CSGT vào quán tuyên truyền không lái xe sau uống rượu bia
Lực lượng CSGT Hà Nội không chỉ xử lý vi phạm trên đường mà còn chủ động vào tận các quán nhậu để tuyên truyền và phát tờ rơi "Đã uống rượu bia - không lái xe".
Dù đã có nhiều cảnh báo và xử phạt nghiêm, thực tế vẫn còn không ít người cho rằng “uống ít thì vẫn lái xe được”. Nhằm thay đổi nhận thức đó, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) tối 23/7 đã phối hợp với Công an phường Thanh Xuân tổ chức tuyên truyền và kiểm tra tại hàng loạt quán nhậu trên tuyến Vũ Trọng Phụng - Ngụy Như Kon Tum - Nguyễn Tuân - các khu vực vốn tập trung nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống có sử dụng rượu bia.
Không còi hú, không biên bản xử phạt, hình ảnh CSGT xuất hiện giữa các quán ăn, nhà hàng vào giờ cao điểm tối với bảng tuyên truyền và phát tờ rơi "Đã uống rượu bia - không lái xe" gây chú ý cho nhiều thực khách. Đây là cách tiếp cận sớm, chủ động nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm ngay trước khi người dân rời khỏi quán.
Anh Nguyễn Quang Dương (Quản lý nhà hàng, phường Thanh Xuân, TP Hà Nội) chia sẻ: "Chúng tôi được tuyên truyền về lái xe an toàn, dịch vụ có trông xe cho khách gửi, hỗ trợ phương tiện đi lại khi khách sử dụng rượu, bia".
Ngoài phát tờ rơi, lực lượng chức năng còn dán thông điệp ở các vị trí dễ nhìn trong quán như khu vực thu ngân, bảng menu, cửa ra vào. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân dù đã được nhắc nhở vẫn cố tình lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Điều này cho thấy quá trình thay đổi nhận thức là không thể một sớm một chiều, mà cần sự kiên trì từ nhiều phía.
Chiến dịch tuyên truyền bằng áp phích, tờ rơi cùng hỗ trợ gọi xe hộ, giữ xe an toàn bắt đầu từ phường Thanh Xuân đang được nhân rộng sang các địa phương khác như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm… Kế hoạch tuyên truyền kết hợp với xử phạt được xác định là “gốc” để thay đổi ý thức, từ đó giảm vụ tai nạn do lái xe khi sử dụng rượu bia. Không dừng lại ở các địa điểm nhậu, chiến dịch tuyên truyền được đưa vào nhà hàng, khu chung cư và các cửa ngõ giao thông, du lịch lớn, nhằm bao phủ tới toàn bộ tầng lớp người dân Hà Nội.
Trung tá Nguyễn Đức Sơn, Đội CSGT đường bộ số 7, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã trực tiếp làm việc với Công an phường, điều tra cơ bản tuyến, xác định lại những tuyến trọng điểm, tuyên truyền, các nhà hàng quán ăn ký cam kết phối hợp nhắc nhở, kể cả các ngõ nhỏ cũng tổ chức kiểm tra vi phạm".
Giảm vi phạm về nồng độ cồn bắt đầu từ thay đổi nhận thức. Những buổi tuyên truyền không biên bản, không xử phạt như thế này chính là cách tiếp cận mềm, nhưng hiệu quả và đầy nhân văn. Tuy nhiên, để thay đổi hành vi vẫn cần sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan chức năng, người kinh doanh và mỗi người dân để “đã uống rượu bia thì không lái xe” trở thành một thói quen văn hóa.