia châu Á cần có chiến lược nhìn lại và khai thác tốt hơn tiềm năng của thị trường nội địa".
Ở góc độ thu hút đầu tư, mức chênh lệch thuế so với các nước cạnh tranh trong khu vực chỉ còn 5–10%. Với Trung Quốc, mức chênh lệch tạm thời giãn ra tới 35%, giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.