Chật vật với lương tối thiểu

Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 7,2% từ năm 2026, giúp cải thiện phần nào đời sống người lao động trong bối cảnh giá cả tăng cao.

Hội đồng tiền lương Quốc gia vừa thống nhất phương án điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng thêm 7,2%, tương đương mức tăng từ 250.000 đến 350.000 đồng từ năm 2026. Lương tối thiểu tăng, cuộc sống người lao động cũng được cải thiện ít nhiều trong bối cảnh vật giá leo thang. Hơn hết, người lao động mong muốn một chính sách tiền lương hợp lý, đảm bảo cho cuộc sống ổn định và có tích lũy.

Bữa cơm của anh La Văn Tiền tại xã Dương Quỳ, tỉnh Lào Cai trước giờ đi làm ca tối thường chỉ có bát phở ăn liền và chút thức ăn mặn từ bữa sáng. Thu nhập của vợ chồng anh được 16 triệu đồng/tháng. Trong đó, một nửa dành cho ăn uống sinh hoạt ở Hà Nội, nửa còn lại gửi về quê lo cho hai con ăn học. 

Gần 10 năm làm công nhân, anh chị chẳng đề ra được là bao. Theo anh Tiền, đề xuất tăng lương tối thiểu 350.000 đồng/tháng đối với vùng I cũng thêm thắt một khoản nhỏ trong chi tiêu. Anh Tiền chia sẻ: "Chi tiêu phải tiết kiệm, kham khổ lắm. Tiền phòng trọ, điện nước mỗi tháng đã mất hơn 2 triệu đồng. Tiền ăn tháng trung bình hết 5-6 triệu đồng. Người ở xa về làm mà được tăng lương tối thiểu vùng thì sẽ thêm được một chút thu nhập, cải thiện cho gia đình".

Hơn 10 năm đi làm, mức lương của chị Nguyễn Thị Huyền - công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long nhận được là 5,3 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả làm thêm, thu nhập của chị dao động từ 7-8 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, với người độc thân như chị Huyền thì mức lương này cũng chẳng mấy dư giả.

Chị Nguyễn Thị Huyền cho hay: "Có những khoản phát sinh bên ngoài, nhiều khi mình ốm đau thì khoản phát sinh rất tốn kém. Thu nhập từ 7-8 triệu đồng phải chi tiêu rất cố gắng thì mới đảm bảo được nhu cầu tối thiểu, chứ chưa phải mức thu nhập đảm bảo cuộc sống. Thực ra, mới nghe dự thảo tăng lương thôi thì mọi thứ đều tăng theo hết cả rồi, việc tăng lương sẽ không có nhiều ý nghĩa".

Mới đây, Hội đồng tiền lương quốc gia đề xuất tăng 7,2% lương tối thiểu vùng, từ năm 2026. Với mức tăng cao nhất là 350.000 đồng, lương tối thiểu vùng I hơn 5,3 triệu đồng/tháng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người lao động, đặc biệt là ở các đô thị lớn. 

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: "Mức đề xuất này sẽ cải thiện một phần đời sống người lao động vì trên thực tế, bản thân các doanh nghiệp đã có mức lương cao hơn mức lương tối thiểu. Đây là mức tham khảo dành cho các đối tượng người lao động thuộc nhóm mức lương tối thiểu và nhóm khác cũng tham khảo để xây dựng mức lương".

Từ việc tăng lương tối thiểu lần này cũng tiếp tục đặt ra kỳ vọng lớn hơn về câu chuyện: khi nào sẽ tiến tới mức "lương đủ sống"? Chuyên gia về lao động, tiền lương - ông Lê Đình Quảng nhận định: "Tiến tới là mức lương đủ sống. Đây là mức sàn mà một số ngành quy định. Khi người lao động bước vào đấy thì họ ít nhất phải trả mức lương cuộc sống, người ta sống một cách đàng hoàng hơn, để đảm bảo cái làm việc theo giờ tiêu chuẩn".

Mức lương tối thiểu thấp khiến người lao động phải tăng ca, làm thêm giờ. Tiền lương không đủ sống không chỉ ảnh hưởng đến người lao động mà còn ảnh hưởng đến con cái họ, các thế hệ tiếp nối.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời