Xã An Khánh: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp
Xã An Khánh được hình thành trên cơ sở nhập toàn phần diện tích tự nhiên và dân số của xã Đông La (huyện Hoài Đức); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Vân Côn, An Thượng, An Khánh, La Phù (huyện Hoài Đức); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Song Phương (huyện Hoài Đức) và phường Dương Nội (quận Hà Đông).
An Khánh là tên một trong số các xã thuộc huyện Hoài Đức. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là An Khánh bảo đảm nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Vị trí địa lý, diện tích, dân số xã An Khánh
Xã An Khánh giáp các phường: Yên Nghĩa, Tây Mỗ, Dương Nội và các xã: Quốc Oai, Sơn Đồng, Hưng Đạo của thành phố Hà Nội. Xã có diện tích tự nhiên là 28,69 km2; quy mô dân số là 102.136 người.
- Phường Dương Nội (Quận Hà Đông): Diện tích: 0,18 km²; Quy mô dân số: 1.202 người
- Xã Song Phương (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 0,82 km²; Quy mô dân số: 674 người
- Xã An Khánh (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 6,33 km²; Quy mô dân số: 37.376 người
- Xã An Thượng (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 7,67 km²; Quy mô dân số: 18.747 người
- Xã Vân Côn (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 6,02 km²; Quy mô dân số: 14.630 người
- Xã La Phù (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 3,15 km²; Quy mô dân số: 14.250 người
- Xã Đông La (Huyện Hoài Đức): Diện tích: 4,52 km²; Quy mô dân số: 15.257 người
Đặc điểm kinh tế, xã hội xã An Khánh
Xã An Khánh tiếp giáp và kết nối thuận lợi với các phường Yên Nghĩa, Tây Mỗ, Dương Nội và các xã Quốc Oai, Sơn Đồng, Hưng Đạo. Từ An Khánh có thể tiếp cận quốc lộ 32, cao tốc Láng - Hòa Lạc, tỉnh lộ 432 và các tuyến đường tỉnh, đường liên xã. Đây là điều kiện thuận lợi góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thiện hạ tầng giao thông - vận tải.
Đặc điểm kinh tế xã An Khánh
Tăng trưởng kinh tế ổn định, phát triển toàn diện: Các lĩnh vực kinh tế được phát triển một cách toàn diện, bao gồm sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và thương mại. Nông nghiệp vẫn là một ngành quan trọng, xã chú trọng vào sản xuất các loại cây trồng và chăn nuôi.
Nhờ các yếu tố thuận lợi về địa lý, trong những năm gần đây, An Khánh đã có những bước chuyển đổi tích cực, nâng cao mức sống của người dân. Từ một xã thuần nông, cơ cấu kinh tế của xã đã chuyển dần sang công nghiệp và thương nghiệp. Hiện nay, cơ cấu kinh tế của xã ưu tiên theo hướng: công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp.
Trên địa bàn xã An Khánh có các làng nghề truyền thống nổi tiếng với nghề sản xuất dệt kim - bánh kẹo La Phù, mành tre Vân Lũng và các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp, xây dựng và chế biến. Ngoài ra, xã cũng có các khu, cụm công nghiệp như khu công nghiệp An Khánh, cụm công nghiệp Trường An, La Phù… và đang phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp và tạo thêm thu nhập, việc làm cho người dân. Các cụm công nghiệp này tập trung vào các ngành công nghiệp sản xuất, công nghiệp chế biến nông sản và các ngành công nghiệp khác.
Đặc điểm văn hóa - xã hội xã An Khánh
An Khánh là một địa phương giàu bản sắc văn hóa, với nhiều di tích lịch sử có giá trị được xếp hạng. Tiêu biểu là 03 di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng: Di tích chùa Cả, Cụm di tích đình chùa thôn Ngãi Cầu và Di tích nhà thờ họ Nguyễn Thế; đình Vân Côn được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1997; chùa Hưng Long (thôn Phương Bảng) và chùa Thích Ca (thôn Phương Viên) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1997; di tích đình làng La Phù được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử năm 1991; Di tích lịch sử văn hóa chùa Cả được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng năm 1996; Di tích nhà thờ họ Nguyễn Thế được xếp hạng cấp Tỉnh năm 1997; Di tích đình An Thọ được xếp hạng cấp Tỉnh năm 2012. Chùa Đào Nguyên, chùa An Hạ, chùa Ngự Câu, đình Đào Nguyên, đình An Hạ là những ngôi đình, chùa đã được xếp hạng cấp Quốc gia; cụm di tích lịch sử văn hóa đình chùa thôn Ngãi Cầu được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng cấp Quốc gia năm 1989 .
Đặc biệt, xã còn có công viên Thiên Đường Bảo Sơn, góp phần thúc đẩy du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương.
An sinh xã hội tại xã An Khánh luôn được chú trọng và đảm bảo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, văn hóa, thể thao và an ninh chính trị đều được quan tâm đầu tư, tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển bền vững. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng ổn định.
Trên địa bàn xã hiện có 06 trường Mầm non (Song Phương, An Khánh, An Thượng, Vân Côn, La Phù, Đông La), 05 trường Tiểu học (An Khánh, An Thượng, Vân Côn, La Phù, Đông La), 05 trường THCS (An Khánh, An Thượng, Vân Côn, La Phù, Đông La). Hệ thống trường học trên địa bàn xã được quan tâm đầu tư, từ cơ sở vật chất đến chất lượng giảng dạy. Cả ba cấp học tại xã đều đã đạt chuẩn quốc gia. Ngoài việc học văn hóa, các nhà trường còn chú trọng giáo dục thể chất nhằm phát triển toàn diện cho học sinh. Các công trình phục vụ giáo dục thể chất, thư viện đã và đang thu hút sự tham gia tích cực của học sinh và phụ huynh, góp phần hình thành thói quen đọc sách và rèn luyện thể lực cho học sinh.
Cùng với giáo dục, công tác y tế tại xã được triển khai đồng bộ. Trên địa bàn xã có 05 trạm y tế (An Khánh, An Thượng, Vân Côn, La Phù và Đông La). Các trạm y tế thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh thường xuyên; triển khai tiêm chủng mở rộng, đạt tỷ lệ 100% trẻ em được tiêm đầy đủ vắc-xin. Các chương trình phòng chống dịch, bảo đảm an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và tuyên truyền bảo hiểm y tế được triển khai hiệu quả. Xã cũng đã áp dụng các phần mềm quản lý sức khỏe điện tử, phổ biến rộng rãi việc sử dụng ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, giúp cập nhật thông tin sức khỏe và phòng chống dịch bệnh một cách chủ động.
- Trụ sở Đảng ủy - UBND xã An Khánh: Thôn Lũng Vân, xã An Khánh
- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã An Khánh: đồng chí Nguyễn Trung Thuận
- Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã An Khánh: đồng chí Hồ Trung Nghĩa
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Khánh: đồng chí Tạ Văn Thắng.
Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội
Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây