Liên minh cầm quyền thất thế: Thách thức mới cho Nhật Bản
Cuộc bầu cử Thượng viện ngày 20/7 khép lại với kết quả cay đắng cho liên minh cầm quyền Nhật Bản, đồng thời để lại dấu hỏi lớn về tương lai chính trị của Thủ tướng Shigeru Ishiba.
Cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản ngày 20/7 đã mang đến kết quả đầy biến động cho nền chính trị nước này khi liên minh Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền do Thủ tướng Shigeru Ishiba lãnh đạo chính thức mất thế đa số. Đây là thất bại liên tiếp thứ hai của LDP trong vòng chưa đầy một năm, phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong tâm lý cử tri Nhật Bản, đồng thời báo hiệu thời kỳ khó khăn đối với chính phủ nước này trong bối cảnh kinh tế trì trệ, lạm phát kéo dài và các đảng đối lập ngày càng gia tăng ảnh hưởng.
Thất bại “không bất ngờ” với liên minh cầm quyền
Theo kết quả kiểm phiếu, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Ishiba và đối tác liên minh - Đảng Công Minh, chỉ giành được 47 ghế trong cuộc bầu cử lần này, trong đó LDP có 39 ghế, Công Minh đạt 8 ghế. Như vậy, liên minh cầm quyền chỉ đạt tổng cộng 47 ghế, không đạt được ngưỡng 50 ghế cần thiết để duy trì đa số trong kỳ bầu cử một nửa Thượng viện. Trong lần bầu cử này, có 125 ghế thượng nghị sĩ (một nửa trong số 248 ghế Thượng viện) được mang ra tranh cử.
Tính tổng cộng, tổng số ghế mà liên minh cầm quyền kiểm soát hiện nay cũng không đạt 125 ghế, mức tối thiểu để giữ thế chi phối Thượng viện.
Thất bại này nối tiếp việc mất quyền kiểm soát Hạ viện hồi tháng 10 năm ngoái, khiến liên minh cầm quyền lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ rơi vào tình trạng không chiếm đa số tại cả hai viện Quốc hội, một tình huống hiếm gặp trong nền chính trị Nhật Bản thời hậu chiến.
Theo giới quan sát, thất bại này bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là kinh tế trì trệ, giá cả tăng cao kéo dài và sự bất mãn ngày càng lan rộng trong xã hội. Lạm phát ăn mòn thu nhập, trong khi các chính sách hỗ trợ lại thiếu hiệu quả, đặc biệt là với những mặt hàng thiết yếu như gạo và thực phẩm truyền thống. Đồng thời, các vụ bê bối tham nhũng trong quá khứ khiến uy tín của chính phủ sụt giảm nghiêm trọng.
Xã hội đang có xu hướng cho rằng Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền nên được thay thế. LDP đã điều hành đất nước mà không giải quyết được các vấn đề tồn đọng. Tình trạng này đã kéo dài từ thời chính quyền tiền nhiệm, và tôi nghĩ giờ đã đến giới hạn.”
Trong khi liên minh cầm quyền hụt hơi, các đảng đối lập ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Đảng Dân chủ Nhân dân (DPP) tăng từ 9 lên 17 ghế; Đảng cực hữu Sanseito bất ngờ giành được 14 ghế, so với chỉ hai ghế trước đó, lần đầu tiên đủ điều kiện trình dự luật lên Thượng viện; Đảng Dân chủ Lập hiến (CDPJ), đối lập chính, giành được 22 ghế.
Sự nổi lên của các Đảng Dân túy như Sanseito, với thông điệp “Nhật Bản trên hết” và lập trường bài ngoại, phản ánh sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong xã hội Nhật Bản. Dân số già hóa nhanh chóng và số lượng người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản đạt kỷ lục gần 3,8 triệu người vào năm ngoái đang khiến nhiều cử tri trẻ cảm thấy bị bỏ rơi. Những lo ngại về việc chính phủ “ưu tiên người nhập cư” hơn người dân bản địa đã góp phần làm tăng sự ủng hộ cho các đảng có quan điểm cứng rắn.
Tôi đang học cao học, nhưng xung quanh tôi hầu như không có người Nhật Bản nào, tất cả đều là người nước ngoài. Nhìn cách chính phủ chi tiền và bồi thường cho người nước ngoài, tôi cảm thấy người Nhật Bản như chúng tôi đang bị coi nhẹ. Tôi mong muốn nguồn ngân sách đó được sử dụng đúng cách hơn, nên tôi rất quan tâm đến các chính sách liên quan đến người nước ngoài.”
Theo một số chuyên gia, Nhật Bản đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc chính trị. Và kết quả bầu cử Thượng viện lần này đánh dấu một chu kỳ mới trong chính trị Nhật Bản, khi cử tri đang đòi hỏi giải pháp thực chất hơn, minh bạch hơn, và có thể chấp nhận mạo hiểm nhiều hơn để đạt được điều đó.
Áp lực bủa vây Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba
Cuộc bầu cử Thượng viện ngày 20/7 khép lại với kết quả cay đắng cho liên minh cầm quyền Nhật Bản, đồng thời để lại dấu hỏi lớn về tương lai chính trị của Thủ tướng Shigeru Ishiba. Việc liên tiếp để mất quyền kiểm soát tại cả hai viện Quốc hội - Hạ viện vào năm ngoái và nay là Thượng viện - không chỉ là sự đảo chiều trong cán cân quyền lực, mà còn là lời cảnh báo nghiêm khắc từ cử tri về hiệu quả điều hành đất nước. Khi sự ủng hộ giảm sút, phe đối lập lên tiếng đòi từ chức, và những thách thức đối nội, đối ngoại vẫn chưa có lối ra, vị thế của ông Ishiba đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
Ngay sau bầu cử, Thủ tướng Ishiba tuyên bố sẽ không từ chức, viện dẫn trách nhiệm giữ ổn định chính phủ trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại sống còn với Mỹ đang đến gần hạn chót 1/8. Theo ông, việc thay đổi lãnh đạo lúc này có thể khiến các cuộc thương lượng bị đổ vỡ, kéo theo nguy cơ Mỹ áp thuế cao đối với mặt hàng ô tô, linh kiện điện tử và nông sản Nhật Bản.
Hiện tại, tôi chưa đặt ra giới hạn cho nhiệm kỳ của mình. Như tôi đã nói trước đây, chúng tôi sẽ dốc toàn lực để đối phó với các vấn đề cấp bách, từ chính sách thuế quan Mỹ, giá cả leo thang, nguy cơ thiên tai bất ngờ, cho đến môi trường an ninh hậu chiến vốn đang trở nên phức tạp và đầy thách thức nhất từ trước đến nay.”
Tuy nhiên, thông điệp này dường như không đủ thuyết phục các phe đối lập lẫn một bộ phận dân chúng đang mất dần niềm tin vào nội các hiện tại.
Khó khăn lớn nhất của ông Ishiba là chính phủ hiện nay trở thành chính phủ thiểu số tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện. Trong tình thế đó, mọi dự luật và đề xuất ngân sách sẽ phải thương lượng với các đảng đối lập, vốn đang phân tán và có xu hướng đối đầu gay gắt. Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) - lực lượng đối lập chính, đã tuyên bố không hợp tác với chính quyền hiện tại, còn các đảng nhỏ khác cũng đặt điều kiện ngặt nghèo. Sự tê liệt lập pháp là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra.
Mặt khác, trong nội bộ Đảng Dân chủ Tự do (LDP), những tiếng nói bất mãn đang ngày một rõ ràng. Một số nghị sĩ đảng cầm quyền cho rằng Thủ tướng Ishiba đã “không còn giữ được sự hấp dẫn chính trị” và cần mở đường cho một lãnh đạo mới để cứu vãn tình hình trước kỳ bầu cử địa phương vào mùa thu. Không khí sau bầu cử gợi nhớ tới thời điểm cựu Thủ tướng Yoshihide Suga phải từ chức năm 2021 vì mất uy tín sau đại dịch Covid-19 - một tiền lệ khiến dư luận càng chú ý đến các bước đi kế tiếp của ông Ishiba.
Về đối ngoại, sự bất ổn nội bộ Nhật Bản cũng làm gia tăng lo ngại trong các đối tác, đặc biệt khi Tokyo đang đàm phán loạt hiệp định thương mại mới với Mỹ, châu Âu và một số nước ASEAN. Nếu ông Ishiba không giữ vững được vị thế của mình, những tiến trình ngoại giao quan trọng có thể bị đình trệ, gây hệ lụy kinh tế diện rộng.
Về mặt lịch sử, liên minh giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Công Minh đã gần như nắm quyền liên tục kể từ năm 1955. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010 và là lần thứ hai kể từ năm 2007, liên minh này không giành được đa số tại Thượng viện. Trước đó, một thất bại tương tự từng mở đường cho sự thay đổi chính phủ hiếm hoi vào năm 2009, khi Đảng Dân chủ Nhật Bản (hiện đã giải thể) lên cầm quyền trong ba năm đầy sóng gió.
Giới quan sát nhận định Thủ tướng Ishiba chỉ có hai lựa chọn: hoặc nhanh chóng củng cố lại liên minh bằng những thỏa thuận chia sẻ quyền lực với một số đảng nhỏ, hoặc đối mặt với nguy cơ bị chính đảng của mình buộc phải rút lui. Cả hai con đường đều đầy chông gai.
Như giáo sư Hidehiro Yamamoto thuộc Đại học Tsukuba, nhận định với hãng tin AFP: “Ông Ishiba có thể bị thay thế, nhưng chưa rõ ai sẽ là người kế nhiệm”. Nếu điều đó xảy ra, Nhật Bản sẽ có Thủ tướng thứ 11 thuộc đảng LDP kể từ năm 2000, một con số phần nào nói lên sự thiếu ổn định của nền chính trị Nhật Bản trong hai thập kỷ qua.
Chính sách kinh tế trước sóng gió chính trị
Kết quả bầu cử không chỉ làm lung lay chiếc ghế của Thủ tướng Ishiba, mà còn kéo theo một loạt hệ lụy đối với nền kinh tế Nhật Bản, vốn đang chật vật giữa áp lực lạm phát, và mức nợ công cao nhất trong số các nước phát triển. Khi liên minh cầm quyền của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) thất thế, những cam kết chính sách được đưa ra trước đó có nguy cơ bị đình trệ, thậm chí đảo ngược. Trong bối cảnh đó, câu hỏi lớn đặt ra là: chính phủ sẽ điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ như thế nào để vừa giữ được ổn định kinh tế, vừa xoa dịu sức ép chính trị đang gia tăng?
Ngay cả khi vẫn giữ được chức Thủ tướng, ông Ishiba sẽ đối mặt với áp lực rất lớn từ cả trong nội bộ đảng lẫn các phe đối lập về việc mở rộng chi tiêu công. Trước kỳ bầu cử Thượng viện, ông đã cam kết chi trả tiền mặt cho người dân nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt. Đây là một gói hỗ trợ ước tính khoảng 3,5 nghìn tỷ yên (tương đương 23,6 tỷ USD), dự kiến được tài trợ từ nguồn thu thuế. Tuy nhiên, kết quả bầu cử khiến khả năng chính phủ phải đưa ra thêm một ngân sách bổ sung trở nên rõ ràng hơn. Một số nhà phân tích dự báo quy mô gói chi tiêu mùa thu tới có thể lên tới 10 nghìn tỷ yên, khiến áp lực vay nợ gia tăng trong khi tỷ lệ nợ công của Nhật Bản đã ở mức báo động, khoảng 250% GDP.
Bên cạnh áp lực tăng chi tiêu, Thủ tướng Ishiba cũng đang đứng trước một lựa chọn khó khăn khác: có nên giảm thuế bán hàng để xoa dịu dư luận hay không. Hiện tại, Nhật Bản áp thuế bán hàng ở mức 10%, riêng thực phẩm là 8%. Đảng đối lập và một số nhóm dân sinh đã kêu gọi cắt giảm thuế này như một cách trực tiếp để hỗ trợ người dân. Ông Ishiba trước đây đã phản đối ý tưởng này, lập luận rằng thuế bán hàng là nguồn thu quan trọng để tài trợ cho các chương trình phúc lợi xã hội trong bối cảnh dân số già hóa nhanh chóng. Nhưng sau thất bại chính trị, khả năng ông phải nhượng bộ trở thành lựa chọn gần như không thể né tránh.
Tôi nghĩ chính phủ cần áp dụng chính sách thuế một cách hiệu quả hơn, nên đánh thuế cao hơn với những người có thu nhập cao. Còn với những người thu nhập thấp, tốt nhất là tìm cách để họ không bị thiệt thòi.”
Nếu chính phủ buộc phải giảm thuế bán hàng, hậu quả tài khóa sẽ rất đáng kể. Trong năm tài khóa 2025, thuế bán hàng đóng góp khoảng 25 nghìn tỷ yên, tương đương hơn 1/5 tổng ngân sách quốc gia. Nếu thuế được cắt giảm một nửa, ngân sách có thể hụt thu hơn 10 nghìn tỷ yên, khiến chính phủ phải bù đắp bằng cách vay nợ nhiều hơn. Ngoài ra, việc cắt giảm thuế cũng cần được quốc hội thông qua, do đó sẽ không thể diễn ra sớm hơn tháng 4 năm sau.
Thị trường tài chính Nhật Bản đã có phản ứng ngay sau bầu cử. Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh, một dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư lo ngại về khả năng chính phủ phải vay thêm tiền để tài trợ chi tiêu. Trong trường hợp xấu, nếu chính phủ không kiểm soát được thâm hụt, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có thể sẽ vào cuộc. Moody’s đã cảnh báo rằng những áp lực chính trị buộc phải cắt giảm thuế mà không có kế hoạch bù đắp rõ ràng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến xếp hạng tín nhiệm nợ của Nhật Bản, hiện đang ở mức A1.
Nếu niềm tin của thị trường bị suy giảm, Nhật Bản có thể đối mặt với làn sóng bán tháo trái phiếu, đồng yên và cổ phiếu, làm tăng chi phí vay nợ không chỉ cho chính phủ mà còn cho các ngân hàng và doanh nghiệp trong nước.
Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng sẽ không đứng ngoài cơn sóng chính trị. Trong thời gian qua, BOJ đã từng bước rút khỏi chính sách nới lỏng tiền tệ siêu lỏng lẻo kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, với kết quả bầu cử Thượng viện hôm 20/7, khi các đảng đối lập nhỏ hơn vốn không ủng hộ việc tăng lãi suất giành thêm ảnh hưởng, tiến trình này có thể sẽ chậm lại.
Mối lo ngại lớn hơn là nếu Thủ tướng Ishiba từ chức và người kế nhiệm là một chính trị gia ủng hộ nới lỏng mạnh mẽ, chẳng hạn như bà Sanae Takaichi, thì BOJ có thể bị cuốn vào một giai đoạn điều hành bất ổn mới.
Thất bại bầu cử của liên minh cầm quyền đã khiến nền kinh tế Nhật Bản rơi vào thế bị động trước các tính toán chính trị. Dù Thủ tướng Ishiba có tại vị hay không, điều rõ ràng là chính sách kinh tế Nhật Bản trong thời gian tới sẽ mang đậm màu sắc chính trị, với ít không gian hơn cho các quyết định dài hạn và nhiều hơn cho những nhượng bộ ngắn hạn. Dư luận hiện vẫn đang theo dõi sát liệu Đảng Dân chủ Tự do (LDP) có cố gắng duy trì chính quyền thiểu số hay sẽ liên minh thêm với một đảng khác để củng cố thế đa số trong Quốc hội. Đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPP) được xem là đối tác tiềm năng nhất, nhưng cũng là đảng đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đảo ngược lộ trình tăng lãi suất. Vì thế, chính trường Nhật Bản sẽ trở thành biến số khó lường, và chỉ thời gian mới cho thấy hết những hệ lụy mà cuộc bầu cử này sẽ mang lại.