Hà Nội chủ động ứng phó mưa bão

Các địa phương tại Hà Nội đã và đang chủ động chuẩn bị nhiều phương án ứng phó để giảm thiểu thiệt hại khi cơn bão số 3 (Wipha) đổ bộ vào đất liền.

Mưa bão luôn để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, vì vậy cần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu để giảm nhẹ thiệt hại có thể xảy ra.

So sánh bão Wipha (2025) và Yagi (2024) 

Bão Yagi di chuyển từ Tây Tây Bắc, đổi hướng lên phía Bắc và lệch thẳng vào Hà Nội; đường đi thẳng và nhanh, gây tác động tức thì. Về cường độ gió, cả hai cơn bão đều có cường độ gió cấp 9-10, tức khoảng 75–102 km/h, giật cấp 12, thậm chí có thể lên đến cấp 11-12, giật cấp 15 khi vào bờ. Đặc biệt, bão Wipha được dự báo sẽ tăng lên cấp 12, giật cấp 15 khi đi sát phía đông đảo Hải Nam, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Về tốc độ di chuyển, bão Wipha khi vào Biển Đông di chuyển nhanh khoảng 20 km/h nhưng sau 72 giờ sẽ chậm lại còn 5-10 km/h, khiến ảnh hưởng kéo dài đến 2-3 ngày với hoàn lưu rộng. Bão Yagi di chuyển nhanh hơn, khoảng 30-35 km/h, với diễn biến bất thường, gây khó lường trong dự báo và thời gian ảnh hưởng chỉ 1-2 ngày nhưng gây mưa lớn liên tục.

Về khả năng ảnh hưởng tới Hà Nội, bão Wipha dự kiến gây mưa lớn diện rộng từ ngày 21/7 đến 24/7, với lượng mưa từ 200 đến 350mm, có nơi trên 600mm, gây ngập úng, cây đổ và gió cấp 7-8. Bão Yagi trước đó đã gây gió giật mạnh cấp 9, ngập nghiêm trọng, mất điện một số nơi và làm nhiều mái tôn, cây xanh bị gãy đổ.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp, cơn bão Wipha có đường đi khá giống với bão Yagi năm 2024. Khi vào đến Biển Đông, cả hai cơn bão đều có xu hướng mạnh lên. Một kịch bản khác rằng bão Wipha có thể đi lệch lên phía Bắc, dọc theo ven biển Quảng Tây (Trung Quốc). Nếu vậy, mưa lớn và gió mạnh ảnh hưởng đến đất liền nước ta sẽ giảm bớt.

So với bão Yagi, bão Wipha có hai điểm khác biệt. Thứ nhất, khi vào Biển Đông, bão Wipha có thể lệch nhiều về phía Bắc hơn và thứ hai, lượng hơi ẩm từ đại dương cũng ít hơn, nên bão sẽ không mạnh lên nhanh như Yagi. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý bão có thể vào đất liền với sức gió mạnh cấp 10-11, giật lên đến cấp 14-15.

Điều khiến Wipha trở nên khó lường không phải là tốc độ hay cường độ hiện tại, mà là khả năng thay đổi đường đi nhanh chóng, kèm theo những ổ mưa dông ngoại vi. Vì vậy cần thận trọng, chuẩn bị kỹ càng các phương án phòng chống. 

Hà Nội chủ động ứng phó trước tác động của bão Wipha

Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do đợt lũ lịch sử từ bão Yagi năm 2024, hàng trăm hộ dân ở phố Phúc Tân, phường Hồng Hà nay đã có cho mình những kinh nghiệm để chủ động hơn trước bão. Trước hình thái thời tiết nguy hiểm như cơn dông chiều ngày 19/7, người dân càng ý thức trong việc chủ động gia cố nhà cửa, nâng cao cảnh giác trước diễn biến thời tiết. 

Cô Ngô Thị Xuân Thuỷ (phường Hồng Hà) cho biết: "Tôi sợ chứ. Đang bán phở mà dông to, bão lớn, tưởng bay cả nóc nhà! Toàn bộ người dân quanh đây hầu như không ai bán hàng, chủ động chuẩn bị chống bão".

"Gia đình chúng tôi cũng đã chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm và chặn tôn, mái nhà để chẳng may bão ập đến trong đêm thì vẫn kịp thời trở tay", anh Hoàng Thanh Tú (phường Hồng Hà) cho hay.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, do ảnh hưởng của trận dông lốc vào chiều tối ngày 19/7, tính đến 7h30 sáng 20/7, trên địa bàn Hà Nội có 941 cây đổ và gãy. Ngay trong và sau trận mưa dông, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh và các công ty cây xanh trên địa bàn huy động tổng lực lượng thu gom cây gãy đổ, giải toả đảm bảo giao thông; đồng thời chủ động cắt bỏ tán cây rộng, cành cao đúng kỹ thuật, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra khi cây bật gốc, cành cây lớn rơi xuống đè trúng xe cộ, nhà cửa hoặc làm đứt dây điện, dẫn đến tình trạng mất điện trên diện rộng. 

Trước mùa bão lớn, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng huy động các phương tiện, máy móc số lượng lớn tăng cường nạo vét sông Tô Lịch, dọn nhưng khu vực gầm cầu, ven sông để loại bỏ rào cản, tăng lưu lượng thoát nước. 

Ông Đinh Công Hoà, Phó Giám đốc Xí nghiệp thi công cơ giới xây lắp, Công ty Thoát nước Hà Nội chia sẻ: "Để chuẩn bị chống bão, chúng tôi đã huy động lực lượng thực hiện công tác bảo dưỡng, sẵn sàng phục vụ cơn bão với tinh thần cao nhất. Chúng tôi đã bố trí, phân công các vị trí cụ thể để chống bão theo yêu cầu của công ty".

Hà Nội chủ động từ sớm, bài bản hơn từ cơ sở

Cách đây gần một năm, khu vực huyện Chương Mỹ trước đây là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng úng ngập lâu nhất của bão Yagi. Mỗi khi lũ rừng ngang ập về, nhà cửa, hoa màu của người dân bờ hữu sông Bùi lại chìm trong biển nước. Bão Yagi năm 2024 đã đi qua, nhưng dấu tích của trận ngập úng dài ngày vẫn còn in dấu trên những bức tường hay cánh cửa của mỗi hộ dân thôn Nhân Lý. 

Chị Phùng Thị Xuyến (xã Xuân Mai) chia sẻ: "Năm ngoái, cơn bão số 3 về, tôi cũng thiệt hại đôi chút. Nhưng dân làng nhiều nhà cũng mất nhiều. Năm nay cơn bão tới, địa phương đã thông báo. Chúng tôi cũng chuyển đồ đạc lên trên cho khỏi thiệt hại".

Rút kinh nghiệm từ bão Yagi năm ngoái, công tác phòng chống thiên tai đã được cán bộ xã Xuân Mai thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Nhiều tuyến đê đã được kè, gia cố cẩn thận, những đoạn đê bị nứt vỡ đã được sửa chữa kịp thời, đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ.

"Sau cơn Yagi năm ngoái, huyện Chương Mỹ trước đây đã có các phương pháp gia cố. Nên năm nay các khu vực đê trên địa bàn xã sẽ được đảm bảo, khi xảy ra bão lũ sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng", ông Trịnh Bá Thường - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Mai cho hay.

Để ứng phó với bão số 3, thành phố Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, nạo vét hệ thống thoát nước, lắp đặt trạm bơm dự phòng, bơm tiêu nước đệm và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng phó khi có tình huống ngập úng xảy ra. Tại Trạm bơm tiêu Hạ Dục 2, 9 tổ máy có tổng công suất trên 90.000 m³/giờ, tiêu úng cho gần 4.000 ha của ba xã, phường mới của huyện Chương Mỹ trước đây bao gồm: phường Chương Mỹ, xã Quảng Bịxã Hoà Phú. Năm ngoái, trước ảnh hưởng ngập úng của cơn bão số 3, đây là trạm bơm tiêu chính cho cả vùng.

Ông Nguyễn Quang Dũng - Đội trưởng Đội thủy nông hạ dục, Xí nghiệp Thủy lợi Chương Mỹ thông tin: “Về công tác trực, chúng tôi luôn có đầy đủ cả 3 ca hàng ngày. Đến hiện giờ, 100% cơ số máy bơm đã sẵn sàng vận hành khi có mưa xảy ra trên địa bàn, đảm bảo giảm tối đa thiệt hại do thiên tai".

Theo dự báo, cơn bão số 3 sẽ ảnh hưởng mưa lớn trong những ngày tới, Hà Nội có thể sẽ hứng mưa lớn đến rất lớn. Với sự chuẩn bị từ sớm, những thiệt hại do thiên tai sẽ được hạn chế tới mức tối đa. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời

15 trả lời