Hậu quả khi tự ý dùng thuốc Đông y

Việc sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng và thành phần nhiều khi gây nên những hậu quả khó lường, có không ít bệnh nhân nhập viện vì những biến chứng.

Xuất phát từ tâm lý thuốc đông y tự nhiên, lành tính, nhưng thực tế, nhiều bài thuốc chưa được kiểm nghiệm lâm sàng, được chế từ dược liệu trôi nổi hoặc do các thầy lang tự phong, hành nghề không phép, thổi phồng công dụng của thuốc. Hậu quả là nhiều người bị bệnh nặng thêm, hoặc bỏ qua giai đoạn vàng để chữa trị bằng y học hiện đại.

Mất cơ hội điều trị vì tin theo thầy lang

Dù đã có rất nhiều những khuyến cáo về tác hại của việc tự ý điều trị bệnh bằng các bài thuốc Nam, thuốc Bắc hay những bài thuốc dân gian, truyền miệng, nhưng rất nhiều người bệnh vẫn tin dùng dẫn đến bệnh không khỏi và hậu quả là phải nhập viện điều trị vì những biến chứng nặng, thậm chí nguy kịch vì do sử dụng thuốc Nam bừa bãi.

Được chẩn đoán mắc viêm gan B, thế nhưng bệnh nhân Đào Anh Đại (xã Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã không điều trị theo phác đồ của bác sĩ mà lựa chọn uống thuốc Nam, tự điều trị theo lời mách bảo của người quen. Hậu quả, sau một thời gian điều trị, bệnh không thuyên giảm, mà biến chứng thành xơ gan, viêm gan cấp và phải vào viện cấp cứu.

Bệnh nhân chia sẻ: "Tôi phát hiện viêm gan B được vài năm rồi, khi phát hiện bệnh, tôi mua thuốc Nam về uống theo người ta mách. Sau khi uống thấy người cũng bình thường, gần đây thấy người khó chịu tôi mới đi nhập viện, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số men gan cao quá và tiến triển rất nhanh".

Một bệnh nhân khác vì tin theo lời quảng cáo trên mạng của thầy lang nên đã mua thuốc Đông y để về tự ngâm, điều trị bệnh trĩ của mình. Không những không khỏi, bệnh nhân còn bị sốc nhiễm trùng rất nặng và phải nhập viện điều trị cấp cứu với tiên lượng nguy kịch.

Không chỉ với những bệnh mãn tính mà ngay cả những bệnh nhân ung thư cũng không ngoại lệ, mặc dù đã được làm sinh thiết chẩn đoán khẳng định mắc ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu, thế nhưng một bệnh nhân vẫn bỏ điều trị và tự dùng thuốc Nam, dẫn đến phải nhập viện cấp cứu do viêm phúc mạc toàn thể vì vết loét ung thư dạ dày. Các bác sĩ cho biết, đây là một việc rất đáng tiếc, vì bệnh nhân đã bỏ qua giai đoạn vàng điều trị.

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết: "Khi đã được chẩn đoán mắc ung thư nhưng người bệnh lại không nhập viện điều trị một cách bài bản mà tự đi điều trị bằng thuốc Nam, hay những bài thuốc gia truyền, truyền miệng, không có cơ sở khoa học... sẽ khiến người bệnh mất đi cơ hội vàng trong điều trị".

Đặt cược sức khỏe, tính mạng mình vào những bài thuốc trôi nổi, đồn thổi thiếu căn cứ, nhiều người bệnh đã phải trả giá đắt, nhẹ thì tiền mất, tật mang và nặng thì bằng chính tính mạng của mình.

Đắp lá chữa bệnh - bệnh nặng thêm

Lâu nay, việc người dân dùng các bài thuốc Đông y chữa bệnh vẫn được nhiều chuyên gia cảnh báo. Theo đó, Đông y không thể chữa khỏi hoàn toàn ung thư mà chỉ có thể hỗ trợ điều trị. Đã có không ít trường hợp bị ung thư phải nhập viện điều trị trong tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong vì dùng lá cây chữa bệnh ung thư.

Một bệnh nhân phát hiện ung thư vú giai đoạn 1, sau khi được các bác sĩ tư vấn bệnh của chị sẽ được điều trị theo phác đồ kết hợp phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Tuy nhiên, nghe bạn bè mách sử dụng thuốc Đông y có thể điều trị khỏi ung thư, bệnh nhân liền tìm đến thầy lang và được bán cho thuốc uống, cùng thuốc đắp vào khối u. Sau 1 năm điều trị bằng việc uống, đắp thuốc Nam, khối u không hề thuyên giảm mà tăng kích thước, sùi loét, hoại tử.  Bệnh nhân gầy mòn, suy kiệt phải truyền máu nâng cao thể trạng trước khi điều trị.

TS.BS Vũ Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chia sẻ: "Bệnh nhân khám phát hiện ung thư vú nhưng nhất định không điều trị Tây y mà nghe mọi người mách bảo nên đã sử dụng thuốc Đông y uống và đắp vào khổi u để chữa bệnh. Sau vài tháng bệnh nhân phát hiện khối u sưng, tấy, đỏ, đau có quay lại nhà thầy lang thì thầy lang lại bảo như vậy là đang công thuốc, như vậy tốt nên tiếp tục dùng thuốc".

Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân sử dụng thuốc Đông y để điều trị ung thư gây ra những hậu quả nghiêm trọng và làm mất đi thời gian vàng trong điều trị ung thư.

Theo các chuyên gia, ung thư chỉ có thể điều trị khỏi khi được điều trị theo những phương pháp khoa học đã được kiểm chứng như: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị... Tùy vào thể trạng của mỗi bệnh nhân, các bác sĩ sẽ áp dụng một phương pháp điều trị sao cho phù hợp nhất. Riêng đối với các biện pháp điều trị bằng Đông y sẽ có tác dụng hỗ trợ, nhưng phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, dùng thuốc đúng liều lượng, thăm khám để điều chỉnh đơn thuốc cho phù hợp thể trạng, thay vì sử dụng lâu dài dễ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cẩn trọng với Đông y gia truyền

Từ Facebook, TikTok cho tới YouTube, chỉ cần gõ cụm từ “thuốc Đông y gia truyền”, hàng trăm video hiện ra với một câu nói quen thuộc “Nhà tôi 3 đời chữa bệnh...” và các “bài thuốc gia truyền” được giới thiệu trên mạng xã hội như là thần dược. Nhưng đằng sau đó thì không ai biết trong những thang thuốc, viên thuốc gia truyền đó có những thành phần gì.

Những “lương y” tự xưng xuất hiện với áo blouse trắng, giọng điệu đĩnh đạc, bối cảnh bài bản như phòng khám, nhưng lại thực hiện khám chữa bệnh với mô hình “3 không”: không khám, không kê đơn và không kiểm chứng.

Không cần khám trực tiếp, không xét nghiệm, không đơn thuốc, chỉ cần bệnh nhân gửi vài dòng mô tả qua Zalo, Facebook là thuốc được gửi tận nhà. Tưởng như tiện lợi, hiện đại, nhưng hậu quả khôn lường.

Mới đây, ngày 5/6, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố Hoàng Thị Ngọc (sinh năm 1988, Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Tân Thảo Dược Nam Hoa, cầm đầu đường dây sản xuất thuốc giả với danh nghĩa “gia truyền Đông y”. Ngọc cùng đồng phạm nghĩ ra công thức thuốc, làm giả giấy kiểm nghiệm và “hợp thức hóa” sản phẩm bằng hồ sơ công bố tại Bắc Ninh. Kết quả giám định cho thấy 12 loại thuốc của nhóm này không chứa hoạt chất điều trị, hoàn toàn không đủ điều kiện để được xem là thuốc. Gần 34.000 hộp thuốc giả, trị giá gần 1 tỷ đồng bị thu giữ.

Hậu quả của niềm tin mù quáng vào những sản phẩm “gia truyền” không rõ nguồn gốc không chỉ là tiền mất; có những cái giá phải trả bằng sức khỏe, thậm chí tính mạng.

Thuốc chữa bệnh - hiểu đúng để dùng đúng

Không thể phủ nhận hiệu quả của thuốc y dược cổ truyền trong điều trị bệnh, bởi trên thực tế, nhiều bài thuốc dân gian, cổ truyền có tác dụng tốt đối với người bệnh, được giới chuyên môn và cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu, đánh giá, công nhận và được phép lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, mỗi cây thuốc có dược tính và độc tính khách nhau. Trong khi thuốc Nam khó kiểm soát được liều dùng do đơn vị tính thường là thang thuốc, bao gồm nhiều vị thuốc khác nhau, phối hợp thuốc không đúng có thể làm giảm hiệu quả điều trị hoặc tăng tác dụng phụ và độc tính.

Theo quy định, việc dùng thuốc bắt buộc phải có đơn của bác sĩ cho dù là Đông y hay Tây y. Riêng với Đông y, để có thể kê một thang thuốc cho người bệnh, các bác sĩ cũng phải trải qua quy trình thăm khám lâm sàng để chẩn đoán chính xác bệnh, sau đó kê đơn để dược sĩ bốc thuốc. Có thể sử dụng thuốc Nam, thuốc Bắc để điều trị cho người bệnh, nhưng tất cả những thuốc Nam và thuốc Bắc này đều phải đạt tiêu chuẩn GCP và được quản lý bởi Cục Y dược cổ truyền Bộ Y tế.

TS.BS Phạm Thùy Dương - Trưởng khoa Lao, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết: "Đối với điều trị bằng thuốc y học cổ truyền, chúng ta có 3 phương pháp điều trị, thứ nhất là áp dụng bài thuốc cổ phương để điều trị, trong bài thuốc cổ phương thì đã có từ ngàn đời năm nay rồi và chúng ta áp dụng theo đúng liều lượng, quy định của bài thuốc cổ phương. Bên cạnh đó là điều trị theo đối pháp lập phương và cũng phải tuân thủ theo liều lượng và theo lý dược để đưa ra hàm lượng cụ thể trên bệnh nhân và ngoài ra nó còn phụ thuộc vào cân nặng của bệnh nhân".

Cũng theo các bác sĩ, để sử dụng thuốc y dược cổ truyền hay Đông y hiệu quả thì việc đảm bảo đầy đủ các vị thuốc với số lượng theo đơn là vô cùng quan trọng.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, khác với các vị thuốc Đông y được sao chế để loại bỏ độc tính, hạn chế tác dụng phụ trước khi phối hợp, thuốc Nam đa số là do người dân lên rừng kiếm cây, lá mang về băm nhỏ, phơi khô mà không loại bỏ được độc chất, mủ cây... và dùng theo truyền miệng, kinh nghiệm dân gian chưa được kiểm chứng. Vì vậy, việc người bệnh tự ý sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh là rất nguy hiểm.

TS.BS Phạm Thùy Dương khuyến cáo: "Bệnh nhân khi đã có những chẩn đoán điều trị tại bệnh viện rồi thì nên tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ tại bệnh viện chứ không nên đi theo lời truyền miệng điều trị bằng thuốc Nam, thuốc lá không rõ nguồn gốc. Tất cả những thuốc đó sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng tạng phủ của người bệnh, thậm chí nó sẽ làm cho bệnh nhân bệnh nặng hơn và mang lại hệ quả rất xấu cho người bệnh".

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời