Tin tức

Các nước chạy đua đạt thỏa thuận thuế với Mỹ

Châu Anh

Chính phủ nhiều nước trên thế giới đang tăng tốc đàm phán với Mỹ nhằm tránh phải chịu các mức thuế đối ứng cao dự kiến có hiệu lực vào ngày 9/7 tới.

Động thái chạy đua diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các quan chức trong chính quyền của ông cảnh báo sẽ vẫn áp thuế như đã công bố nếu các quốc gia phản đối mạnh mẽ mức thuế quan mà Mỹ đưa ra.

Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump không có ý định gia hạn thời hạn ngày 9/7 và sẽ định mức thuế cụ thể cho từng quốc gia nếu họ không đàm phán thiện chí.

Bà Karoline Leavitt, Thư ký báo chí Nhà Trắng, cho biết: “Tổng thống đã nói rõ rằng, ông ấy không nghĩ rằng bất kỳ sự gia hạn nào vào ngày 9/7 là cần thiết. Ông ấy sẽ đặt ra mức giá cho nhiều quốc gia nếu họ không ngồi vào bàn đàm phán một cách thiện chí. Và ông ấy sẽ họp với nhóm thương mại của mình trong tuần này để thực hiện điều đó.”

Thuế đối ứng từng có hiệu lực trong vòng 13 tiếng vào ngày 9/4, trước khi Tổng thống Trump quyết định tạm hoãn tới ngày 9/7 để đàm phán thêm. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Anh hoàn tất thỏa thuận khung với Mỹ.

Ông Trump nhấn mạnh rằng Washington không thể đàm phán với hơn 200 quốc gia, nên không cần gặp mặt trực tiếp mà chỉ cần gửi thư thông báo về mức thuế, qua đó hoàn tất thỏa thuận thương mại. Cũng theo ông Trump, Mỹ có thể áp thuế đối ứng lên đến 50% tùy vào mức độ mất cân bằng thương mại, nhưng cũng có thể chỉ áp thuế ở mức cơ bản là 10%.

Trước nguy cơ phải chịu mức thuế cao hơn, Ấn Độ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu, cùng nhiều nước khác đang cố gắng đàm phán các điều khoản miễn trừ. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump tới nay vẫn chưa đưa ra tín hiệu rõ ràng về vấn đề này.

Nhật Bản, quốc gia được cho là sẽ đạt được thỏa thuận tiếp theo với Mỹ, hiện đang đối mặt với nhiều “nút thắt” trong quá trình đàm phán, liên quan tới thuế ô tô và nhập khẩu gạo Mỹ. Tổng thống Trump ngày 30/6 để ngỏ khả năng sẽ gửi thư cảnh báo rằng, nếu Tokyo không mua gạo của Mỹ, thì sẽ phải chịu mức thuế cao hơn ở những mặt hàng khác. Đáp lại, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản khẳng định rằng, Nhật Bản sẽ không hy sinh lĩnh vực nông nghiệp trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.

Ông Yoshimasa Hayashi, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, cho biết: “Trong các cuộc đàm phán thương mại trong tương lai với Mỹ, chúng tôi sẽ không làm bất cứ điều gì có thể hy sinh ngành nông nghiệp. Chúng tôi sẽ bảo vệ những gì cần được bảo vệ, và chính phủ sẽ làm hết sức mình để biến nó thành ưu tiên hàng đầu nhằm tối đa hóa lợi ích của đất nước chúng tôi.”

Hàn Quốc cũng đang thúc đẩy các cuộc đàm phán trong bối cảnh nước này có nhiều vấn đề tương tự như với Nhật Bản. Hiện tại, các cuộc đàm phán giữa hai bên đang tập trung vào thuế ô tô và mở rộng thị trường nông sản như gạo và thịt bò.

Liên minh Châu Âu (EU) cũng đang chạy nước rút để đạt được một thỏa thuận thương mại mới với Mỹ. Tuy nhiên, giữa những kỳ vọng về sự nhượng bộ lẫn nhau, Brussels vẫn phát đi một thông điệp cứng rắn khi cho biết vấn đề kỹ thuật số của Châu Âu không nằm trên bàn đàm phán.

Hãng Bloomberg đưa tin EU sẵn sàng tiến tới một thỏa thuận áp thuế cơ bản 10% đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ, nhưng đổi lại Washington phải giảm thuế với các lĩnh vực trọng yếu như dược phẩm, rượu, chất bán dẫn và máy bay thương mại.

Nếu không đạt được thỏa thuận trước thời hạn chót, mức thuế nhập khẩu mặc định đối với hàng hóa EU có thể tăng gấp đôi: từ 10% lên 20% hoặc cao hơn, thậm chí tới 50% như một số cảnh báo trước đây của Tổng thống Mỹ.

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời