Phường Láng: Những thông tin chi tiết sau sắp xếp

Phường Láng tiếp giáp các phường trung tâm và khu vực phát triển năng động, có vị trí quan trọng trong việc giải tỏa áp lực giao thông giữa nội đô và khu vực đô thị mới.

Lý do lấy tên phường mới là Láng là do Láng là một làng cổ nằm bên sông Tô Lịch đoạn từ ô Cầu Giấy đến ngã tư Sở. Láng cũng là tên nôm của xã Yên Lãng thuộc huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội cũ (trước thuộc Thăng Long).

Đài PTTH Hà Nội
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trao quyết định công tác cán bộ cho lãnh đạo phường Láng.

 

Vị trí địa lý, diện tích, dân số phường Láng

Phường Láng giáp các phường: Giảng Võ, Cầu Giấy, Yên Hòa, Đống Đa, Ô Chợ Dừa, Nghĩa Đô, Thanh Xuân của thành phố Hà Nội và có diện tích tự nhiên là 1,88 km²; quy mô dân số là 61.135 người.

Phường Láng được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Láng Thượng (quận Đống Đa); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của phường Láng Hạ (quận Đống Đa); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình), trong đó:

  • Phường Ngọc Khánh (Quận Ba Đình): Diện tích: 0,11; Quy mô dân số: 3.661
  • Phường Láng Thượng (Quận Đống Đa): Diện tích: 1,22; Quy mô dân số: 37.614
  • Phường Láng Hạ (Quận Đống Đa): Diện tích: 0,55; Quy mô dân số: 19.860

 

Đặc điểm kinh tế, xã hội phường Láng

Phường Láng tiếp giáp các phường trung tâm và khu vực phát triển năng động như Đống Đa, Giảng Võ, Yên Hòa. Nằm trên tuyến vành đai giao thông 2,5 và các trục đường giao thông như: đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Đê La Thành, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, trục Cầu Giấy - Trần Duy Hưng. Phường Láng có vị trí quan trọng trong việc giải tỏa áp lực giao thông giữa nội đô và khu vực đô thị mới.

Đây là khu vực tập trung nhiều trường đại học, bệnh viện lớn cùng với hệ thống trung tâm thương mại, văn phòng và dịch vụ sầm uất. Phường Láng giữ vai trò hạt nhân trong phát triển dịch vụ - thương mại, giáo dục và y tế chất lượng cao cho khu vực trung tâm Hà Nội.

Với hạ tầng đô thị hiện đại, khả năng tích hợp hệ thống giao thông công cộng như tuyến BRT, đường sắt đô thị, phường là địa bàn có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển đô thị bền vững.

Là địa bàn ven sông Tô Lịch, phường có tiềm năng lớn trong cải tạo cảnh quan, phát triển không gian xanh và hạ tầng đô thị sinh thái, góp phần cải thiện môi trường sống và thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững. Đây cũng là khu vực dân trí cao, phù hợp với triển khai mô hình đô thị thông minh, chính quyền số và dịch vụ công trực tuyến.

 

Đặc điểm kinh tế phường Láng

Phường Láng có cơ cấu kinh tế chủ yếu dựa vào lĩnh vực dịch vụ - thương mại chiếm tỷ trọng lớn. Phường có nhiều văn phòng cho thuê, ngân hàng, cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên doanh, nhà hàng - khách sạn, trung tâm thương mại, tập trung trên các phố lớn như: Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng, Đê La Thành, Láng Hạ, Ngọc Khánh,... Các loại hình dịch vụ chủ yếu là dịch vụ ăn uống, cho thuê nhà trọ, văn phòng, dịch vụ giáo dục, y tế,...

Hạ tầng thương mại của phường bao gồm chợ Láng - đầu mối cung cấp lương thực, thực phẩm cho cư dân trên địa bàn, ngoài ra còn có nhiều chợ dân sinh phục vụ nhu cầu khu dân cư. Phường có trung tâm thương mại lớn như Vincom Nguyễn Chí Thanh, và hệ thống siêu thị WinMart+, Winmart, Circle K, K-Market, Co.op Food,... phân bố dày đặc trong khu dân cư và khu vực quanh các trường đại học.

Trên địa bàn phường có chùa Láng (hay còn gọi là Chiêu Thiền Tự), là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút du khách và phật tử gần xa.

 

Đặc điểm văn hóa - xã hội phường Láng

Về văn hóa, phường Láng có các di tích văn hóa - lịch sử tiêu biểu, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia như: chùa Láng (1962), Pháo Đài Láng là di tích tiêu biểu trong hệ thống các di tích cách mạng kháng chiến của Thủ đô Hà Nội (1993), chùa Đản Cơ (chùa Nền) (1992), ...

Lễ hội truyền thống tiêu biểu trên địa bàn phường gồm: Lễ hội chùa Láng (ngày 7/3 âm lịch) được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tưởng nhớ Đức thánh Láng - Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Lễ hội chùa Láng được ca ngợi là có quy mô lớn và đặc sắc bậc nhất của khu vực phía Tây Nam của kinh thành Thăng Long xưa, đến nay đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Với dân số trên 61.000 người, phường Láng là khu vực có mật độ dân cư cao. Cư dân nơi đây bao gồm người dân gốc Hà Nội sinh sống lâu đời tại làng Láng xưa (Láng Thượng, Pháo Đài Láng) xen lẫn với lực lượng lao động nhập cư, sinh viên và người trẻ từ các vùng khác về học tập, làm việc.

Các cơ sở y tế lớn trên địa bàn phường gồm: Bệnh viện Nhi Trung ương, số 18 ngõ 879, đường La Thành; Bệnh viện Giao thông Vận tải, ngõ 1194 đường Láng; Bệnh viện Thận Hà Nội, số 70 Nguyễn Chí Thanh/Láng Thượng,... đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trên địa bàn và cả nước. Cùng với đó là hệ thống các trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia về y tế cơ sở. Ngoài ra còn có các phòng khám đa khoa, chuyên khoa, hệ thống các nhà thuốc tư nhân phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn phường.

Về giáo dục, khu vực Láng Thượng, chùa Láng có nhiều trường đại học lớn như: Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam,... tạo nên một môi trường dân cư trẻ, năng động, có nhu cầu cao về dịch vụ, nhà ở, ăn uống và giải trí.

Trên địa bàn phường có các trường học phổ thông tiêu biểu có thể kể đến như: Trường THPT Quang Trung - Đống Đa, số 178 đường Láng; Trường THPT Phan Huy Chú, số 34 ngõ 49 Huỳnh Thúc Kháng; Trường THPT Alfred Nobel, ngõ 14 Pháo đài Láng; Trường THCS Thái Thịnh, số 131A Phố Thái Thịnh; Trường THCS Láng Hạ, số 1 ngõ 538 đường Láng; Trường THCS Láng Thượng, số 159 đường chùa Láng; Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, số 20 ngõ 5 Láng Hạ; Trường THCS Thịnh Quang, số 13 ngõ 122 đường Láng; Trường Tiểu học Láng Thượng, số 1 ngõ 185, phố chùa Láng; Trường Tiểu học Nam Thành Công, số 75 đường Nguyên Hồng; Trường Tiểu học Thái Thịnh, số 56 phố Yên Lãng.

  • Trụ sở Đảng ủy phường Láng: số 896 đường Láng
  • Trụ sở UBND phường Láng: số 79A ngõ 25 Vũ Ngọc Phan
  • Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Láng: đồng chí Nguyễn Hồng Dân
  • Phó Bí thư, Chủ tịch UBND phường Láng: đồng chí Nguyễn Thanh Tùng
  • Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Láng: đồng chí Nguyễn Thị Thanh Yên.

Theo Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội

Từ ngày 1/7/2025, thành phố Hà Nội chính thức đưa vào hoạt động 126 đơn vị hành chính cấp xã, phường mới theo Nghị quyết số 1656/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sắp xếp, thành phố có 51 phường và 75 xã. 

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là yêu cầu của quá trình hoàn thiện thể chế, cải cách bộ máy nhà nước, mà còn là cơ hội để Hà Nội cơ cấu lại không gian phát triển, nâng cao chất lượng quản trị đô thị, hiện đại hóa chính quyền để phục vụ nhân dân tốt hơn. Qua đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển Thủ đô thành đô thị thông minh, đáng sống và văn minh bậc nhất cả nước, giữ vững vai trò tiên phong trong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thông tin chi tiết và hữu ích về 126 xã, phường mới của Hà Nội người dân có thể truy cập Tại đây.

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời