Điều gì xảy ra nếu ông Trump sa thải Chủ tịch Fed?
Nếu Tổng thống Donald Trump sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell, đây sẽ là một kịch bản chưa từng có trong lịch sử hiện đại nước Mỹ.

Việc Tổng thống Donald Trump có khả năng sa thải Chủ tịch Fed đủ sức gây rúng động phố Wall và làm lung lay nguyên tắc độc lập của ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.
Ông Trump úp mở khả năng sa thải
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/7 cho biết ông không có kế hoạch sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, dù chỉ một ngày trước đó, ông từng úp mở khả năng này trong cuộc họp kín với các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa.
Phát biểu tại Phòng Bầu Dục, ông Trump cho biết ông “không bao giờ loại trừ bất cứ điều gì”, nhưng khẳng định việc cách chức Chủ tịch Fed là điều “rất khó xảy ra”. Dù vậy, ông cũng kèm theo một cảnh báo: “Trừ khi ông ấy phải rời đi vì tội gian lận.”
Theo hãng tin CNN, trong cuộc họp riêng hôm 15/7, Tổng thống Trump đã thẳng thắn hỏi các nghị sĩ liệu ông có nên sa thải ông Powell. Một số nguồn tin cho biết ông Trump thậm chí còn chỉ vào một tài liệu được cho là thư sa thải. Ông bày tỏ không hài lòng với kế hoạch cải tạo trụ sở Fed trị giá 2,5 tỷ USD và coi đây như một cái cớ để xem xét thay thế ông Powell.
“Tôi nghĩ ông ấy thật tệ… Nhưng tôi không nghĩ ông ấy cần một cung điện để làm việc”, ông Trump nói, ám chỉ ông Powell đang phung phí tiền thuế của dân. Khi được hỏi liệu đây có thể là lý do chính đáng để sa thải hay không, ông Trump trả lời: “Tôi nghĩ là có thể.”
Ông Trump còn ví von rằng nói chuyện với ông Powell chẳng khác gì “nói chuyện với một chiếc ghế”, cho thấy sự thất vọng sâu sắc của ông với Chủ tịch Fed - người nhiều lần từ chối yêu cầu của ông Trump về việc hạ lãi suất nhanh chóng.
Một người tham dự cuộc họp cho biết Tổng thống Trump tỏ ra thoải mái, thậm chí khá hào hứng khi nhiều nghị sĩ bày tỏ sự ủng hộ. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, trong cuộc họp báo tại phòng Bầu Dục, ông Trump bất ngờ phủ nhận việc có ý định sa thải, nói rằng các thông tin lan truyền “không đúng sự thật”.

Một quan chức Nhà Trắng khác lưu ý rằng: "Hiện tại, Tổng thống Trump chỉ đang cân nhắc ý tưởng đó thôi". Tuy nhiên, những lời lẽ úp mở về khả năng sa thải Chủ tịch Fed ngay lập tức làm dấy lên lo ngại trong giới chính trị và thị trường.
Thượng nghị sĩ John Kennedy cảnh báo rằng việc sa thải ông Powell có thể khiến thị trường chứng khoán và trái phiếu sụp đổ. Ông Kennedy cũng lưu ý rằng nếu Fed bị ép cắt giảm lãi suất một cách không hợp lý, lãi suất dài hạn có thể tăng vọt, làm đội chi phí vay nợ quốc gia.
Thượng nghị sĩ Thom Tillis gọi ý tưởng này là “một sai lầm to lớn”, cho rằng nó có thể gây “chấn động toàn cầu” và làm suy yếu niềm tin vào tính độc lập của Fed. “Chúng ta sẽ chứng kiến những hệ lụy dây chuyền mà không ai mong muốn”, ông nói.
Ngay sau khi xuất hiện thông tin Tổng thống Trump đang xem xét sa thải ông Powell, chỉ số đô la Mỹ đã giảm 0,8% vào sáng 16/7. Tuy nhiên, sau phát biểu của ông Trump tại Phòng Bầu Dục, mức giảm đã thu hẹp còn 0,3% vào giữa trưa.

Giới phân tích cảnh báo nếu Tổng thống Trump thực sự cách chức ông Powell, thì hậu quả có thể rất nghiêm trọng, không chỉ với đồng USD mà còn với thị trường trái phiếu và niềm tin toàn cầu vào sự ổn định của nước Mỹ.
Theo các nguồn tin, nhiều cố vấn của ông Trump đang âm thầm tìm cách tăng sức ép lên ông Powell. Gần đây, Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) Russell Vought đã công khai cáo buộc ông Powell vi phạm luật và nói dối Quốc hội về kế hoạch cải tạo trụ sở.
Ngay sau đó, ông Trump đã sa thải ba thành viên của Ủy ban Quy hoạch Thủ đô Quốc gia - cơ quan có vai trò giám sát dự án của Fed, và thay thế bằng ba nhân vật thân cận trong Nhà Trắng.
Cựu cố vấn thương mại Peter Navarro cũng công bố bài xã luận gọi ông Jerome Powell là “một trong những Chủ tịch Fed tệ nhất trong lịch sử”, trong khi Giám đốc Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang Bill Pulte thì kêu gọi Quốc hội điều tra ông Powell.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Trump sa thải Chủ tịch Fed?
Tổng thống Donald Trump từ lâu đã nổi tiếng là người khó đoán và thường có xu hướng thay đổi quan điểm đột ngột. Ông cũng có tiền lệ sa thải các quan chức cấp cao ngay sau khi họ khẳng định nhận được sự ủng hộ đầy đủ từ ông. Vì vậy, dù Tổng thống Trump ngày 16/7 tuyên bố không có kế hoạch sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, song khả năng này vẫn khiến giới tài chính và pháp lý đặc biệt lo ngại. Một nghiên cứu mới từ Wolfe Research đã đưa ra ba kịch bản có thể xảy ra nếu Tổng thống Trump thực sự hành động để loại bỏ người đứng đầu Fed - động thái chưa từng có trong lịch sử hiện đại nước Mỹ.

Ở kịch bản đầu tiên, ông Powell tiếp tục giữ chức Chủ tịch Fed, trong khi ông Trump tìm kiếm một lệnh tư pháp để chính thức loại bỏ ông. Điều này đồng nghĩa rằng vụ việc sẽ bước vào quá trình xét xử tại tòa án, có thể kéo dài nhiều tháng.
Trường hợp thứ hai, ông Powell có thể chủ động từ chức, nhưng đồng thời đệ đơn kiện để yêu cầu được phục chức. Trong tình huống này, cuộc chiến pháp lý sẽ xoay quanh tính hợp pháp của quyết định sa thải và tính độc lập của Fed.
Kịch bản thứ ba được đánh giá là nghiêm trọng và kịch tính nhất. Nếu ông Powell kiên quyết không rút lui, Tổng thống có thể dùng các biện pháp hành pháp nhằm cưỡng chế ông rời khỏi vị trí. Wolfe Research cảnh báo rằng, nếu điều này xảy ra, việc cảnh sát hoặc lực lượng liên bang can thiệp để áp giải Chủ tịch Fed sẽ tạo nên một “hình ảnh cực kỳ đáng lo ngại đối với thị trường tài chính”.
Các nhà phân tích cũng nhắc lại một trường hợp tương tự đã xảy ra vào tháng 3, khi cảnh sát Washington D.C. được điều động tới Viện Hòa bình Mỹ để hộ tống nhân viên rời trụ sở, sau khi họ bị Bộ Hiệu quả Chính phủ cáo buộc xâm nhập trái phép. Viễn cảnh tương tự tại Fed sẽ đặt ra tiền lệ nguy hiểm cho sự độc lập thể chế.
Nếu có kiện tụng xảy ra, nhiều khả năng vụ việc sẽ được đưa lên Tòa án Tối cao - cơ quan tư pháp tối cao của Mỹ. Wolfe Research lưu ý rằng trong một phán quyết gần đây (dù không liên quan trực tiếp đến Fed), đa số thẩm phán Tòa án Tối cao đã thể hiện quan điểm rằng Cục Dự trữ Liên bang là một thực thể đặc biệt, khác với các cơ quan liên bang thông thường khi xét đến tiêu chuẩn sa thải vì “lý do chính đáng”.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, Chủ tịch Fed chỉ có thể bị cách chức nếu có "lý do chính đáng" - một khái niệm pháp lý thường được hiểu là bao gồm hành vi sai phạm, vi phạm pháp luật, hoặc năng lực yếu kém rõ rệt, chứ không đơn thuần là vì bất đồng chính sách với tổng thống.
Tòa án cũng nhấn mạnh rằng Fed là một “thực thể bán tư nhân có cấu trúc độc đáo”, mang tính kế thừa từ Ngân hàng Quốc gia thứ nhất và thứ hai trong lịch sử nước Mỹ. Điều này cho thấy, việc cách chức Chủ tịch Fed có thể không đơn thuần là hành vi hành pháp do tổng thống toàn quyền quyết định.
Dù vậy, Wolfe Research nhận định khả năng ông Powell giành phần thắng tại tòa là “có, nhưng không chắc chắn”. Vấn đề pháp lý then chốt nằm ở hai câu hỏi: Tòa án Tối cao có bảo vệ yêu cầu “lý do chính đáng” để cách chức Chủ tịch Fed hay không? Và nếu có, liệu Tòa án có bác bỏ cách hiểu của tổng thống về thế nào là “lý do chính đáng” hay không?
Một kịch bản thực tế khác được Wolfe Research đưa ra là việc tòa cấp dưới có thể ban hành lệnh cấm tạm thời, ngăn Tổng thống Trump thực hiện quyết định sa thải trong khi vụ kiện vẫn đang được xét xử. “Điều đó có thể đủ để ông ấy hoàn thành nhiệm kỳ Chủ tịch của mình”, bản ghi chú nêu rõ.
Dù ông Trump hiện chưa thực hiện bất kỳ bước đi cụ thể nào, song việc đặt ra khả năng sa thải Chủ tịch Fed đã đủ khiến giới phân tích cảnh báo về rủi ro thể chế.
Ông Roger Altman, nhà sáng lập Evercore và cựu Thứ trưởng Tài chính dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, đánh giá việc tổng thống sa thải Chủ tịch Fed là “một trong những ý tưởng tồi tệ nhất”. Ông cảnh báo rằng sự độc lập của Fed là yếu tố sống còn trong điều hành kinh tế, và nếu phá vỡ tiền lệ này, Mỹ sẽ không khác gì các quốc gia có ngân hàng trung ương bị chính trị chi phối như Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina - nơi lạm phát hai con số đã trở nên phổ biến.
Ông Altman cho rằng ông Powell sẽ không dễ dàng từ chức, và “vấn đề này cuối cùng sẽ được giải quyết tại tòa”.