Những tác động từ thoả thuận thương mại Mỹ- Nhật
Mỹ và Nhật Bản đạt thỏa thuận thương mại lớn: Mỹ giảm thuế ô tô, không áp thuế mới; Nhật cam kết đầu tư và tín dụng 550 tỷ USD vào Mỹ. Tổng thống Trump gọi đây là “thỏa thuận lớn nhất từng được ký kết”.
Mỹ và Nhật Bản mới đây đã đạt được một thỏa thuận thương mại quan trọng. Theo đó Washington sẽ giảm thuế nhập khẩu ô tô và không áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Tokyo. Đổi lại, Nhật Bản cam kết gói đầu tư và tín dụng trị giá 550 tỷ USD vào thị trường Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi đây là một thỏa thuận khổng lồ, thậm chí gọi đây “có lẽ là thỏa thuận lớn nhất từng được ký kết”.
Các nhà kinh tế đánh giá, động thái này không chỉ giúp hạ nhiệt căng thẳng thương mại song phương mà còn có thể định hình các thỏa thuận tương tự mà Mỹ đang xúc tiến với các đối tác khác.
Nội dung Thỏa thuận Thương mại Mỹ - Nhật Bản
Nhà Trắng cho biết, thỏa thuận thương mại với Nhật Bản là thỏa thuận thuế quan thứ 5 của Mỹ với các đối tác thương mại kể từ khi Chính quyền Tổng thống Trump triển khai chính sách thuế quan cứng rắn từ đầu nhiệm kỳ. Trước đó, Mỹ đã đạt thỏa thuận với Anh, Việt Nam, Indonesia và Philippines.
Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump cho biết Nhật Bản sẽ mở cửa thị trường cho ô tô và gạo Mỹ. Đặc biệt, mức thuế với ô tô Nhật Bản – mặt hàng chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Tokyo sang Mỹ – sẽ giảm từ mức 27,5% xuống 15%. Thuế đối với các mặt hàng khác của Nhật dự kiến áp dụng từ ngày 1/8 cũng được điều chỉnh từ 25% xuống còn 15%.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là thỏa thuận quan trọng nhất trong chuỗi các hiệp định thương mại mà Nhà Trắng gấp rút đạt được trước thời hạn ngày 1/8 - thời điểm mức thuế mới cao hơn có thể bắt đầu có hiệu lực.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật bản Shigeru Ishiba cho biết ô tô Nhật Bản sẽ không bị Mỹ áp hạn ngạch số lượng.
Thép và nhôm – hiện đang chịu mức thuế riêng 50% – không nằm trong khuôn khổ thỏa thuận. Thỏa thuận cũng không đề cập đến chi tiêu quốc phòng, một chủ đề ông Trump từng nhiều lần đề cập.
Trong tài liệu công bố ngày 23/7, Nhà Trắng cho biết Tokyo cam kết sẽ mua 100 máy bay Boeing, đồng thời tăng 75% lượng gạo nhập khẩu và mua thêm 8 tỷ USD nông sản cùng hàng hóa khác từ Mỹ, bao gồm ngô, đậu nành, phân bón, bioethanol và nhiên liệu bền vững dùng trong lĩnh vực hàng không.
Nhật Bản cũng cam kết mua thêm “hàng tỷ USD” thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất mỗi năm - một hành động được Nhà Trắng mô tả là sẽ giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác và an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, quốc gia châu Á đồng ý nhập khẩu thêm các mặt hàng năng lượng của Mỹ.
Cùng với đó, Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỷ USD để hỗ trợ tái thiết và mở rộng các ngành công nghiệp cốt lõi của Mỹ. Đây là một phần của sáng kiến “Đầu tư Nhật Bản vào Mỹ”, nhằm thúc đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực then chốt liên quan đến an ninh kinh tế như chất bán dẫn, dược phẩm, thép, đóng tàu, khoáng sản chiến lược, năng lượng, ô tô và công nghệ AI.
Đặc phái viên thương mại Nhật Bản Ryosei Akazawa cho biết khoản đầu tư này sẽ bao gồm cả đầu tư trực tiếp và các khoản bảo lãnh vay từ ngân hàng và cơ quan chính phủ Nhật để hỗ trợ doanh nghiệp nước này mở rộng tại Mỹ. Ông khẳng định đây là bước hiện thực hóa đề xuất “ưu tiên đầu tư thay vì thuế quan” mà Thủ tướng Ishiba đưa ra với Tổng thống Trump trong cuộc gặp hồi tháng 2.
Thỏa thuận được đưa ra vào thời điểm khi hạn chót 1/8 cho kế hoạch áp thuế toàn cầu của ông Trump đang đến gần.
Với Nhật Bản, dù là đồng minh thân cận, nhưng ông Trump từng nhiều lần đe dọa áp thuế 24%, rồi 25% lên hàng hóa nước này trong các thư gửi đầu tháng 7. Điều này đã tạo áp lực lớn lên chính phủ Nhật Bản trong bối cảnh Thủ tướng Shigeru Ishiba vừa mất đa số tại thượng viện và đang cần một thắng lợi ngoại giao. Người đứng đầu Nội các Nhật Bản cũng mạnh mẽ bác bỏ tin tức truyền thông nói ông sẽ rút lui vị trí Thủ tướng.
Thủ tướng Ishiba khẳng định sẽ tiếp tục tại nhiệm để xử lý các vấn đề chính sách cấp bách, bao gồm các động thái tiếp theo sau thỏa thuận thuế quan với Mỹ.
Trong khi đó, một số thành viên Đảng Dân chủ Tự do (LDP) vẫn tiếp tục kêu gọi Thủ tướng Ishiba từ chức và cải tổ bộ máy lãnh đạo đảng.
Tổng Thư ký LDP Moriyama Hiroshi cho rằng, xét đến tình hình quốc tế, các biện pháp thuế quan của Mỹ và tình hình kinh tế liên quan, ông có thể khẳng định chắc chắn rằng, bây giờ là lúc không nên tạo ra khoảng trống chính trị của đất nước.
Phản ứng của thị trường
Thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt tăng điểm ngay sau khi Nhật Bản và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại, trong đó đáng chú ý là việc giảm mức thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp lên ngành ô tô trọng yếu của Nhật Bản. Nhóm cổ phiếu các hãng sản xuất ô tô đều ghi nhận mức tăng trên 8%.
Đồng yen Nhật cũng mạnh lên so với đồng USD, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận tín hiệu tích cực từ các hợp đồng tương lai. Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục đà tăng trong các phiên giao sau đó, khi nhà đầu tư kỳ vọng các quốc gia khác sẽ tiếp nối thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật Bản để đạt được các thỏa thuận thương mại song phương.
Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ông Shinichi Uchida, nhận định đây là “một bước tiến rất lớn” và cho rằng thỏa thuận giúp giảm bớt những bất ổn đối với triển vọng kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Kazutaka Maeda tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda cho rằng mức thuế mới 15% có thể giúp Nhật Bản tránh được nguy cơ suy thoái.
Ông Jared Mondschein, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, nhận định mối quan hệ giao thương trong ngành ô tô giữa Washington và Tokyo là rất lớn và không thể xem nhẹ. Ông cho rằng đây là cơ hội để thiết lập lại sự ổn định trong mối quan hệ kinh tế vốn nhiều thách thức giữa hai nước, song lưu ý rằng còn quá sớm để đánh giá toàn diện tác động của việc giảm thuế.
Bà Deborah Elms – Giám đốc chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich – cảnh báo rằng dù thấp hơn mức đe dọa 25%, song mức thuế mới vẫn là “sự gia tăng đáng kể” so với mức trung bình 2% trước tháng 4.
Chuyên gia kinh tế Norihiro Yamaguchi của Oxford Economics tỏ ra thận trọng hơn.
Ông Kugo Shotaro, chuyên gia kinh tế cấp cao Viện Nghiên cứu Daiwa cho biết, mức thuế này có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản giảm 1,1% trong năm nay. Ông dự báo mức giảm có thể lên tới 3,2% vào năm 2029 nếu xu hướng này tiếp tục. Ông Kugo nhận xét, dù mức thuế không cao như một số dự báo trước đó, nhưng vẫn ở mức đáng lo ngại. Một số chuyên gia kinh tế khác cũng đưa ra các đánh giá tương tự.
Ông Kiuchi Takahide từ Viện Nghiên cứu Nomura ước tính thỏa thuận này có thể khiến GDP Nhật Bản giảm 0,55% trong vòng một năm tới. Ông cũng cảnh báo rằng chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Washington đang làm gia tăng rủi ro kinh doanh đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, và điều này có thể khiến họ cân nhắc lại các kế hoạch đầu tư tại Mỹ.
Tác động tới ngành ô tô
Chỉ một ngày sau khi Mỹ và Nhật đạt được thỏa thuận thương mại mới áp mức thuế 15% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, Tổng thống Donald Trump tuyên bố doanh nghiệp Mỹ sẽ được lợi và thỏa thuận này sẽ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm tại Mỹ. Tuy nhiên, các phân tích ban đầu từ giới chuyên gia trong ngành ô tô lại cho thấy bức tranh không mấy rõ ràng, thậm chí, một số chuyên gia nhận định rằng chính các công ty Nhật Bản có thể sẽ hưởng lợi nhiều hơn trong ngắn hạn.
Trong khi người phát ngôn Nhà Trắng Kush Desai gọi thỏa thuận này là một phần trong nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận của các hãng xe Mỹ tới thị trường Nhật Bản, đồng thời khẳng định các chính sách khác của Tổng thống Trump như cắt giảm thuế và nới lỏng quy định sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô nội địa.
Kể từ khi chính quyền của Tổng thống Trump đe dọa áp thuế diện rộng đối với hầu hết các đối tác thương mại – bao gồm cả những đồng minh thân cận như Mexico và Canada – ngành ô tô Mỹ đã phải xoay xở để thích ứng. Các chuỗi cung ứng trong ngành vốn trải dài qua nhiều biên giới, đặc biệt là ở khu vực Bắc Mỹ, nơi hàng hóa từ Mexico và Canada hiện đang chịu mức thuế 25%.
Bà Jennifer Safavian, Chủ tịch kiêm CEO của Autos Drive America – tổ chức đại diện cho các hãng xe nước ngoài tại Mỹ – cho biết các hãng xe quốc tế đã đầu tư hơn 124 tỷ USD vào hoạt động tại Mỹ trong hơn 30 năm qua, và sự chắc chắn mà thỏa thuận này mang lại giúp họ có thể lên kế hoạch tăng đầu tư, tăng sản xuất tại Mỹ và cung cấp thêm lựa chọn giá cả phải chăng cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, chuyên gia phân tích David Whiston từ Morningstar Research cho rằng mức thuế 15% đối với xe nhập khẩu từ Nhật Bản là không công bằng với các hãng xe Mỹ, đặc biệt là khi họ đang phải chịu thuế 25% đối với xe sản xuất tại Mexico và Canada xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Matt Blunt, chủ tịch Hội đồng chính sách ô tô Mỹ, nhóm vận động hành lang đại diện cho ba “ông lớn” ngành ô tô Mỹ General Motors, Ford và Stellantis, cho biết vẫn đang rà soát nội dung thỏa thuận. Song, trong một tuyên bố, ông Blunt, cựu Thống đốc bang Missouri thuộc đảng Cộng hòa, nhấn mạnh rằng một thỏa thuận cho phép các hãng xe Nhật Bản đóng thuế thấp hơn so với mức mà doanh nghiệp Mỹ phải trả cho linh kiện “là một thỏa thuận tồi với ngành công nghiệp và người lao động Mỹ”.
Thông báo về thương mại với Nhật Bản được đưa ra cùng ngày General Motors cho biết lợi nhuận ròng của hãng giảm 1,1 tỷ USD do bị ảnh hưởng bởi hàng loạt khoản thuế, bao gồm thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, và 50% đối với thép và nhôm nhập khẩu. Dù vậy, giá xe hiện vẫn chưa phản ánh đầy đủ mức thuế mới, khi phần lớn gánh nặng được các hãng tự gánh thay vì đẩy cho người tiêu dùng.
Theo dữ liệu tháng 6 của Kelley Blue Book, giá trung bình xe mới tại Mỹ tăng 1,2% so với cùng kỳ, đạt 48.907 USD – mức tăng theo năm cao nhất trong năm 2025, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trung bình 3,9% trong 10 năm qua.
Ông Jonathan Smoke, chuyên gia kinh tế trưởng tại Cox Automotive, nhận định những xe được lắp ráp tại Mỹ sẽ chịu chi phí tăng thấp nhất trong bối cảnh chính sách thương mại hiện tại – chỉ khoảng 4%, tương đương 2.000 USD. Nhiều mẫu xe như Toyota Camry và Ford Bronco hiện đều được lắp ráp tại Mỹ.
Tuy nhiên, nhiều mẫu xe khác lại được lắp ráp tại Mexico và Nhật Bản. Ứớc tính người tiêu dùng sẽ phải trả thêm khoảng 9% (tức 3.010 USD) cho xe lắp ráp tại Nhật Bản. Xe sản xuất tại Mexico sẽ có chi phí tăng cao nhất – khoảng 10% (tức 3.550 USD). Theo ông Smoke, có vẻ như xe lắp ráp tại Nhật Bản đang được đối xử ưu ái hơn so với xe sản xuất tại Bắc Mỹ (ngoài lãnh thổ Mỹ), trong khi xe lắp ráp tại Mỹ bị ảnh hưởng ít nhất bởi thuế quan.
Một số nhà phân tích khác cũng đồng tình rằng các hãng xe Nhật có thể đang có lợi thế ngắn hạn.
Autos Drive America, tổ chức đại diện cho các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản cùng với các nhà sản xuất ô tô nước ngoài khác đang hoạt động tại Mỹ đã ca ngợi thỏa thuận thương mại, cho rằng nó sẽ thúc đẩy đầu tư nhà máy tại Mỹ.
Do phạm vi rộng của thỏa thuận thương mại Mỹ - Nhật, nhiều nội dung liên quan đến đầu tư và các yếu tố khác vẫn cần được làm rõ trong thời gian tới. Tiền lệ mà thỏa thuận này tạo ra được cho là sẽ trở thành mục tiêu đàm phán mới cho các quốc gia khác đang tìm cách đạt được thỏa thuận riêng với Mỹ trước thời hạn ngày 1/8. Đồng thời, đây cũng có thể là khuôn mẫu cho các nhà đàm phán Mỹ trong việc thúc đẩy các cam kết đầu tư tương tự như phía Nhật Bản đã đưa ra.