Cơ hội nào cho EU đạt thoả thuận thương mại với Mỹ?
Tổng thống Mỹ dự kiến gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu tại Scotland ngày 27/7 để thảo luận thỏa thuận thương mại, tránh nguy cơ chiến tranh thuế quan.

Theo tờ The Sunday Telegraph, bà von der Leyen sẽ gặp Tổng thống Trump tại sân golf Turnberry, khu nghỉ dưỡng thuộc sở hữu cá nhân của ông Trump. EU hy vọng cuộc gặp sẽ giúp ngăn chặn kế hoạch áp thuế 30% mà Tổng thống Mỹ đe dọa áp lên hàng hóa của khối này. Một số nguồn tin cho biết, phái đoàn đàm phán EU đang hướng tới mức thuế 15% như một giải pháp thỏa hiệp.

Trước đó, ngày 12/7, ông Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 30% nếu không đạt được thỏa thuận trước hạn chót vào ngày 1/8 tới. Biện pháp này sẽ được thực hiện ngoài các mức thuế hiện hành gồm 25% với ô tô và phụ tùng xe hơi, cùng 50% với thép và nhôm.
Liên minh châu Âu - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đã nhiều lần trở thành mục tiêu chỉ trích của ông Trump - người cáo buộc Brussels “lợi dụng” Mỹ trong quan hệ thương mại.
Năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của EU sang Mỹ đạt 532 tỷ euro (tương đương 603 tỷ USD), trong đó dược phẩm, phụ tùng ô tô và hóa chất công nghiệp là các mặt hàng chủ lực.
Những điểm khác biệt chính giữa hai bên
Phát biểu tại Turnberry hôm 25/7, ông Trump cho biết có “20 điểm mấu chốt gây tranh cãi” trong đàm phán nhưng từ chối nêu cụ thể. Tuy nhiên, ông vẫn dành lời khen bà von der Leyen là một “người phụ nữ được đánh giá cao” và cho biết khả năng đạt thỏa thuận hiện ở mức “50-50”.
Trong khi đó, phía EU đang chuẩn bị gói biện pháp đáp trả với mức thuế tương đương 90 tỷ euro (109 tỷ USD) áp lên hàng hóa Mỹ, bao gồm phụ tùng xe hơi và rượu bourbon, nếu đàm phán thất bại.
Mỹ và EU, với tổng kim ngạch thương mại hàng hóa và dịch vụ đạt 1.600 tỷ euro (1.800 tỷ USD) trong năm 2023, đã bắt đầu đàm phán từ ngày 9/4, khi ông Trump quyết định tạm ngưng áp các mức thuế “đối ứng” lên gần như toàn bộ đối tác thương mại.
Tuy nhiên, trong thời gian đó, Mỹ vẫn áp thuế 10% lên toàn bộ hàng hóa EU, đồng thời duy trì các mức thuế cao đối với ô tô, thép và nhôm.
Ủy viên thương mại EU Maros Sefcovic gần đây tuyên bố: “Chúng ta cần bảo vệ nền kinh tế châu Âu, và phải sẵn sàng thực hiện các biện pháp cân bằng thương mại”.
Tuy nhiên, trong nội bộ EU đang tồn tại những bất đồng sâu sắc. Đức muốn đạt thỏa thuận nhanh để bảo vệ ngành công nghiệp nước mình, trong khi Pháp và một số quốc gia khác kiên quyết phản đối việc chấp nhận một thỏa thuận bất cân xứng nghiêng về phía Mỹ.
Phát ngôn viên của bà von der Leyen, bà Paula Pinho hôm 26/7 cho biết: “Các cuộc đàm phán kỹ thuật và chính trị đang được tiến hành ráo riết. Các nhà lãnh đạo sẽ đánh giá tình hình và xem xét khả năng đạt được một kết quả cân bằng, mang lại sự ổn định và dự đoán được cho doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả hai bờ Đại Tây Dương”.
Vì sao hai bên chưa thể đạt được thỏa thuận?
Tổng thống Trump từ lâu đã chỉ trích thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với EU và yêu cầu Brussels có các biện pháp cắt giảm xuất siêu. Năm 2024, Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ EU trị giá khoảng 606 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang EU chỉ đạt 370 tỷ USD, chủ yếu là nhiên liệu, dược phẩm, máy móc và máy bay.
Washington nhiều lần bày tỏ lo ngại về thuế giá trị gia tăng (VAT) của châu Âu cũng như các quy định khắt khe về thực phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin - những yếu tố mà phía Mỹ coi là rào cản phi thuế quan.
Ông Sefcovic gần đây cho biết, EU sẵn sàng thu hẹp chênh lệch thương mại bằng cách nhập thêm khí đốt, vũ khí và nông sản từ Mỹ.
Tuy nhiên, lãnh đạo châu Âu cũng nhấn mạnh rằng, họ muốn có một thỏa thuận công bằng. “Chúng tôi muốn có mức thuế thấp nhất có thể, nhưng chúng tôi cũng muốn được tôn trọng với tư cách là đối tác”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định hôm 23/7.
Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cũng tuyên bố tại Brussels ngày 14/7: “Chúng ta cần sẵn sàng sử dụng mọi công cụ. Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh”.
Các nhà đàm phán tại Scotland hy vọng điều đó sẽ không xảy ra.
Theo ước tính từ hãng phân tích Oxford Economics, nếu mức thuế 30% được thực thi, EU có thể bị đẩy tới bờ vực suy thoái. Các biện pháp đáp trả từ EU cũng sẽ tác động mạnh đến nông dân và công nhân ngành ô tô Mỹ - những nhóm cử tri quan trọng đối với ông Trump.