Xã Quảng Bị: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Xã Quảng Bị được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Tốt Động, Hợp Đồng, Quảng Bị, Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ).

Quảng Bị là một xã thuộc huyện Chương Mỹ hiện nay. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là Quảng Bị do tên này dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; bảo đảm nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý.

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo xã Quảng Bị.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã Quảng Bị

Xã Quảng Bị giáp phường Chương Mỹ và các xã: Thanh Oai, Bình Minh, Phú Nghĩa, Trần Phú, Hòa Phú của thành phố Hà Nội. Xã Quảng Bị có diện tích tự nhiên là 37,14 km²; quy mô dân số là 62.968 người.

Xã Quảng Bị được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Tốt Động, Hợp Đồng, Quảng Bị, Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ), trong đó:

  • Xã Hoàng Diệu (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 8,10 km²; Quy mô dân số: 11.988
  • Xã Hợp Đồng (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 4,87 km²; Quy mô dân số: 7.884
  • Xã Lam Điền (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 7,85 km²; Quy mô dân số: 12.480
  • Xã Quảng Bị (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 7,17 km²; Quy mô dân số: 13.545
  • Xã Tốt Động (Huyện Chương Mỹ): Diện tích: 9,15 km²; Quy mô dân số: 17.071

Đặc điểm kinh tế, xã hội xã Quảng Bị

Xã Quảng Bị nằm trên trục giao thông Chúc Sơn - Ba Thá, kết nối trực tiếp với các khu vực khác trong Thành phố. Việc xây dựng nông thôn mới, nâng cao hạ tầng và bảo tồn văn hóa truyền thống cũng góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy phát triển bền vững cho khu vực. Xã phát huy thế mạnh về nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp nhẹ và dịch vụ, là đầu tàu trong chuyển đổi nông nghiệp và phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội khu vực Tây Nam Hà Nội.

Đặc điểm kinh tế xã Quảng Bị

Nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao được xem là mũi nhọn của xã Quảng Bị, xã tập trung phát triển các mô hình trang trại tổng hợp, trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định thu nhập cho người dân. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương. Đây chính là nền tảng vững chắc để xã Quảng Bị phát triển bền vững và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế chung của khu vực.

Công nghiệp nhẹ phát triển phù hợp với điều kiện địa phương, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương và góp phần đa dạng hóa nguồn thu nhập. Đồng thời, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn xã cũng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và thúc đẩy lưu thông hàng hóa, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương. Sự phối hợp giữa các ngành này tạo nên kinh tế đa dạng, bền vững và phát triển toàn diện cho xã.

Đặc điểm văn hóa - xã hội xã Quảng Bị

Xã Quảng Bị không chỉ bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống mà còn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh hiện đại, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của khu vực và thành phố Hà Nội.

Nét truyền thống trong văn hóa xã Quảng Bị được thể hiện rõ qua việc duy trì và phát huy các giá trị lâu đời như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, lễ hội làng, phong tục tập quán truyền thống gắn liền với đời sống nông nghiệp và cộng đồng. Các lễ hội mùa vụ và các phong tục dân gian vẫn được tổ chức thường xuyên, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và tăng cường sự gắn kết cộng đồng.

Bên cạnh đó, nét hiện đại thể hiện ở sự đổi mới trong lối sống và nhận thức của người dân, với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và phát triển hạ tầng xã hội đồng bộ. Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại góp phần phát triển bền vững, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc vừa hội nhập và phát triển phù hợp với xu thế thời đại.

Về y tế, trạm y tế xã Quảng Bị từng bước được củng cố và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân địa phương. Các trạm y tế thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng mở rộng, tư vấn sức khỏe sinh sản và phòng chống dịch bệnh. Một số trạm y tế đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đội ngũ y bác sĩ được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, tận tâm phục vụ. Ngoài ra, trạm còn thực hiện các chương trình y tế cộng đồng, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Về giáo dục, xã có đầy đủ các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông, một số trường có cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ giáo viên chất lượng và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp cao. Các trường mầm non phân bố tại các khu dân cư bảo đảm thuận tiện cho việc đưa đón trẻ như Trường Mầm nom Hoàng Diệu, Trường Mầm non Hợp Đồng, Trường Mầm non Quảng Bị, Trường Mầm non Tốt Động, Trường Mầm non Lam Điền. Các trường tiểu học và trung học cơ sở của các khu vực Hoàng Diệu, Hợp Đồng, Lam Điền, Quảng Bị, Tốt Động thường nằm liền kề nhau giúp việc chuyển cấp học diễn ra thuận lợi. Trường THPT Tốt Động là trường công lập lớn trên địa bàn, thu hút học sinh từ nhiều xã lân cận. Trường có đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, nhiều học sinh đạt giải cấp thành phố và quốc gia. Trường cũng có truyền thống về chất lượng đào tạo và tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học cao. Những thành tựu này cho thấy xã Quảng Bị đang phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực y tế và giáo dục, góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của địa phương.

  • Trụ sở Đảng ủy xã Quảng Bị: thôn Ứng Hòa, xã Quảng Bị (địa chỉ cũ: thôn Ứng Hóa, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ)
  • Trụ sở UBND xã Quảng Bị: thôn Thái Hòa, xã Quảng Bị (địa chỉ cũ: thôn Thái Hòa, xã Hợp Đồng, huyện Chương Mỹ)
  • Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quảng Bị: đồng chí Nguyễn Trường Năng
  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Quảng Bị: đồng chí Bùi Mạnh Thắng
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Quảng Bị: đồng chí Lê Thị Chính.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây

 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời