Phường Ô Chợ Dừa: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Phường Ô Chợ Dừa giáp với các phường trọng điểm, đóng vai trò như trung tâm dịch vụ - thương mại của cả khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị Hà Nội.

Lý do lấy tên phường mới là Ô Chợ Dừa bởi Ô Chợ Dừa là một phường của quận Đống Đa hiện nay cũng là một trong năm cửa ô của thành Thăng Long xưa (gồm Quan Chưởng, Cầu Giấy, Chợ Dừa, Đông Mác, Cầu Dền). Theo đó, việc chọn tên đơn vị hành chính mới là Ô Chợ Dừa dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học; đồng thời, đây cũng là địa danh có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa.

Tên gọi Ô Chợ Dừa bảo đảm phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Ô Chợ Dừa.

 

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Ô Chợ Dừa

Phường Ô Chợ Dừa giáp các phường: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Giảng Võ, Đống Đa, Ba Đình, Láng của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 1,83 km²; quy mô dân số là 71.293 người.

Phường Ô Chợ Dừa được hình thành trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Ô Chợ Dừa, Hàng Bột, Cát Linh (quận Đống Đa); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung Liệt (quận Đống Đa); Thành Công, Điện Biên (quận Ba Đình), trong đó:

  • Phường Điện Biên (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,05; Quy mô dân số: 1.259
  • Phường Thành Công (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,14; Quy mô dân số: 2.639
  • Phường Cát Linh (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,34; Quy mô dân số: 14.731
  • Phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,12; Quy mô dân số: 5.450
  • Phường Ô Chợ Dừa (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,88; Quy mô dân số: 32.009
  • Phường Hàng Bột (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,20; Quy mô dân số: 12.203
  • Phường Trung Liệt (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,10; Quy mô dân số: 3.002

 

Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Ô Chợ Dừa

Phường Ô Chợ Dừa giáp với các phường trọng điểm như Đống Đa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Giảng Võ,... Phường sở hữu mạng lưới giao thông và có các trục phố lớn làm ranh giới rõ ràng như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học, Giảng Võ, Láng Hạ, Hoàng Cầu, Xã Đàn, Thái Hà… Đây là những tuyến đường kết nối Đông - Tây, Bắc - Nam quan trọng, giúp phường trở thành điểm trung chuyển giữa các khu vực lõi nội đô.

Trên địa bàn có nhiều cơ quan hành chính, trụ sở, ngân hàng, trường học, văn phòng công ty, tòa nhà hỗn hợp cùng hệ thống y tế, giáo dục, tài chính,... Phường đóng vai trò như trung tâm dịch vụ - thương mại của cả khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị Hà Nội. 

Với dân số đông, vị trí trung tâm và chức năng tổng hợp (hành chính, thương mại), phường Ô Chợ Dừa đóng vai trò là hạt nhân trong quy hoạch cải tạo đô thị lõi, đầu mối điều tiết giao thông với các tuyến xe buýt nhanh, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông kết nối, có nhiều tiềm năng trong việc thử nghiệm các mô hình quản lý đô thị thông minh.

 

Đặc điểm kinh tế phường Ô Chợ Dừa

Phường Ô Chợ Dừa có cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào lĩnh vực dịch vụ - thương mại. Với dân số đông và nhu cầu tiêu dùng cao, phường Ô Chợ Dừa có hệ thống dịch vụ - thương mại phong phú. Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, trung tâm mua sắm nhỏ, nhà hàng, quán ăn, cà phê, dịch vụ y tế - giáo dục tư nhân hoạt động sôi động. Khu vực này còn thu hút nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đến mở văn phòng đại diện, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực truyền thông, thiết kế, tư vấn, luật…

Khu vực Ô Chợ Dừa tiếp giáp nhiều di tích lịch sử - văn hóa như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Bộc, đền Kim Liên… Những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình kinh tế du lịch - dịch vụ văn hóa, tâm linh, gắn với việc bảo tồn các giá trị truyền thống và quảng bá hình ảnh đô thị hiện đại kết hợp bản sắc văn hóa Hà Nội.

Hạ tầng thương mại của phường phát triển với hệ thống chợ truyền thống như chợ Hàng Bột, chợ Cát Linh,... với những mặt hàng đa dạng, từ thực phẩm tươi sống đến các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khác. Ngoài ra, hạ tầng thương mại hiện đại cũng đa dạng với các loại hình siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại,... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn và du khách.

 

Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Ô Chợ Dừa

Phường Ô Chợ Dừa tập trung các khu dân cư có truyền thống đô thị lâu đời như Hàng Bột, Cát Linh,... vừa có nhiều khu chung cư cao tầng, nhà tập thể cải tạo và nhà cho thuê. Sự pha trộn giữa người dân gốc Hà Nội, người lao động, sinh viên và người nhập cư tạo nên đặc trưng xã hội đa dạng, phản ánh một phường điển hình của Hà Nội thời kỳ chuyển mình.

Ô Chợ Dừa là vùng đất có lịch sử lâu đời như Hàng Bột, Cát Linh,… Cùng với đó là sự hiện diện của nhiều di tích văn hóa, đình, đền, chùa cổ đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia như: chùa Thanh Nhàn (1989), đình Hào Nam, đền Nhà Bà, đình Hoàng Cầu (1994),...

Về y tế, trên địa bàn phường có Bệnh viện Đa khoa Hà Thành, bên cạnh đó là hệ thống các trạm y tế  đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Ngoài ra còn có các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, hệ thống các nhà thuốc tư nhân phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn phường.

Về giáo dục, các cơ sở giáo dục lớn trên địa bàn phường như: Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Bên cạnh đó, những trường phổ thông tiêu biểu trên địa bàn có thể kể đến như sau: Trường THPT Hoàng Cầu, số 27/44 phố Nguyễn Phúc Lai; Trường THPT Tô Hiến Thành, số 27 ngõ Giếng, Đông Các; Trường THCS Cát Linh, số 31 Cát Linh; Trường THCS Tô Vĩnh Diện, số 79 Ngõ Cẩm Văn; Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, số 2 ngõ 14 Hồ Đắc Di; Trường Tiểu học Phương Liên, số 11 phố Xã Đàn,...

  • Trụ sở Đảng ủy - UBND phường Ô Chợ Dừa: số 61 phố Hoàng Cầu
  • Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND phường Ô Chợ Dừa: đồng chí Lê Ngọc Hân
  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa: đồng chí Lê Tuấn Định
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Ô Chợ Dừa: đồng chí Đào Thị Minh Hiền.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời