Hà Nội tiên phong chuyển đổi xanh trong ngành du lịch
Chuyển đổi xanh trong du lịch là yêu cầu tất yếu. Tại Hà Nội, nhiều khách sạn lớn đã chủ động “xanh hóa” từ sớm, bắt đầu từ những thay đổi nhỏ trong phục vụ.
Chuyển đổi xanh không còn là xu hướng, mà đã trở thành một yêu cầu tất yếu trong ngành du lịch. Tại Hà Nội, nhiều khách sạn lớn đã không chờ chính sách mà chủ động "xanh hóa" từ sớm – bắt đầu từ những thay đổi nhỏ nhất trong quy trình phục vụ.
Từ chiếc thẻ phòng làm bằng gỗ, đến bàn chải, dao cạo, lược được làm từ bã mía… mọi chi tiết nhỏ trong phòng nghỉ đều cho thấy nỗ lực 'xanh hóa'. Ngay cả túi trà hay chai nước mời cũng không còn bóng dáng của nilon hay nhựa.
Từ cuối năm 2022, khách sạn này đã triển khai chuyển đổi xanh, tích hợp các yếu tố bền vững vào vận hành. Song hành trình này cũng gặp không ít thách thức.
Bà Đặng Thị Hải Linh – Tổng Quản lý Khách sạn Novotel Hanoi Thái Hà và Novotel Suites Hanoi cho biết: "Cái lớn nhất là chi phí thay đổi, nó tăng cái chi phí vận tải. Ngân sách về vận hành này thay đổi rất lớn. Một cái chai nước nhựa hay chai dùng một lần và một cái chai nước thủy tinh, chi phí có thể bị tăng lên mấy lần. Ngoài chi phí ra khó khăn nữa là nguồn hàng, với sự cung ứng của nhà cung cấp của Việt Nam mình. Cũng theo cam kết giảm thiểu khí thải thì chúng tôi không thể nhập hàng ở nước ngoài về được. Nhập nước ngoài về đương nhiên nó sẽ liên quan đến vấn đề vận chuyển. Vậy làm sao để mình có thể vừa có mặt hàng mình mua được ở trong nước, vừa đáp ứng được những yêu cầu an toàn cho người sử dụng. Chúng tôi có những nhà cung cấp và tìm những nhà cung cấp và họ chuyển giao công nghệ thì sau một thời gian chúng tôi cũng đáp ứng được."
Trên địa bàn Hà Nội hiện có hơn 3.700 cơ sở lưu trú. Trong đó, khối khách sạn từ 4 sao trở lên đã đạt tỷ lệ chuyển đổi xanh từ 70 đến 90%. Tuy nhiên, với nhóm cơ sở lưu trú dưới 3 sao, việc chuyển đổi vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Trần Quang – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết: "Để việc hỗ trợ cho các đơn vị này chuyển đổi đạt những hiệu quả cao nhất thì Sở Du lịch chúng tôi cũng sẽ tập trung vào một số giải pháp. Thứ nhất là tập trung tăng cường hỗ trợ cho các đơn vị trong công tác tập huấn nâng cao năng lực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cũng như là các chương trình chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị đã thực hiện thành công cái việc chuyển đổi chuyển đổi xanh trong du lịch. Thứ hai là chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Sở Công thương với các đơn vị có liên quan để liên kết kết nối các đơn vị sản xuất các đơn vị cung ứng cũng như là khuyến khích các đơn vị có các chính sách phù hợp về đơn giá, về các dịch vụ khác khi mà cung ứng, cung cấp cho các khách sạn, các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Hà Nội."
Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phương án, giải pháp cụ thể để tham mưu UBND thành phố, nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh tại toàn bộ cơ sở lưu trú và khu du lịch trên địa bàn. Hà Nội đặt mục tiêu đến ngày 1/1/2026, 100% cơ sở không còn sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần trong hoạt động kinh doanh.