Xã Ba Vì: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Ba Vì được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Ba Vì, Khánh Thượng (huyện Ba Vì); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Minh Quang (huyện Ba Vì).

Lý do lấy tên xã mới là Ba Vì bởi đây là vùng đất thiêng phía Tây của Hà Nội. Ba Vì không chỉ được biết đến với cảnh quan núi non hùng vĩ với dãy núi đẹp hoang sơ, khí hậu mát mẻ, cùng ba đỉnh núi chính (đỉnh Vua, đỉnh Tản Viên, và đỉnh Ngọc Hoa) mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa - tâm linh đặc biệt, nơi thờ vị thần đứng đầu Tứ bất tử.

Theo đó, việc chọn tên gọi là Ba Vì có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa và đã được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ; đồng thời, khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp).

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Ba Vì

 

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Ba Vì

Xã Ba Vì giáp các xã Bất Bạt, Suối Hai, Yên Bài của thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ. Xã có diện tích tự nhiên là 81,27 km2; quy mô dân số là 26.651 người.

  • Xã Ba Vì (Huyện Ba Vì): Diện tích: 25,72 km²; Quy mô dân số: 2.496 người
  • Xã Khánh Thượng (Huyện Ba Vì): Diện tích: 27,68 km²; Quy mô dân số: 9.157 người
  • Xã Minh Quang (Huyện Ba Vì): Diện tích: 27,87 km²; Quy mô dân số: 14.998 người

 

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Ba Vì

Xã Ba Vì nằm ở vùng rìa phía Tây Bắc Hà Nội, là địa bàn tiếp giáp trực tiếp với ranh giới tỉnh Hòa Bình, tiếp cận khu vực rừng núi Ba Vì - nơi được xem là “lá phổi xanh” của Thủ đô. Là xã có diện tích rộng nhất Hà Nội, phần lớn diện tích là đồi núi nằm trong vùng đệm và vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Vì, đóng vai trò bảo vệ hệ sinh thái rừng đầu nguồn, điều hòa khí hậu, giữ nguồn nước cho toàn khu vực Ba Vì cũ và khu vực phía Tây Hà Nội.

Xã Ba Vì có vị trí quan trọng trong kết nối giữa Hà Nội, Phú Thọ và vùng Tây Bắc mở rộng, thông qua các tuyến giao thông trọng yếu như đường Hồ Chí Minh và các tuyến đường liên tỉnh nối Phú Thọ với Hà Nội, đặc biệt là tuyến qua Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Xã Ba Vì là cửa ngõ giao thương nông sản và du lịch miền núi, là trung tâm trung chuyển sản phẩm sạch vào thị trường Hà Nội. Với tài nguyên rừng phong phú, khí hậu ôn hòa, đây là nơi lý tưởng để quy hoạch các khu du lịch nghỉ dưỡng, homestay cộng đồng, phát triển dược liệu sạch, nông nghiệp hữu cơ, góp phần chuyển đổi mô hình kinh tế nông thôn miền núi.

 

Đặc điểm kinh tế xã Ba Vì

Xã có địa bàn rộng, đời sống của nhân dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, xã thế mạnh phát triển trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm đặc sản miền núi như chuối, bưởi, rau sạch, cùng các loại dược liệu như ngải cứu, xạ đen, chè vằng được trồng và chế biến thành các sản phẩm OCOP được phát triển mạnh, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái.

Du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng cũng được chú trọng, tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên, khí hậu mát mẻ và bản sắc văn hóa đa dạng của các đồng bào dân tộc thiểu số như Mường, Dao để thu hút khách du lịch. Kết hợp với nghề làm thuốc nam truyền thống của người Dao, xã phát triển mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe, sử dụng thảo dược tự nhiên trong các liệu pháp tắm thuốc, xông hơi, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Xã tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông và hệ thống điện, viễn thông để hỗ trợ phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm.

 

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Ba Vì

Nơi đây là vùng đất sinh sống của các đồng bào Mường, Dao, Tày,… với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như lễ cấp sắc, lễ hội xuống đồng, lễ hội cồng chiêng, Tết nhảy, hát dân ca mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần và văn hóa cộng đồng. Đặc biệt, xã đã thành lập nhiều câu lạc bộ cồng chiêng, thu hút đông đảo hội viên tham gia, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường.

Xã sở hữu nhiều di tích lịch sử và lễ hội truyền thống đặc sắc, thể hiện sâu sắc giá trị văn hóa tâm linh và truyền thống của vùng đất này. Trong đó, cụm di tích đền Thượng, đền Trung và đền Hạ  nằm trên núi Ba Vì là các di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, quần thể thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn - vị thần quan trọng trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương đến chiêm bái. Ngoài ra, đền Lác  cũng là di tích lịch sử cấp Quốc gia với kiến trúc cổ kính và là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống của cộng đồng dân cư. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức hàng năm vào tháng Giêng với các nghi thức rước nước từ sông Đà về làm lễ mộc dục tại đền Hạ, cùng các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian như bóng chuyền, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo,… góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo nên điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Đặc biệt, trên địa bàn xã có khu di tích lịch sử K9  (Đá Chông) được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt gắn liền với hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hệ thống giáo dục tại xã Ba Vì được quan tâm đầu tư, với nhiều trường học từ mầm non đến trung học cơ sở như: Trường Mầm non Minh Quang, Trường Mầm non Khánh Thượng, Trường Mầm non Ba vì, các trường tiểu học và trung học cơ sở ở khu vực Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì đảm bảo nhu cầu học tập của con em địa phương. Chất lượng giáo dục ngày càng được được nâng cao; việc đào tạo đội ngũ giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất và áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại được chú trọng.

Xã có hệ thống cơ sở y tế cơ bản tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng hiệu quả nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Trạm y tế Ba Vì thực hiện đầy đủ các chức năng như khám chữa bệnh thông thường, tiêm chủng mở rộng, tư vấn sức khỏe sinh sản và phòng chống dịch bệnh.

Đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo bài bản, luôn tận tâm trong việc phục vụ cộng đồng. Trạm y tế Khánh Thượng đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, đồng thời thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh và tham gia tích cực vào các chương trình y tế học đường. Trong khi đó, trạm y tế Minh Quang được đầu tư cơ sở vật chất kiên cố, trang thiết bị đầy đủ và hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu chuyên môn. Trạm đã chủ động tổ chức các đợt khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, thể hiện rõ vai trò an sinh xã hội của y tế cơ sở.

  • Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Ba Vì: Thôn Lặt, xã Ba Vì
  •  Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ba Vì: đồng chí Lê Văn Quân
  •  Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ba Vì: đồng chí Nguyễn Giáp Đông
  •  Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Ba Vì: đồng chí Đỗ Văn Minh.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời