Gian nan cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran
Mặc dù E3 và Iran vẫn duy trì các cuộc đàm phán nhưng quan hệ đã xấu đi nhiều trong năm qua do phương Tây liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Tehran.
Cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25/7 đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực tháo gỡ bế tắc kéo dài nhiều năm, thể hiện nỗ lực của Iran và ba cường quốc châu Âu gồm Pháp, Đức và Anh (gọi tắt là nhóm E3).
Tại sao Iran và E3 lại đàm phán vào lúc này?
Cuộc họp kín giữa Iran và nhóm E3 diễn ra ở cấp thứ trưởng, tại tòa nhà Lãnh sự quán Iran ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, với sự tham gia của Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề pháp lý và quốc tế Kazem Gharibabadi, Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách vấn đề chính trị Majid Takht-e Ravanchi và đại diện nhóm E3. Trọng tâm của cuộc họp là khả năng áp dụng cơ chế tái áp đặt trừng phạt (hay còn gọi là cơ chế snapback) đối với Iran vốn từng được dỡ bỏ theo thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) đã được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga và Trung Quốc) vào năm 2015.
Sau cuộc họp kéo dài khoảng 4 giờ, Thứ trưởng Gharibabadi cho biết, Iran và E3 đã có những cuộc thảo luận "nghiêm túc, thẳng thắn và chi tiết" về chương trình hạt nhân và vấn đề dỡ bỏ lệnh trừng phạt, đồng thời nhất trí sẽ có các bước tham vấn tiếp theo. Kể từ sau ngày họp này, Iran sẽ có khoảng 5 tuần để đạt được tiến triển trước thời hạn chót cuối tháng 8 do E3 đưa ra - thời điểm các quốc gia này có thể bắt đầu tiến trình tái kích hoạt cơ chế “snapback” đối với Tehran.
JCPOA được xây dựng trên nguyên tắc có đi có lại, cho phép cả Iran và các bên còn lại sử dụng công cụ gây sức ép nếu một bên không tuân thủ. Theo đó, cơ chế "snapback" vốn được quy định trong Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an, cho phép bất kỳ thành viên nào của JCPOA khôi phục lệnh trừng phạt nếu phát hiện Iran vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt, Washington đã mất quyền hợp pháp để kích hoạt cơ chế này. Trong số các bên tham gia ký kết còn lại gồm Đức, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga thì chỉ có các nước châu Âu bày tỏ ý định sử dụng cơ chế “snapback”.
Trước vòng đàm phán ở Istanbul lần này, các nhà ngoại giao EU hối thúc Iran đạt tiến triển trước thời hạn chót khi quy định về tái áp đặt trừng phạt sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10 và cần 30 ngày để kích hoạt lại cơ chế này. Các nước phương Tây muốn Iran chấm dứt hoàn toàn chương trình làm giàu urani để ngăn chặn nguy cơ phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi Iran khẳng định chỉ phát triển hạt nhân vì mục đích dân sự.
“Nếu họ đến vì một giải pháp đôi bên cùng có lợi, chúng tôi sẵn sàng hợp tác với họ. Ý tôi là chúng tôi sẵn sàng thực hiện bất kỳ biện pháp xây dựng lòng tin nào cần thiết để chứng minh rằng chương trình hạt nhân của Iran là hòa bình. Iran sẽ không bao giờ theo đuổi vũ khí hạt nhân. Và đổi lại, chúng tôi mong đợi họ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt”.
Mặc dù Tehran chưa công bố phản ứng cụ thể nếu châu Âu tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc nhưng Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã khẳng định rằng, hành động này nếu được thực hiện sẽ chấm dứt vai trò của Anh, Pháp và Đức trong hồ sơ hạt nhân Iran.
“Tôi phải nói rất rõ ràng và dứt khoát rằng, Iran sẽ vẫn cam kết với Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân. Iran sẽ tiếp tục hợp tác với IAEA, nhưng sự hợp tác này hiện được chuyển giao thông qua Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao của chúng tôi. Việc này chưa dừng lại, nhưng sẽ được xem xét từng trường hợp cụ thể”.
Mặc dù E3 và Iran vẫn duy trì các cuộc đàm phán nhưng quan hệ đã xấu đi nhiều trong năm qua do phương Tây liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Tehran vì chương trình hạt nhân của nước này. Trong khi đó, dù giới chuyên gia cũng đưa ra nhiều kịch bản khác nhau, song vẫn có sự đồng thuận gần như tuyệt đối rằng việc kích hoạt cơ chế “snapback” sẽ giáng một đòn mạnh vào tiến trình ngoại giao.
Lợi ích của các bên trong việc duy trì đàm phán
Vòng đàm phán mới nhất của Iran và nhóm E3 diễn ra trong bối cảnh sự kiên nhẫn của châu Âu với Tehran đang dần cạn kiệt. E3 đang thúc đẩy nhóm thanh tra hạt nhân của Liên hợp quốc quay trở lại Iran, một phần nhằm ngăn chặn Tehran không cố gắng tái cấu trúc chương trình hạt nhân của mình sau những thiệt hại mà các cuộc không kích của Mỹ và Israel gây ra vào tháng 6 vừa qua. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, nếu đạt được thỏa thuận với E3 trước tháng 8, Iran không chỉ kiểm soát nguy cơ leo thang quân sự mà còn nhanh chóng khôi phục xuất khẩu dầu thô - mặt hàng chủ lực của nước này.
Sự kiên nhẫn của châu Âu với Iran đang cạn khi các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ, trong khi Pháp cảnh báo rằng, các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc có thể bị tái áp đặt trừ khi Iran đưa ra các cam kết có thể kiểm chứng. Ngoại trưởng Pháp ngày 15/7 vừa qua đã phát biểu trước các đối tác Liên minh châu Âu (EU) rằng, Paris và các đối tác của mình là Berlin và London sẽ khôi phục các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran nếu không có “cam kết chắc chắn, cụ thể và có thể kiểm chứng” từ Tehran.
“Iran đã vi phạm các nghĩa vụ đã cam kết cách đây 10 năm trong các cuộc đàm phán hạt nhân. Do đó, Pháp và các đối tác có toàn quyền tái áp đặt các lệnh cấm vận vũ khí, ngân hàng và thiết bị hạt nhân trên toàn thế giới đã được dỡ bỏ 10 năm trước. Nếu Iran không đưa ra những cam kết chắc chắn, cụ thể và có thể kiểm chứng, chúng tôi sẽ thực hiện việc này chậm nhất là vào cuối tháng 8”.
Theo một số chuyên gia, trong đó có ông Ali Vaez, Giám đốc chương trình Iran tại Tổ chức khủng hoảng quốc tế, tối hậu thư của E3 đưa ra vô cùng nghiêm trọng. Ông lập luận phương Tây ngày càng tự tin rằng cơ chế "snapback" là “đòn bẩy không thể bỏ qua” để buộc Iran ít nhất là phải cho phép các thanh sát viên quốc tế đến các địa điểm hạt nhân của nước này và nhiều nhất là đạt được một thỏa thuận với Mỹ. Tuy nhiên, xét đến việc Iran vẫn kiên định với lập trường trong các cuộc đàm phán hạt nhân với phương Tây, chỉ có đạt được thỏa thuận mới đảm bảo lợi ích của tất cả các bên.
Các chuyên gia nhận định, nếu đạt được thỏa thuận, Iran có thể nhanh chóng khôi phục xuất khẩu dầu thô lên mức trước trừng phạt, tức là từ mức hiện tại chỉ khoảng 500.000 thùng/ngày lên mức 2,5 triệu thùng/ngày. Việc này có thể gây áp lực giảm giá dầu toàn cầu, vốn đang dao động quanh mức 85 USD/thùng, xuống dưới 75 USD/thùng trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, việc chủ động quay lại bàn đàm phán vào lúc này còn nhằm kiểm soát nguy cơ leo thang quân sự, đồng thời tìm kiếm những cam kết an ninh rõ ràng từ phía các đối tác, điều mà giới chức Iran khẳng định là điều kiện không thể thiếu trong bất kỳ thỏa thuận nào. Tehran mong muốn một cơ chế ngăn chặn khả năng tái diễn các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng chiến lược, vốn ngày càng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Ở chiều ngược lại, đối với E3, việc duy trì một kênh đối thoại với Iran có ý nghĩa chiến lược trong việc ngăn chặn nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân tại một khu vực vốn đã đầy bất ổn. Kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào năm 2018, thỏa thuận hạt nhân đã rơi vào tình trạng đình trệ. Dù các nước châu Âu vẫn nỗ lực duy trì khung thỏa thuận này, tuy nhiên các biện pháp trừng phạt của Mỹ cùng việc Iran tăng cường làm giàu urani khiến niềm tin lẫn nhau ngày càng suy giảm. Tính đến giữa năm 2025, IAEA cho biết, Iran đã làm giàu urani lên tới mức 60%, tiến gần ngưỡng vũ khí hạt nhân. Đây là mức độ chưa từng có trước khi JCPOA được ký kết. Với bối cảnh địa chính trị khu vực ngày càng phức tạp, đặc biệt là khi Mỹ tập trung vào các ưu tiên địa chính trị khác, việc ngăn chặn Iran tiến tới năng lực hạt nhân quân sự trở thành ưu tiên hàng đầu của EU và gó phần giúp châu Âu khẳng định vai trò độc lập.
Kịch bản khả thi
Theo các chuyên gia, kịch bản khả thi nhất cho cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và các nước phương Tây là một thỏa thuận tạm thời. Theo đó Iran sẽ đóng băng các hoạt động làm giàu urani ở mức 60% và cho IAEA tiếp cận lại các cơ sở giám sát, đồng thời được hưởng một phần nới lỏng trừng phạt mang tính nhân đạo. Mô hình này từng được áp dụng năm 2013, đóng vai trò bước đệm cho JCPOA và nay tiếp tục được coi là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn leo thang căng thẳng trong thời điểm hiện tại.
Cuộc đàm phán tại Istanbul có thể không mang lại một đột phá ngay lập tức, nhưng là cơ hội cần thiết để duy trì đối thoại trong một bối cảnh mà các giải pháp quân sự đang ngày càng lấn át ngoại giao. Việc quay lại bàn đàm phán, dù còn nhiều nghi ngại nhưng vẫn cho thấy các bên liên quan coi đối thoại là con đường khả dĩ nhất để kiểm soát rủi ro và duy trì ổn định khu vực. Kết quả của các cuộc đàm phán tiếp theo đây có thể định hình tương lai quan hệ giữa Iran và phương Tây hoặc mở đường cho giải pháp ngoại giao giảm căng thẳng, hoặc dẫn tới vòng cô lập và áp lực kinh tế mới đối với Tehran. Đồng thời, đây cũng là phép thử đối với nỗ lực kiềm chế phổ biến vũ khí hạt nhân trong một khu vực đang đối mặt với nguy cơ leo thang quân sự.
“Tôi nghĩ rằng các bên cần có một tính toán chiến lược thực sự thay cho việc áp dụng lập trường đàm phán của Israel. Lấy ví dụ về cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Iran: ban đầu, lập trường của Tổng thống Trump rất hợp lý và thực tế, giới hạn chương trình hạt nhân của Iran ở mức tối đa 3,67%, chỉ sử dụng cho mục đích dân sự; sau đó, ở giữa chừng, ông ấy đã áp dụng lập trường của Israel, yêu cầu Iran không được tiến hành bất kỳ chương trình hạt nhân nào. Đây là điều mà Mỹ đã từng thử trước đây và kết quả là chẳng dẫn chúng ta đến đâu cả ngoài việc tạo ra bế tắc”.
Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều rào cản. Mặc dù cả hai bên đều thể hiện thiện chí nhất định, nhưng trở ngại thực chất rất lớn, Iran tiếp tục khẳng định rằng bất kỳ tiến bộ nào trong đàm phán phải đi kèm với việc xóa bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt kinh tế; trong khi nhóm E3 lại nhấn mạnh yêu cầu Iran phải có cam kết rõ ràng trong việc giảm làm giàu urani cũng như cho phép các thanh sát viên quốc tế hoạt động đầy đủ, trước khi xem xét nới lỏng trừng phạt.
Rủi ro lớn hơn là cuộc đàm phán lần này có thể bị chi phối bởi các yếu tố ngoài phạm vi kỹ thuật hạt nhân, bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, chính sách đối ngoại tại khu vực và quan hệ Tehran - Tel Aviv. Nếu các bên không giữ được trọng tâm, nguy cơ sụp đổ đàm phán lần nữa là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra, các yếu tố ngoài đàm phán như tình hình bất ổn tại Syria, căng thẳng Israel - Iran hay biến động chính trị trong nội bộ Iran và các nước EU cũng có thể ảnh hưởng đến tiến trình và kết quả cuối cùng. Các chuyên gia nhận định, triển vọng vòng đàm phán đạt được một thỏa thuận toàn diện là khá thấp nhưng có thể đóng vai trò “phá băng”, giúp tái lập lòng tin và các cơ chế đối thoại kỹ thuật.
Sau các cuộc không kích của Israel và Mỹ, cuộc đối đầu xung quanh cơ chế "snapback" trong khuôn khổ JCPOA nhằm khôi phục lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc dường như không còn là yếu tố quyết định duy nhất. Giả sử Iran vẫn từ chối nhượng bộ về việc làm giàu hạt nhân, E3 khởi động cơ chế "snapback" và Iran đáp trả bằng cách rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Khi đó, câu hỏi quan trọng vẫn sẽ là: Iran có thực sự quay trở lại phát triển vũ khí hạt nhân hay không? Và nếu có, liệu họ có thể đạt được bom hạt nhân trong vòng chưa đầy một năm, hay tiến trình tái thiết sẽ kéo dài, khiến mối đe dọa tạm thời bị đẩy lùi? Đây đều là những câu hỏi mà các cường quốc đang phải tìm kiếm câu trả lời trong các cuộc đàm phán tiếp theo với Tehran.