Xã Bất Bạt: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Bất Bạt được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Tòng Bạt, Sơn Đà, Thuần Mỹ (huyện Ba Vì); phần lớn diện tích và dân số của xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì); một phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Minh Quang (huyện Ba Vì).

Lý do lấy tên xã mới là Bất Bạt do huyện Ba Vì ngày nay được thành lập vào năm 1968, gồm 3 huyện cũ: Bất Bạt, Tùng Thiện, Quảng Oai. Phần lớn huyện Tùng Thiện về sau được cắt về thị xã Sơn Tây, nên huyện Ba Vì chỉ còn lại các xã thuộc huyện Quảng Oai (vốn là huyện Tiên Phong cũ) và một số xã của huyện Bất Bạt (nhiều xã của huyện này đã cắt sang tỉnh Phú Thọ từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX).

Các xã: Tòng Bạt, Thuần Mỹ, Sơn Đà, Cẩm Lĩnh đều được hình thành sau năm 1945, gồm nhiều làng xã cổ, thuộc tổng Khê Thượng của huyện Bất Bạt, trong đó, làng/xã Khê Thượng là “đầu tổng”, cũng là nơi đóng lỵ sở của huyện Bất Bạt. Khê Thượng còn là quê của Danh nhân Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.

Đài PTTH Hà Nội

Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Bất Bạt.

 

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Bất Bạt

Xã Bất Bạt giáp các xã: Quảng Oai, Suối Hai, Ba Vì, Vật Lại của thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ. Xã có diện tích tự nhiên là 56,43 km2; quy mô dân số là 40.066 người.

  • Xã Cẩm Lĩnh (Huyện Ba Vì): Diện tích 23,18 km², Quy mô dân số: 12.086 người.
  • Xã Tòng Bạt (Huyện Ba Vì): Diện tích 8,24 km², Quy mô dân số: 10.918 người.
  • Xã Minh Quang (Huyện Ba Vì): Diện tích 0,54 km², Quy mô dân số: 15 người.
  • Xã Sơn Đà (Huyện Ba Vì): Diện tích 12,19 km², Quy mô dân số: 9.695 người.
  • Xã Thuần Mỹ (Huyện Ba Vì): Diện tích 56,43 km², Quy mô dân số: 40.066 người.

 

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Bất Bạt

Xã Bất Bạt nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, gần quốc lộ 32 và các tuyến đường kết nối với tỉnh Phú Thọ. Với vị trí giáp ranh giữa khu vực trung du, miền núi phía Tây và vùng đồng bằng Bắc Bộ, xã có vai trò là điểm kết nối liên vùng. Đây cũng là khu vực chuyển tiếp giữa các xã thuần nông truyền thống và các địa bàn phát triển kinh tế - xã hội năng động hơn của Hà Nội, tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm.

Xã Bất Bạt có địa hình rộng, trải dài theo hướng Đông - Tây, có khả năng kết nối liên vùng, đặc biệt qua các tuyến đường như tỉnh lộ 87A, tỉnh lộ 414 và các nhánh giao thông liên xã đang được mở rộng. Đây là điểm thuận lợi để hình thành các cụm công nghiệp nông thôn, các trung tâm chế biến nông sản và phát triển hệ sinh thái làng nghề.

Với diện tích tự nhiên lớn, dân số đông, nguồn lao động dồi dào và bản sắc văn hóa đa dạng, xã Bất Bạt giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của vùng trung du Bắc Bộ. 

Là vùng đất lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, có nhiều đình, chùa cổ, lễ hội dân gian và làng nghề lâu đời, xã Bất Bạt trở thành điểm giao thoa của các giá trị văn hóa vùng trung du; người dân nơi đây có đời sống cộng đồng gắn bó, gìn giữ phong tục tập quán truyền thống như lễ hội đình làng, hát chèo, các nghi lễ nông nghiệp,...

 

Đặc điểm kinh tế xã Bất Bạt

Xã có diện tích đất nông nghiệp lớn, phù hợp để phát triển các mô hình sản xuất như trồng lúa, cây ăn quả (cam, bưởi, chuối) và rau màu ngắn ngày. Nhiều vùng canh tác đã bước đầu áp dụng kỹ thuật tưới tiêu tiết kiệm, sản xuất hữu cơ và luân canh mùa vụ giúp nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.

Một số nghề truyền thống có từ lâu đời vẫn được duy trì và phát triển tại xã, nổi bật nhất là nghề mộc dân dụng ở Tòng Bạt, nghề làm hương và đan lát ở Sơn Đà. Đây là những ngành nghề tạo ra việc làm tại chỗ, phù hợp với lao động nông thôn và góp phần bảo tồn giá trị văn hóa bản địa. Một số hộ dân đã từng bước chuyển sang sản xuất theo hướng bán hàng trên không gian mạng và kết nối với thị trường ngoài xã.

Với cảnh quan thiên nhiên xanh mát, gần khu du lịch Suối Hai và đền Bác Hồ (K9), xã Bất Bạt có điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm nông nghiệp và văn hóa làng nghề.

Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của xã, với thế mạnh về trồng trọt và chăn nuôi. Các vùng Minh Quang, Sơn Đà có truyền thống sản xuất nông nghiệp với diện tích đất canh tác rộng, thích hợp trồng cây lương thực, cây ăn quả như bưởi, chuối, và rau màu. Khu vực Thuần Mỹ được thiên nhiên ưu đãi có nguồn nước nóng ở khu vực thôn 5 (Bảng Trung) được phát hiện từ năm 1999. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh.

Với lợi thế địa lý gần tuyến quốc lộ 32 và tỉnh lộ 414, xã Bất Bạt còn có tiềm năng phát triển dịch vụ vận tải, logistic và dịch vụ du lịch sinh thái, đặc biệt ở các vùng có cảnh quan tự nhiên đẹp như Minh Quang và Cẩm Lĩnh.

Tiểu thủ công nghiệp và các làng nghề truyền thống cũng góp phần vào cơ cấu kinh tế địa phương. Một số hộ dân duy trì nghề mộc, xây dựng dân dụng và các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống chợ dân sinh và các điểm buôn bán nhỏ lẻ phân bố ở trung tâm các cụm dân cư là kênh tiêu thụ nông sản và hàng hóa thiết yếu, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nội vùng.

 

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Bất Bạt

Trên địa bàn xã có nhiều đình, đền, chùa, miếu cổ kính như đình Tòng Bạt, đình Sơn Đà, đình Thuần Mỹ, là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống hàng năm. Những lễ hội này thường gắn liền với tín ngưỡng nông nghiệp, thờ Thành hoàng làng, và tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, cờ người, hát chèo, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bất Bạt là một địa bàn có cơ cấu dân cư đa dạng, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số. Bên cạnh đó, xã còn có một số dân tộc thiểu số sinh sống như dân tộc Mường và dân tộc Dao, chủ yếu tập trung tại các thôn, xóm vùng ven núi, đặc biệt là ở khu vực Cẩm Lĩnh và Sơn Đà. Các dân tộc thiểu số tại đây bảo tồn được một phần phong tục tập quán truyền thống như: nghi lễ trong cưới hỏi, ma chay, lễ hội mùa vụ, tiếng nói, trang phục truyền thống và ẩm thực,... Đời sống cộng đồng giữa các dân tộc trên địa bàn diễn ra hòa thuận, gắn bó, cùng nhau xây dựng nông thôn mới và bảo tồn nét văn hóa đa dạng của vùng trung du.

Cơ sở y tế: Trạm y tế xã phân bố ở địa bàn các khu vực Cẩm Lĩnh, Tòng Bạt, Sơn Đà, Thuần Mỹ. Trạm y tế xã là tuyến y tế ban đầu, thường xuyên triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh thông thường, tiêm chủng mở rộng, tư vấn sức khỏe sinh sản và phòng chống dịch bệnh, cấp cứu ban đầu và chăm sóc người cao tuổi. Bên cạnh đó, xã cũng chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ, cải thiện cơ sở vật chất và thiết bị y tế để phục vụ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Hệ thống các cơ sở giáo dục trên địa bàn xã gồm các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phân bố ở các khu vực Tòng Bạt, Cẩm Lĩnh, Sơn Đà, Thuần Mỹ cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của học sinh các cấp, đảm bảo phân bố hợp lý tại các cụm dân cư, giúp học sinh thuận tiện trong việc đến trường. Về cơ sở vật chất, các điểm trường trung tâm đã được đầu tư xây dựng kiên cố, có đầy đủ phòng học, phòng chức năng, thư viện, phòng tin học, thiết bị hỗ trợ giảng dạy hiện đại như máy chiếu, máy vi tính. Tuy nhiên, một số điểm trường ở vùng sâu, vùng giáp núi vẫn còn hạn chế về phòng thực hành, sân chơi. 

  • Trụ sở Đảng ủy - UBND xã Bất Bạt: Thôn Đan Thê, xã Bất Bạt

  • Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bất Bạt: đồng chí Đỗ Quang Trung

  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Bất Bạt: đồng chí Nguyễn Ngọc Tú

  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Bất Bạt: đồng chí Chu Đình Lập.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời