Dự luật thuế 'to và đẹp' của ông Trump có gì?

Dự luật thuế và chi tiêu quy mô lớn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, được Đảng Cộng hòa gọi là “to lớn và đẹp đẽ” đã được Thượng viện Mỹ thông qua hôm thứ Ba.

Dự luật sẽ được chuyển cho Hạ viện bỏ phiếu lần cuối vào thứ Tư và chuyển cho tổng thống ký vào hạn chót 4/7.

Kéo dài các khoản cắt giảm thuế lớn

Sau khi nhậm chức vào năm 2017, Tổng thống Trump đã ký Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm, giảm thuế và tăng mức khấu trừ tiêu chuẩn cho tất cả người nộp thuế, nhưng nhìn chung mang lại lợi ích nhiều hơn cho những người có thu nhập cao. Các điều khoản này dự kiến hết hiệu lực sau năm nay, nhưng “dự luật to và đẹp” sẽ kéo dài vĩnh viễn hiệu lực của đạo luật này, đồng thời tăng mức khấu trừ tiêu chuẩn thêm 1.000 USD cho cá nhân, 1.500 USD cho chủ hộ và 2.000 USD cho các cặp vợ chồng, dù chỉ đến năm 2028.

Cắt giảm thuế tiền boa và làm thêm giờ

Dự luật bao gồm một loạt các khoản miễn giảm thuế mới – nhưng chỉ trong thời gian ông Trump còn tại vị. Một số miễn giảm xuất phát từ những lời hứa khi ông Trump tranh cử năm ngoái. Người nộp thuế sẽ có thể khấu trừ thu nhập từ tiền boa, làm thêm giờ và lãi vay mua ô tô được lắp ráp tại Mỹ. Người từ 65 tuổi trở lên được khấu trừ thêm 6.000 USD, với điều kiện thu nhập không vượt quá 75.000 USD (đối với cá nhân) hoặc 150.000 USD (đối với cặp vợ chồng). Tuy nhiên, tất cả ưu đãi này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2028 – ngay trước khi nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump kết thúc.

Tài trợ cho trục xuất hàng loạt và xây tường biên giới

Như một phần trong kế hoạch trục xuất người nhập cư trái phép khỏi Mỹ, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE) sẽ nhận được 45 tỷ USD cho các cơ sở giam giữ, 14 tỷ USD cho hoạt động trục xuất và thêm hàng tỷ USD để tuyển dụng thêm 10.000 đặc vụ mới trước năm 2029. Hơn 50 tỷ USD được phân bổ cho việc xây dựng các công trình kiên cố dọc biên giới – có thể bao gồm cả bức tường biên giới với Mexico.

Đài PTTH Hà Nội
Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật thuế và chi tiêu quy mô lớn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cắt giảm Medicaid và tem phiếu thực phẩm

Để giảm chi phí của dự luật, Đảng Cộng hòa đề xuất cắt giảm hai chương trình an sinh xã hội lớn: Medicaid – chương trình chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và người khuyết tật, và SNAP – chương trình hỗ trợ thực phẩm. Cả hai sẽ bị cắt ngân sách và bổ sung các yêu cầu làm việc mới. Trung tâm Ưu tiên Ngân sách và Chính sách (có khuynh hướng cánh tả) ước tính thay đổi về Medicaid có thể khiến 10,6 triệu người mất quyền chăm sóc sức khỏe, và khoảng 8 triệu người – tương đương 1/5 số người nhận SNAP – mất trợ cấp thực phẩm.

Cắt giảm hỗ trợ năng lượng sạch

Dự luật sẽ loại bỏ dần nhiều khoản ưu đãi thuế được ban hành trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden nhằm khuyến khích sử dụng xe điện và công nghệ năng lượng sạch. Các khoản tín dụng cho xe thân thiện môi trường sẽ kết thúc trong năm nay, cùng với các khoản trợ cấp cho người dân muốn nâng cấp thiết bị gia dụng sạch hơn, tiết kiệm năng lượng hơn. Một bản dự thảo từng đề xuất đánh thuế tiêu thụ vào các dự án năng lượng gió và mặt trời, nhưng Thượng viện đã bỏ phần này vào phút chót.

Giảm thuế tiểu bang và địa phương 

Một trong những vấn đề gai góc nhất là mức miễn giảm thuế tiểu bang và địa phương, vốn người dân phải trả thêm ngoài thuế liên bang. Một số Hạ nghị sĩ Cộng hòa đại diện các bang do Đảng Dân chủ lãnh đạo đã từ chối ủng hộ dự luật cho đến khi mức trần khấu trừ thuế này được nâng từ 10.000 USD lên 40.000 USD. Phiên bản của Thượng viện giữ mức trần 40.000 USD, nhưng chỉ đến năm 2028.

Tăng trần nợ công

Dự luật sẽ nâng giới hạn vay của chính phủ Mỹ (trần nợ) thêm 5.000 tỷ USD. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent dự đoán Mỹ sẽ chạm ngưỡng trần nợ vào tháng 8 – thời điểm chính phủ có thể vỡ nợ và gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Người giàu hưởng lợi nhiều hơn 

Theo Phòng Nghiên cứu Ngân sách của Đại học Yale, người nộp thuế giàu sẽ hưởng lợi nhiều hơn người nghèo từ dự luật này. Nhóm người có thu nhập thấp nhất sẽ giảm 2,5% thu nhập (do cắt giảm Medicaid và SNAP), trong khi nhóm giàu nhất tăng 2,4% thu nhập. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng có thể thay đổi tùy theo các sửa đổi Thượng viện đưa vào.

Dù Đảng Cộng hòa quảng bá dự luật là biện pháp kiểm soát chi tiêu chính phủ Mỹ, nhưng Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) phi đảng phái ước tính dự luật sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách thêm 3.300 tỷ USD đến năm 2034 – phần lớn do việc gia hạn các khoản cắt giảm thuế năm 2017. Tác động ngân sách lớn như vậy có thể khiến việc thông qua ở Hạ viện gặp khó khăn, nơi các nghị sĩ theo đường lối thắt lưng buộc bụng yêu cầu cắt giảm thâm hụt. 

Bài viết hay? Hãy đánh giá bài viết

  • Quan tâm nhiều nhất
  • Mới nhất

15 trả lời