Những xã, phường đặc biệt ở Hà Nội

Sau sắp xếp: phường nào đông dân nhất, xã nào ít dân nhất? Câu chuyện không chỉ là những con số, mà còn phản ánh bước chuyển trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp ở Hà Nội.

Phường đông dân nhất Hà Nội

Chỉ sau một thời gian ngắn, ông Nguyễn Ngọc Quý, công dân phường Hà Đông đã được hướng dẫn và làm xong thủ tục công chứng giấy tờ. Ông Quý cảm thấy rất hài lòng với thái độ tiếp đón, phục vụ của cán bộ điểm phục vụ hành chính công phường Hà Đông.

Ông Quý chia sẻ: "Những buổi đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, tôi thấy rất đông người dân đến làm thủ tục. Nhưng tinh thần của các cán bộ rất nhiệt tình, khẩn trương và tôi rất hài lòng".

Không chỉ ông Quý, ngay từ sáng sớm, hàng trăm người dân đã đến trụ sở điểm phục vụ hành chính công phường Hà Đông để làm thủ tục hành chính khi phường mới đi vào vận hành.

Chỉ trong hai ngày đầu sau khi vận hành chính quyền hai cấp, phường Hà Đông đã tiếp nhận trên 400 thủ tục hành chính. Được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích và dân số của các phường: Vạn Phúc, Phúc La; phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Mộ Lao, Hà Cầu, Văn Quán, Quang Trung, La Khê (thuộc quận Hà Đông) và một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Đại Mỗ (thuộc quận Nam Từ Liêm), xã Tân Triều (thuộc huyện Thanh Trì), phường Hà Đông trở thành phường có số dân đông nhất thành phố. Từ cán bộ đến lãnh đạo phường Hà Đông đều quán triệt tinh thần lấy người dân làm trung tâm để phục vụ tốt nhất.

Với diện tích 9 km², phường Hà Đông đóng vai trò là đầu mối kết nối giữa trung tâm nội đô và các đô thị vệ tinh. Vị thế của phường Hà Đông không chỉ thể hiện ở năng lực thu hút đầu tư mà còn ở vai trò phát triển đô thị văn minh, hiện đại, trở thành điểm nhấn phát triển đô thị kiểu mẫu tại cửa ngõ phía Tây và Tây Nam của Thủ đô. Trong kỷ nguyên mới, với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính quyền sẽ từng bước đưa Hà Đông phát triển ngày càng hiện đại, văn minh và giàu đẹp.

Phường Cửa Nam: Nhỏ về diện tích, lớn về giá trị văn hóa

Phường Cửa Nam là một trong những phường trung tâm mới của Hà Nội, hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Phan Chu Trinh (thuộc quận Hoàn Kiếm); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Cửa Nam (thuộc quận Hoàn Kiếm); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Hàng Bông, Hàng Trống, Tràng Tiền (thuộc quận Hoàn Kiếm); Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du (thuộc quận Hai Bà Trưng).. 

Địa bàn phường giáp các các phường Hồng Hà, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Ba Đình, Hoàn Kiếm.

Trong 126 xã, phường đơn vị hành chính mới, phường Cửa Nam có diện tích nhỏ nhất, chỉ 1,65 km² và dân số hơn 65.000 người. 

Tuy có quy mô nhỏ nhất nhưng phường Cửa Nam là một trong những phường giữ vị trí trung tâm chính trị - hành chính - văn hóa và lịch sử quan trọng bậc nhất Thủ đô Hà Nội, là nơi kết tinh những giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội. Đây từng là trung tâm cách mạng sôi nổi với nhiều “địa chỉ đỏ”. Không gian đô thị Cửa Nam giàu bản sắc với chùa Quán Sứ, nhà thờ Hàm Long và dãy biệt thự Pháp cổ - những di tích vừa mang giá trị nghệ thuật, vừa là tiềm năng lớn cho phát triển văn hóa, du lịch.

Đặc biệt, mảnh đất phía Nam Thủ đô tuy nhỏ nhưng quy tụ rất nhiều trường học công lập chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia như Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Trường THCS Trưng Vương, Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, Trường THPT Việt Đức…

Việc lựa chọn tên Cửa Nam vừa bảo đảm tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa; vừa bảo đảm phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Cửa Nam là vùng đất hội tụ di sản và chiều sâu văn hóa, nhưng cũng là nơi phát triển năng động, sáng tạo. Phường sẽ tập trung vào ba mũi nhọn là bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch; chuyển đổi số toàn diện trong quản lý đô thị và cải cách hành chính; đồng thời phát triển công nghiệp văn hóa, thương mại, dịch vụ chất lượng cao để nâng cao đời sống người dân.

Xã đảo duy nhất của Thủ đô

Cách trung tâm thành phố 60km, xã Minh Châu nằm lọt giữa sông Hồng, nơi hội tụ của ba dòng sông là sông Ðà, sông Lô và sông Hồng. Sau sắp xếp, Minh Châu mở rộng thêm địa giới hành chính khi tiếp nhận thêm phần đất bãi của thị trấn Tây Đằng và Chu Minh. Còn dân số vẫn giữ nguyên với khoảng 6.700 nhân khẩu - Minh Châu hiện là xã có dân số ít nhất của Thủ đô.

Trước đây, để làm một thủ tục hành chính, bà con phải vượt sông sang trung tâm huyện, mất nhiều thời gian và chi phí. Nay, ngay tại xã, người dân có thể giải quyết giấy tờ mà không cần rời đảo.

Xã Minh Châu - xã đảo duy nhất của Thủ đô đã bắt đầu một chương mới đầy hứa hẹn. Đây không chỉ là bước tiến về quản lý nhà nước mà còn mở ra hành lang pháp lý và cơ chế thuận lợi, khai thác tối đa những lợi thế sẵn có của địa phương.

Việc đổi mới không chỉ là cải cách hành chính mà còn là sự cụ thể hóa chủ trương hướng về cơ sở, đặt lợi ích và sự thuận tiện của người dân lên hàng đầu, biến Minh Châu thành một "hòn đảo xanh" không chỉ về cảnh quan mà còn về chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của người dân.

Từ một vùng đất còn nhiều khó khăn, Minh Châu đang kỳ vọng sẽ trở thành một điểm sáng về nông nghiệp sạch, du lịch sinh thái và phát triển cộng đồng bền vững. “Hòn đảo xanh” này được dự báo sẽ có một hành trình phát triển vượt bậc, kiến tạo một tương lai tươi sáng hơn cho cư dân và góp phần vào sự thịnh vượng chung của Thủ đô.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời